Cỏ ngọt lúa mỳ là cây gì?
Cỏ ngọt lúa mỳ (wheatgrass) là cây non của cây lúa mỳ có tên khoa học là Triticumaestivum, phát triển ở các vùng ôn đới từ châu Âu cho đến nước Mỹ. Người ta có thể trồng chúng ở ngoài tự nhiên hoặc trồng trong nhà kính. Bạn có thể tự trồng cỏ ngọt lúa mỳ tại nhà bằng cách ngâm các hạt lúa mỳ trong nước để nảy mầm và thu hoạch cây mạ non.
Cỏ ngọt lúa mỳ là một nguồn cung tự nhiên rất nhiều chất dinh dưỡng bao gồm có vitamin và muối khoáng trong đó có cả chất chống oxi hóa như: vitamin A,E,C,K và B6, canxi, selen, magie, sắt.
Các tín đồ của cỏ ngọt lúa mỳ sử dụng chúng như thế nào?
Vì lá cỏ ngọt lúa mỳ thường rất khó tiêu hóa nên họ sẽ xay ra thành nước ép. Lá cỏ ngọt lúa mỳ cũng có thể được sấy khô, nén thành dạng viên nén hoặc viên con nhộng. Một vài người còn sử dụng lá cỏ ngọt lúa mỳ đun với nước như một loại đồ uống có tác dụng làm sạch hệ thống tiêu hóa. Một số người khác lại ăn sống lá cỏ ngọt lúa mỳ bởi họ cho rằng nấu cỏ ngọt lúa mỳ lên có thể làm mất những enzym có sẵn trong lá cây làm giảm giá trị phòng chống bệnh tật.
Cỏ ngọt lúa mỳ có thể chữa được bệnh gì?
Cỏ ngọt lúa mỳ được tin là có tác dụng cải thiện sức khỏe hàng ngày, nó giúp bạn chống lại bệnh cảm lạnh, rối loạn tiêu hóa và các bệnh về da. Cỏ ngọt lúa mỳ cũng được sử dụng để phòng ngừa và điều trị một số bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc AIDS. Những tín đồ của cỏ ngọt lúa mỳ quả quyết rằng chất diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá) có trong cỏ ngọt là một chất thần thánh, chúng hoạt động như hemoglobin (một protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxi) làm tăng nồng độ oxi trong cơ thể. Một số loại siêu thực phẩm khác như rau bina, rau mùi tây, rau arugula cũng có tác dụng như cỏ ngọt lúa mỳ.
Mặc dù cỏ ngọt lúa mỳ được cho là có rất nhiều công dụng với sức khỏe nhưng chưa có nhiều bằng chứng khoa học hỗ trợ cho việc này. Các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào tác dụng của cỏ ngọt lúa mỳ trên hệ thống tiêu hóa của con người. Dưới đây là một số nghiên cứu về cỏ ngọt lúa mỳ
Cải thiện các triệu chứng của viêm loét đại tràng: một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2002 do nhóm các nhà khoa học Israel chỉ ra rằng điều trị bằng nước ép cỏ ngọt lúa mỳ có thể làm giảm các triệu chứng của viêm loét đại tràng và viêm đại tràng. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu khác để khẳng định tác dụng của cỏ ngọt lúa mỳ trên bệnh nhân bị viêm đại tràng.
Giảm tác dụng phụ của hóa trị liệu: không có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào cho thấy cỏ ngọt lúa mỳ có tác dụng tiêu diệt khối u hoặc làm tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân mắc ung thư nhưng theo kết qủa của một nghiên cứu sơ bộ trên 60 phụ nữ bị ung thư vú thì cho thấy cỏ ngọt lúa mỳ có thể làm giảm các tác dụng phụ của các chất hóa học sử dụng trong hóa trị liệu mà không ảnh hưởng đến tác dụng của các chất hóa học tiêu diệt tế bào ung thư.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh