Các nhà y học trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã sử dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại vào châm cứu cổ truyền, hình thành nhiều phương pháp châm mới (tân châm). Gồm có: điện châm, thủy châm, chỉ châm (chôn chỉ tại huyệt), laser châm, từ châm, trong đó điện châm và thủy châm là hai thủ thuật thường được sử dụng trên lâm sàng; dựa trên cơ chế tác dụng của huyệt vị và cơ chế tác dụng của dòng xung điện hoặc của thuốc thủy châm lên huyệt, có tác dụng hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Điện châm là phương pháp cho tác động một dòng điện nhất định lên huyệt để phòng bệnh và chữa bệnh; khi đó người bệnh nhận được 2 loại kích thích: tác dụng của huyệt và tác dụng của dòng điện kích thích.
Giống như hào châm, đặc biệt điện châm thường được dùng trong châm để giảm đau và châm tê để phẫu thuật.
Thường dùng một trong 2 cách sau:
Cách 1: chọn huyệt theo lý luận YHCT.
Cách 2: chọn theo học thuyết thần kinh:
Các bộ phận nhận cảm của thần kinh phân bố ở huyệt là cơ sở để tiếp thu những kích thích vào huyệt. Kích thích từ huyệt và những vùng bệnh lý được dẫn truyền về tủy sống và não ; ở đó 2 kích thích này sẽ tác động qua lại với nhau, sinh ra những xung động điều chỉnh để chuyển từ trạng thái bệnh lý về trạng thái sinh lý. Trên cơ sở đó nhiều nhà châm cứu đã vận dụng cách chọn huyệt có cùng một tiết đoạn thần kinh hoặc huyệt ở trên đường đi của dây thần kinh chi phối cơ quan bị bệnh .
Trong châm cứu cổ truyền có khi chọn khá nhiều huyệt nhưng khi điều trị bằng điện châm, số kim được chọn để truyền kích thích điện thường ít. Do các máy chuyên dùng hiện nay, phần lớn dùng các dòng điện có hướng; cho nên sẽ có sự hủy hoại tổ chức ở chỗ cắm kim và làm cho kim mau hỏng do hiện tượng điện phân; vì vậy chỉ nên chọn một số huyệt để kích thích. Cụ thể:
Đối với đau nhức:
Huyệt cơ bản là á thị; loại huyệt thứ 2 có thể là:
Ở phía đối diện sao cho dòng điện đi qua nơi đau; ví dụ đau lưng lấy á thị và thận du, vẹo cổ lấy á thị và đại chùy, đau dạ dày lấy á thị và vị du.
Ở trên đường kinh đi qua nơi đau. Ví dụ, đau mặt trước trong cánh tay lấy á thị và nội quan.
Đối với viêm nhiễm, phù nề: chọn một huyệt ở tại chỗ hoặc sát cạnh chỗ viêm nhiễm phù nề.,huyệt thứ 2 cũng chọn như với đau nhức.
Đối với bại liệt chi: hoặc chọn huyệt theo kinh hoặc chọn huyệt có tác dụng lâm sàng tốt; hoặc chọn một huyệt trên điểm vận động của cơ bị liệt. Huyệt thứ 2 chọn dọc theo cơ bị liệt để kích thích co cơ tốt hơn (thường chọn ở kinh dương minh).
Chỉ được phép dùng một điện áp rất nhỏ kích thích qua kim để cho qua cơ thể một dòng điện từ 10 - 200 microA
Khi cần chữa các bệnh cấp tính: có thể dùng tất cả xung hình gai nhọn, hình chữ nhật, hình sin, hình lưỡi cày... vì mới mắc bệnh các tổ chức chưa tổn thương nghiêm trọng, có thể đáp ứng với độ dốc sườn xung lên nhanh.
Khi cần chữa đau nhức, viêm tấy phù nề hay tụ máu do chấn thương: nên chọn các dòng xung điện có tần số 80 - 100 Hec/ giây và có nhịp độ kích thích liên tục không có khoảng nghỉ (để gây được phản ứng mạnh hơn); ở tần số này thần kinh cảm giác bị ức chế nên giảm đau nhanh, đồng thời vẫn làm tăng tuần hoàn dinh dưỡng có ảnh hưởng tốt đến viêm tấy phù nề, tụ máu.
Khi cần chữa các bệnh mạn tính, kích thích và phục hồi dinh dưỡng tổ chức: có thể dùng dòng điện hình lưỡi cày hoặc hình sin (có độ dốc từ từ) để kích thích các tổ chức đã bị tổn thương lâu. Đồng thời dùng tần số thấp từ 10 - 50 Hec/giây (trung bình từ 20 - 30 Hec/giây) để tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng, chuyển hoá và điều hoà trương lực thần kinh.
Khi cần chữa teo và liệt, có phản ứng thoái hoá: nên chọn dòng xung điện hình lưỡi cày, hay hình sin cho kích thích gián đoạn (để cơ có lúc co lúc nghỉ nên không bị mệt); tần số xung từ 20 - 30 Hec/giây, nhịp độ gián đoạn từ 10 - 15 lần/mỗi phút, thời gian ngừng kích thích cho cơ nghỉ bằng 1/2 - 1/3 tổng thời gian điều trị (nhịp độ và tần số này phù hợp với sinh lý bình thường của tổ chức).
Thời gian mỗi lần kích thích điện lên huyệt phụ thuộc vào sự tiếp thu phương pháp điều trị này của từng bệnh nhân, trong từng bệnh.
Căn cứ vào tình trạng tiếp thu kích thích của bệnh nhân: nếu bệnh nhân tiếp thu kích thích tốt: trong lúc cho điện kích thích dễ chịu, thoải mái; sau đó thấy bệnh giảm rõ ràng, không có phản ứng phụ như mệt mỏi, nặng đầu, mất ngủ... thì lần điều trị sau có thể giữ nguyên thời gian đó. Nếu lúc kích thích điện bệnh nhân thấy dễ chịu, về nhà bệnh giảm rõ rệt nhưng lại mệt mỏi, nặng đầu, mất ngủ thì lần sau cho giảm thời gian kích thích. Nếu sau khi cho kích thích điện một lát, người bệnh đã cảm thấy người có vẻ mệt mỏi, váng đầu, nặng đầu... thì không nên kích thích tiếp; lần kích thích sau sẽ cho thời gian ngắn hơn.
Đối với những bệnh có đau nhức: có thể lấy diễn biến của đau làm tiêu chuẩn định thời gian: nếu đau nhức giảm chậm thì kéo dài thời gian kích thích; nếu đau nhức giảm nhiều, không cần kéo dài thời gian kích thích nữa. Nếu đau nhức hết rồi trở lại nhanh, lần sau nên tăng thời gian kích thích lên hoặc kích thích 2 lần/ngày; nếu đau nhức không giảm mà lại tăng là kích thích điện không thích hợp. Tùy theo diễn biến của đau, thời gian có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 - 4 giờ liền; nói chung có thể để khoảng 30 phút; khi kích thích lâu phải dùng biện pháp chống quen.
Khi chữa các bệnh khác: nên thử lần đầu kích thích khoảng 10 - 15 phút, rồi hôm sau tùy diễn biến của bệnh mà quyết định thời gian kích thích là bao lâu.
Khi người bệnh đã tiếp thu được phương pháp kích thích điện lên huyệt, cần thiết phải đặt ra đợt điều trị. Giữa hai đợt điều trị cần có một khoảng cách nghỉ để tránh "quen" với kích thích, chuẩn bị cho cơ thể tiếp thu đợt kích thích sau tốt hơn. Sau khoảng cách nghỉ phải xem xét khả năng chống đỡ với bệnh tật của cơ thể và diễn biến của bệnh, để quyết định đợt điều trị sau nên duy trì kích thích như đợt trước hay là phải đổi phương pháp điều trị hoặc chỉ cần điều trị củng cố hay nghỉ điều trị.
Nên thực hiện điều trị 10 - 15 ngày rồi lại tiếp đợt điều trị khác. Nếu sau 3 đợt điều trị vẫn không kết quả cần thiết phải đổi phương pháp khác.
Bàn châm cứu, ga, gối, bàn để dụng cụ, máy điện châm, kim châm cứu, kìm Kocher, bông cồn...
Vận hành máy điện châm: mở máy kiểm tra an toàn, đưa các nút điều chỉnh tần số, cường độ về số “O”.
Chuẩn bị bệnh nhân: bệnh nhân được giải thích chu đáo, vệ sinh sạch sẽ, nằm trên giường ở tư thế thoải mái, bộc lộ được vùng châm.
Tiến hành châm kim vào huyệt: đạt đến cảm giác "đắc khí": xem phần kỹ thuật châm.
Nối các đôi dây điện cực vào đốc kim: chú ý nối trên cùng 1 đường kinh, cùng bên cơ thể, tránh dòng xung điện chạy qua cột sống, chạy qua tim.
Điều chỉnh tần số, cường độ, dạng xung, chế độ kích thích: thích hợp với từng bệnh nhân và theo yêu cầu điều trị. Chú ý: không được động viên bệnh nhân chịu đựng đau và giật mạnh tại chỗ châm.
Thời gian duy trì kích thích: tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân, thường duy trì 15 - 20 phút.
Vặn các nút điều chỉnh về số “O”, tắt máy.
Tháo các đôi dây điện cực.
Rút kim, sát trùng da tại huyệt châm.
Tai biến do dòng điện: nếu máy điện châm sử dụng nguồn điện thì khi châm phải hết sức phòng tránh tai nạn điện giật cho cả thày thuốc và bệnh nhân. Cần kiểm tra an toàn nguồn điện và an toàn máy trước khi châm. Nếu có tai nạn điện giật thì phải ngay lập tức:
Cắt nguồn điện ra khỏi máy điện châm.
Xử trí cấp cứu như khi cấp cứu người bị điện giật (tham khảo tài liệu hồi sức cấp cứu).
Thủy châm là tiêm thuốc vào huyệt. Đây là phương pháp chữa bệnh phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm với tác dụng chữa bệnh của thuốc và khối lượng thuốc tác động lên huyệt.
Một số bệnh mãn tính như viêm khớp, hội chứng thắt lưng-hông, hội chứng cổ-vai-cánh tay, di chứng tai biến mạch máu não, liệt thần kinh ngoại vi, hội chứng suy nhược thần kinh, hội chứng dạ dày- tá tràng, hen phế quản...
Chỉ định thuốc dùng cho thủy châm cần đảm bảo chế độ kê đơn an toàn hợp lý, phù hợp với bệnh nhân.
Gồm có chống chỉ định của thuốc và chống chỉ định của châm đối với từng cơ thể người bệnh.
Không dùng thuốc mà bệnh nhân bị phản ứng, thuốc chống chỉ định tiêm bắp, các thuốc có tác dụng kích thích gây xơ cứng, hoại tử vùng châm.
Chuẩn bị dụng cụ:
Giường châm cứu, ga, gối...
Thuốc thủy châm, bơm tiêm, bông, cồn, kìm Kocher...
Phòng thủ thuật cần có bộ đồ cấp cứu choáng do tiêm thuốc theo như qui định của Bộ Y tế.
Chuẩn bị bệnh nhân :
Thực hiện ba tra năm chiếu.
Thao tác:
Xác định huyệt theo YHCT.
Sát trùng tay thầy thuốc, sát trùng huyệt châm.
Lấy thuốc vào bơm tiêm, đâm nhanh kim qua da, tiến kim từ từ thăm dò cảm giác “Đắc khí”. Chú ý : nếu không tìm thấy cảm giác “Đắc khí” thì vẫn bơm thuốc vào huyệt, không được cố tìm cảm giác “Đắc khí” vì sẽ làm tổn thương mạch máu - thần kinh.
Rút Pit- ton kiểm tra xem kim có đâm vào lòng mạch không.
Bơm thuốc bơm từ từ, số lượng thuốc 0,5 - 2ml.
Rút kim nhanh qua da
Sát trùng huyệt tiêm
Liệu trình:
1 đợt thủy châm 7 - 10 ngày.
Nên thay đổi huyệt, không nên thủy châm liên tục 1 huyệt.
Tai biến do thuốc: khi bị phản ứng thuốc phải rút kim ngay, cho bệnh nhân nằm tư thế thoải mái. Nếu không đỡ thì sử trí như phác đồ cấp cứu choáng do dị ứng thuốc.
Vựng châm, tai biến do kim tiêm gây ra: gãy kim, gây tổn thương dây thần kinh, chảy máu và tụ máu.
Áp xe nơi tiêm: xử lý như điều trị một ổ áp xe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh