Điều trị loét dạ dày đến từ thiên nhiên

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày là một loại vi khuẩn tên là Helicobacter pylori, viết tắt là H.pylori. Ngoài ra, vết loét còn có thể có nguyên nhân là do sử dụng thuốc giảm đau quá liều, như: aspirin, các loại thuốc chống viêm không chứa steroid ( ibuprofen hoặc naproxen...)

Viêm loét dạ dày thường được điều trị bằng kháng sinh, thuốc làm giảm hoặc trung hòa axit dạ dày. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều giải pháp đến từ nhiên nhiên bạn có thể sử dụng để làm giảm triệu chứng viêm loét dạ dày và giúp các vết loét mau lành hơn.

 

Flavonoid

Các nghiên cứu gợi ý rằng, flavonoid có thể là một phương pháp điều trị viêm loét dạ dày rất hiệu quả. Flavonoid là thành phần tự nhiên có trong rất nhiều loại trái cây và rau xanh. Các loại thực phẩm và đồ uống giàu flavonoid bao gồm:

  • Đậu nành
  • Đậu tây
  • Nho tím
  • Cải xoăn
  • Bông cải xanh
  • Táo
  • Quả mọng họ dâu
  • Trà (đặc biệt là trà xanh)
  • Cacao, thành phần chính của chocolate

Tuy nhiên, một số loại thực phẩm và đồ uống có chứa flavonoid như trái cây họ cam chanh và rượu vang đỏ, lại có thể gây kích thích vết loét dạ dày.

Flavonoid được gọi tên là chất bảo vệ dạ dày, tức là, chất này có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày và làm lành các vết loét. Theo Viện nghiên cứu Linus Pauling, không có tác dụng phụ nào của việc tiêu thụ flavonoid có trong chế độ ăn hàng ngày, nhưng tiêu thụ quá nhiều flavonoid (bằng các loại thực phẩm chức năng) có thể làm cản trở quá trình hình thành cục máu đông.

Cam thảo (Deglycyrrhizinated Licorice)

Đừng quá băn khoăn về cái tên quá dài của loại chất này. Deglycyrrhizinated Licorice thực chất là một loại cam thảo thông thường có vị ngọt. Một nghiên cứu đã chứng minh được rằng, cam thao có thể giúp làm lành các vết loét dạ dày bằng việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn H.pylori.

Cam thảo ngày nay cũng có dưới dạng các loại thực phẩm chức năng hoặc các loại kẹo cứng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, quá nhiều cam thảo có thể sẽ không tốt với một số bệnh nhất định. Tiêu thụ nhiều hơn 55g cam thảo một ngày trong vòng hơn 2 tuần có thể khiến các vấn đề về tim mạch và huyết áp sẵn có trở nên nặng hơn.

 

Probiotic

Probiotic là những vi khuẩn và nấm men sống trong hệ tiêu hóa giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Probiotic cũng có trong rất nhiều loại thực phẩm thông dụng hàng ngày, đặc biệt là các loại thực phẩm đã được lên men như:

  • Buttermilk (sữa tươi được lên men)
  • Sữa chua
  • Miso (một món ăn của người Nhật, làm từ đậu nành lên men)
  • Kim chi

Bạn cũng có thể bổ sung probiotic dưới dạng thực phẩm chức năng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng, probiotic có thể làm giảm vi khuẩn H.pylori và tăng tỷ lệ hồi phục ở những người bị viêm loét dạ dày.

 

Mật ong

Mật ong không chỉ có vị ngọt. Trong những loại mật ong khác nhau có thể chứa tới hơn 200 thành phần dưỡng chất, bao gồm cả các polyphenol và các chất chống oxy hóa khác. Mật ong là một chất chống khuẩn rất mạnh và đã được chứng minh là có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn H.pylori. Miễn là lượng đường huyết của bạn ở trong giới hạn bình thường, bạn có thể thưởng thức mật ong theo ý muốn, như bất kỳ loại đồ ngọt ngào khác, mà còn có thể giúp làm dịu vết loét dạ dày của bạn.

 

Tỏi

Chiết xuất từ tỏi được chứng minh là có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn H.pylori trong phòng thí nghiệm, trên động vật và một số thử nghiệm nhỏ trên người. Nếu bạn không thích hương vị và mùi tỏi còn lưu lại sau khi ăn, bạn có thể sử dụng chiết xuất tỏi dưới dạng thực phẩm chức năng.

Tỏi còn có tác dụng như một chất làm loãng máu, do vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng tỏi nếu bạn đã đang sử dụng warfarin hoặc các thuốc làm loãng máu khác.

 

Nam việt quất (Cranberry)

Nam việt quất nổi tiếng với khả năng chống lại viêm đường tiết niệu bằng việc ngăn chặn vi khuẩn không bám vào lớp niêm mạc bàng quang. Nam việt quất và chiết xuất từ nam việt quất còn có thể giúp bạn chống lại vi khuẩn H.pylori. Bạn có thể uống nước ép nam việt quất, ăn quả nam việt quất hoặc uống thực phẩm chức năng có chiết xuất nam việt quất.

Tuy nhiên, một điều không may là chúng ta vẫn chưa biết sử dụng bao nhiêu nam việt quất có thể giúp giảm loét dạ dày. Quá nhiều nam việt quất, dưới bất cứ hình thức nào cũng có thể khiến dạ dày bạn khó chịu, cho dù bạn có bị viêm loét dạ dày hay không. Do vậy, bạn hãy bắt đầu với một lượng nhỏ và tăng dần, từ từ cho đến mức mà dạ dày của bạn không bị đau hay khó chịu.

Ngoài ra, rất nhiều loại nước ép nam việt quất ngoài thị trường được thêm vào rất nhiều đường, siro ngô hoặc đường fructose. Những chất thêm vào này có thể sẽ khiến bạn bị đau bụng và tăng thêm lượng calo rỗng mà bạn tiêu thụ. Tốt nhất, bạn nên tự ép nước nam việt quất tại nhà và hạn chế cho thêm các loại chất tạo ngọt.

 

Mastic

Mastic là nhựa sống của một loại cây mọc ở vùng Địa Trung Hải. Kết quả của các nghiên cứu về hiệu của mastic lên vết loét còn đang gây nhiều tranh cãi, nhưng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, nhai mastic có thể giúp bạn chống lại vi khuẩn H.pylori.

Nếu tình trạng loét dạ dày của bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bạn có thể thử nhai kẹo cao su có chứa mastic vì việc này sẽ không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào.

Trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt

Một chế độ ăn tập trung nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt không chỉ tốt cho sức khỏe nói chung của bạn. Theo Mayo Clinic, một chế độ ăn giàu vitamin có thể giúp cơ thể làm lành vết loét. Các loại thực phẩm có chứa polyphenols, một chất chống oxy hóa có thể bảo vệ bạn khỏi các vết loét và giúp vết loét mau lành. Các loại thực phẩm giàu polyphenol bao gồm:

  • Cây hương thảo khô
  • Cỏ oregano của Mexico
  • Socola đen
  • Việt quất (Blueberries)
  • Ôliu đen

 

Những thực phẩm nên tránh

Một số loại thực phẩm có thể sẽ khiến vết loét nặng hơn. Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và nhiều axit là những loại thực phẩm thường gây kích thích dạ dày, tương tự như những loại thực phẩm cay nóng.

Để làm giảm tình trạng loét dạ dày, hãy tránh:

  • Cà phê, bao gồm cả cà phê đã tách caffein
  • Các loại đồ uống có gas
  • Ớt và hạt tiêu
  • Các loại thực phẩm chế biến sẵn
  • Thịt đỏ nhiều muối
  • Thực phẩm chiên rán quá kỹ.

 

Lưu ý cho sữa và rượu

Sữa có khả năng sẽ tạo ra một lớp áo bao bọc lớp nhung mao của dạ dày và khiến bạn nghĩ rằng sữa có thể có tác dụng bảo vệ dạ dày. Trên thực tế, uống sữa lúc đầu có thể sẽ làm dịu vết loét dạ dày của bạn. Nhưng trong thời gian dài, sữa không tốt cho vết loét. Sữa có thể sẽ khiến vết loét nặng hơn bằng việc khiến dạ dày sản xuất ra nhiều axit hơn.

Còn rượu thì sao? Nếu bạn đã từng bị say xỉn, thì hẳn bạn đã biết đến việc rượu có ảnh hưởng như thế nào tới dạ dày. Rượu cũng có liên quan trực tiếp với việc nhiễm H.pylori, có nghĩa là rượu cũng góp phần gây loét dạ dày và khiến tình trạng loét dạ dày sẵn có sẽ diễn biến xấu đi.

Uống quá nhiều rượu là khi uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày với phụ nữ và nhiều hơn 2 ly mỗi ngày với nam giới. Nếu bạn thường xuyên uống vài ly sau khi tan giờ làm để thư giãn, thì bạn nên tìm một sự thay thế khác, lành mạnh hơn.

 

Lưu ý dành cho bạn

Đôi khi sẽ mất một chút thời gian để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho vết loét dạ dày của bạn, nhưng đừng mất hy vọng. Loét dạ dày có thể chữa khỏi được.

Ngoài việc tuân theo chế độ điều trị của bác sỹ, bạn có thể phối hợp thêm một số phương pháp đến từ thiên nhiên để giúp bạn giảm đau và hồi phục nhanh hơn. Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh, giảm lượng rượu tiêu thụ chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn. 

Và đừng quên thư giãn và thoải mái nhất có thể, bạn nhé! Vì các cơn đau dạ dày sẽ xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn nếu bạn quá căng thẳng, stress.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top