✴️ Điều trị tăng huyết áp theo y học cổ truyền

ĐẠI CƯƠNG

Y học hiện đại

Khái niệm

Bệnh tăng huyết áp còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là huyết áp động mạch tăng cao (có thể là tăng huyết áp tâm thu, tăng huyết áp tâm trương hoặc tăng cả hai); kèm theo bệnh nhân thấy đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi; thời kỳ muộn sẽ có biểu hiện lâm sàng tổn thương thận, tim và não...

Bệnh nhân sau khi được khám lâm sàng 2 -3 lần khác nhau, mỗi lần khám được đo huyết áp ít nhất 2 lần, nghỉ ngơi trước khi đo 5 phút mà phát hiện có trị số huyết áp ≥ 140/90mmHg thì được chẩn đoán là tăng huyết áp.

Tăng huyết áp phân thành hai loại là tăng huyết áp nguyên phát (bệnh tăng huyết áp) và tăng huyết áp thứ phát (do một nguyên nhân bệnh nào đó gây nên tăng huyết áp, còn gọi là tăng huyết áp triệu chứng). Tăng huyết áp thứ phát chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong số bệnh nhân có tăng huyết áp.

Tỷ lệ phát bệnh cao, có quan hệ chặt chẽ đến tuổi, nghề nghiệp, gia tộc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp chiếm 8 - 18% dân số thế giới. Ở Việt Nam, theo điều tra của Viện Tim mạch (2008), tỷ lệ tăng huyết áp là 25,1% ở những người ≥ 25 tuổi.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Giai đoạn đầu của bệnh tăng huyết áp thì thường không thấy biểu hiện đặc biệt. Khi bệnh nhân phát hiện được tăng huyết áp thì thường thấy biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, hay quên, ù tai, mệt mỏi, hồi hộp trống ngực, đau mỏi cổ gáy… Giai đoạn sau của bệnh tăng huyết áp sẽ gây tổn thương cơ quan đích như tim, não, thận và các triệu trứng liên quan kèm theo.

Giai đoạn đầu, ngoài việc đo thấy huyết áp tăng cao, đa số bệnh nhân không thấy biểu hiện gì; một số bệnh nhân khi nghe tim có thể thấy tiếng T2 đanh, tiếng thổi tâm thu nhẹ ở mỏm.

Khi tăng huyết áp kéo dài, gây tổn thương cơ quan đích như tim, thận, não... thì sẽ thấy các triệu chứng liên quan kèm theo.

Cận lâm sàng

X quang: quai động mạch chủ vồng, cung tim trái giãn.

Điện tim: dày thất trái, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim.

Soi đáy mắt: tăng huyết áp giai đoạn 2 thấy động mạch đáy mắt ngoằn nghèo hoặc hẹp cục bộ; giai đoạn 3 thấy biểu hiện vữa xơ động mạch nhỏ hoặc xuất huyết võng mạc, phù gai thị.

Xét nghiệm:

Nước tiểu: giai đoạn đầu không thấy rối loạn đặc biệt; khi có tổn thương thận sẽ thấy protein niệu, trụ hình…

Sinh hóa máu: khi có rối loạn chức năng thận sẽ thấy urê, creatinin tăng cao.

Phân độ tăng huyết áp

Phân độ tăng huyết áp (THA) ở người lớn tuổi theo WHO/ISH 2003, phân loại này dựa trên đo huyết áp (HA) tại phòng khám. Nếu huyết áp tâm thu (HATT) và huyết áp tâm trương (HATTr) không cùng mức phân loại thì chọn mức huyết áp cao hơn để xếp loại.

Tham khảo thêm phân độ của JNC 7 năm 2003:

Phân giai đoạn tăng huyết áp

Giai đoạn 1: tăng huyết áp, không có tổn thương cơ quan đích.

Giai đoạn 2: tăng huyết áp, tổn thương cơ quan đích như dày thất trái phát hiện được trên lâm sàng, X quang, siêu âm; hẹp toàn thể hay khu trú động mạch võng mạc; protein niệu (±), creatinin máu tăng…

Giai đoạn 3: tăng huyết áp kèm theo đột quỵ não, suy tim, tổn thương đáy mắt (chảy máu võng mạc, xuất tiết, phù gai thị).

Một số biểu hiện thường thấy ở giai đoạn 3 nhưng không đặc hiệu cho bệnh tăng huyết áp: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhũn não, phồng tách động mạch, tắc mạch, suy thận.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh tăng huyết áp thuộc phạm trù chứng huyễn vựng, đầu thống. Khi bệnh tiến triển nặng lên, gây tăng huyết áp nguy hiểm hoặc gây đột quỵ não thì y học cổ truyền xếp trong phạm trù chứng trúng phong.

Nguyên nhân bệnh sinh

Nhân tố tinh thần

Hoạt động tình chí là những phản ánh không giống nhau của cơ thể con người đối với sự vật khách quan. Y học cổ truyền cho rằng hoạt động tình chí gồm bảy loại là hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. Trong tình huống bình thường thì hoạt động tình chí là các trạng thái tinh thần của cơ thể và những biểu hiện sinh lý, nói chung là không gây nên bệnh. Chỉ khi kích thích tình chí đột ngột, mạnh mẽ, kéo dài, vượt quá phạm vi hoạt động sinh lý bình thường thì sẽ gây nên rối loạn vận hành của khí, khí huyết âm dương tạng phủ thất điều mới có thể phát bệnh. Rối loạn tình chí trong bệnh tăng huyết áp thường gặp là do tình chí không thoải mái, hay lo lắng, cáu giận làm cho can khí không thư thái, uất lại mà hóa nhiệt, tổn thương can âm, can dương thăng vượng mà gây nên mặt đỏ, mắt đỏ, đau đầu, chóng mặt…

Nhân tố ăn uống

Thói quen hay ăn nhiều chất béo, ngọt hoặc uống quá nhiều bia, rượu làm tổn thương tỳ vị, tỳ mất kiện vận làm thấp trọc nội sinh, hóa đàm hóa hỏa, đàm trọc nhiễu loạn phía trên gây trệ tắc kinh mạch gây nên bệnh.

Nhân tố lao dục

Lao động quá sức, dục vọng quá nhiều làm hao thương khí âm hoặc tuổi cao, thận hao hư, âm tinh bất túc làm thủy không hàm mộc gây âm hư dương cang, nội phong nhiễu loạn gây nên bệnh.

 

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện chứng quá trình phát triển bệnh

Do nhân tố thể chất hoặc do tác động lẫn nhau của các nguyên nhân trên làm rối loạn cân bằng âm dương, trong đó chủ yếu tác động đến hai kinh can và thận. Nói chung, thường thấy chứng thận âm bất túc, can dương thượng cang, hình thành bệnh lý thượng thịnh hạ hư với các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ. Thận âm hao hư làm cho tâm thận bất giao, tâm mất đi sự nuôi dưỡng nên xuất hiện chứng hồi hộp trống ngực và hay quên. Bệnh lâu ngày không khỏi, âm tổn cập dương làm thận dương bất túc, xuất hiện chứng dương hư như sợ lạnh, chân tay lạnh, liệt dương, đái đêm nhiều lần.

Từ góc độ phát triển bệnh cho thấy, đầu tiên là tổn thương phần âm, sau đó là tổn thương phần dương, cuối cùng là âm dương cùng tổn thương. Dương thắng sẽ hóa phong, hóa hỏa, can phong nhập lạc làm cho tứ chi tê nhức, nếu nặng sẽ thấy xuất hiện chứng miệng và mắt méo lệch. Nếu can hỏa thượng xung sẽ thấy mặt và mắt đỏ, tính tình dễ cáu giận. Nếu can dương bạo cang gây nên dương cang phong động, huyết thuận theo khí nghịch, kết hợp đàm và hỏa, nhiễu động tâm thần, bưng bít thanh khiếu mà xuất hiện chứng nguy hiểm trong trúng phong.

Phụ nữ bị bệnh tăng huyết áp còn liên quan đến hai mạch xung và nhâm. Mạch xung chủ huyết, mạch nhâm chủ âm của toàn thân. Nếu xung nhâm thất điều sẽ gây nên các biểu hiện của âm hư dương cang hoặc âm dương lưỡng hư.

Nguyên tắc điều trị

Bệnh tăng huyết áp có quan hệ mật thiết đến chức năng của can và thận. Cho nên, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị chứng bệnh này là điều chỉnh cân bằng chức năng của can thận và âm dương, hạ huyết áp hợp lý, chú trọng đến cải thiện triệu chứng.

Đối với thể can dương thượng cang, dùng pháp tiềm giáng bình can, không nên dùng các vị thuốc có tính vị khổ hàn làm tổn thương can.

Đối với thể can thận âm hư nên dùng pháp tư dưỡng can thận nhưng không nên quá lạm dụng các vị thuốc nê trệ làm tổn thương tỳ.

Đối với thể âm dương lưỡng hư nên dùng pháp dục âm trợ dương, âm dương cùng điều trị.

Trường hợp kiêm huyết ứ, đàm trọc nên gia các vị thuốc hoạt huyết thông lạc, hóa đàm trừ thấp.

Trong quá trình sử dụng thuốc nên lưu ý: dùng thuốc tiềm giáng không được làm tổn thương khí, thuốc tư bổ không để tổn thương can tỳ để đạt mục đích cân bằng âm dương.

 

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

Can dương thượng cang

Lâm sàng: đau đầu, đầu căng tức, hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt hồng, mắt đỏ, dễ cáu gắt, ngủ ít, ngủ hay mê, miệng và họng khô; bệnh thường nặng lên khi bệnh nhân bực dọc hoặc cáu giận; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.

Pháp điều trị: bình can tiềm dương, tư dưỡng can thận.

Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm gia vị.

Thiên ma         12g          Câu đằng        12g     Thạch quyết minh           20g

Chi tử              12g          Hoàng cầm     12g     Ích mẫu thảo         15g

Ngưu tất                   15g          Đỗ trọng         12g    Tang ký sinh         12g

Dạ giao đằng   12g          Phục thần        10g

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh có tác dụng bình can tức phong tiềm dương; chi tử, hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa làm cho nhiệt ở kinh can không thiên cang; ích mẫu thảo có tác dụng hoạt huyết lợi thủy; ngưu tất có tác dụng đưa huyết xuống dưới, phối hợp với đỗ trọng và tang ký sinh để bổ ích can thận; dạ giao đằng, phục thần có tác dụng an thần định chí.

Nếu phong dương thượng cang thì gia hạ khô thảo 12g, linh dương giác 15g.

Nếu không có chứng can thận bất túc thì có thể bỏ vị thuốc đỗ trọng.

Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện 103 áp dụng bài “Giáng áp - 08” để điều trị tăng huyết áp cho thấy hiệu quả tốt:

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Âm hư dương cang

Lâm sàng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, hay quên, ngũ tâm phiền nhiệt, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, chất lưỡi hồng, ít rêu lưỡi, mạch tế sác.

Pháp điều trị: dục âm tiềm dương.

Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng hoàn.

Thục địa               12g        Hoài sơn     12g             Sơn thù       10g

Trạch tả               15g        Đan bì         12g             Bạch linh    10g

Kỷ tử          10g        Cúc hoa      10g

Bài thuốc trên vận dụng liều thích hợp để sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc trên cấu tạo từ bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn và gia kỷ tử, cúc hoa. Trong đó, bài Lục vị địa hoàng hoàn và vị thuốc kỷ tử đều có tác dụng tư dưỡng can thận âm, cúc hoa có tác dụng bình tức can phong. Đây là bài thuốc thường dùng để điều trị thể âm hư dương cang.

Nếu can dương cang thịnh điển hình gây hoa mắt và chóng mặt nặng thì gia thiên ma 12g, câu đằng 15g, thạch quyết minh 30g để bình can tiềm dương.

Nếu âm hư gây đại tiện táo bón thì gia hỏa ma nhân 15g, bá tử nhân 12g để tăng cường nhuận tràng thông tiện.

Nếu mất ngủ, hồi hộp trống ngực thì gia toan táo nhân 10g, phù tiểu mạch 12g để tăng cường dưỡng tâm an thần.

Âm dương lưỡng hư

Lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, trống ngực, mất ngủ, ngủ hay mê, vận động thì khó thở, đau lưng, mỏi gối, di tinh, liệt dương, tiểu tiện trong và số lượng nhiều, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: dục âm trợ dương.

Bài thuốc: Kim quỹ thận khí hoàn.

Sinh địa               12g                   Hoài sơn     12g       Sơn thù    10g

Trạch tả              15g                   Bạch linh    12g       Đan bì      12g

Quế chi     08g                   Phụ tử         04g

Bài thuốc trên vận dụng liều thích hợp để sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài Lục vị địa hoàng hoàn và gia quế chi, phụ tử. Trong đó, bài Lục vị địa hoàng hoàn có tác dụng tư bổ thận âm; quế chi, phụ tử có tác dụng trợ dương. Các vị thuốc này phối hợp có tác dụng bổ cả âm và dương.

Nếu khí hư thì gia đảng sâm 12g, hoàng kỳ 15g.

Nếu mất ngủ, hồi hộp, trống ngực thì gia bá tử nhân 12g, toan táo nhân 10g.

Để tăng cường tác dụng dục âm tiềm dương thì gia quy bản 12g, thạch quyết minh 30g.

Đàm trọc ứ trệ

Lâm sàng: đầu căng nặng và đau, đầy tức ngực, hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, buồn nôn hoặc xuất tiết nhiều đờm dãi, chân tay tê bì, rêu lưỡi dày trơn hoặc bẩn nhớp, mạch hoạt.

Pháp trị: hóa đàm khứ thấp.

Bài thuốc: Bán hạ bạch truật thiên ma thang.

Bán hạ   08g             Thiên ma    12g    Bạch linh    10g

Trần bì 10g             Bạch truật   12g    Cam thảo    08g

Các vị trên gia sinh khương 10g, đại táo 12g; sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì bán hạ có tác dụng táo thấp hóa đàm, giáng nghịch cầm nôn; thiên ma có tác dụng hóa đàm tức phong để giảm đau đầu và chóng mặt; bạch truật có tác dụng kiện tỳ táo thấp, phối hợp với bán hạ và thiên ma để khứ thấp hóa đàm, giảm chóng mặt; bạch truật phối hợp với bạch linh có tác dụng kiện tỳ trừ thấp; trần bì có tác dụng lý khí hóa đàm; sinh khương, đại táo có tác dụng điều hòa tỳ vị; cam thảo có tác dụng kiện tỳ và điều hòa các vị thuốc.

Nếu thuộc chứng đàm nhiệt thì gia các vị thuốc thanh hóa nhiệt đàm như đởm nam tinh 10g, trúc nhự 12g, bối mẫu 06g hoặc phối hợp với bài Ôn đởm thang (bán hạ, trần bì, trúc nhự, chỉ thực, phục linh, cam thảo).

Nếu hồi hộp, trống ngực, ra mồ hôi nhiều thì gia đan sâm 15g, ngũ vị tử 08g, sơn thù 10g để tăng cường cố sáp.

Nếu đàm trọc gây huyết ứ (đau tức ngực, hồi hộp, mất ngủ, chất lưỡi tím, có ban ứ huyết, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch hoạt sáp) thì phối hợp với bài Huyết phủ trục ứ thang (đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, xích thược, sài hồ, cát cánh, ngưu tất, sinh địa, chỉ xác, cam thảo).

Xung nhâm thất điều

Lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, dễ ra mồ hôi, phù thũng, ngủ ít, ngủ hay mê, dễ bị lạnh, sợ nóng, huyết áp dao động, chất lưỡi nhợt, mạch huyền; kèm theo thấy chân và tay căng tức, mặt phù, buồn bực, mất ngủ.

Pháp điều trị: điều lý xung nhâm.

Phương thuốc: Nhị tiên thang gia vị.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì tiên linh tỳ (dâm dương hoắc), tiên mao (rễ sâm cau), ba kích có tác dụng ôn bổ thận dương, cường cân cốt; tri mẫu, hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa và táo thấp; đương quy có tác dụng dưỡng huyết và hoạt huyết; hoàng kỳ có tác dụng kiện tỳ ích khí, phối hợp với trạch tả để tăng cường tác dụng thấm thấp lợi thủy; táo nhân để dưỡng tâm an thần.

Nếu mệt mỏi nhiều thì gia bạch truật 12g, hoài sơn 12g để tăng cường bổ khí.

Nếu chân, tay, mặt bị phù thì gia xa tiền tử 20g, đông qua bì 30g.

Nếu mất ngủ nhiều thì gia bá tử nhân 15g, dạ giao đằng 20g.

Nếu đau đầu, chóng mặt thì gia câu đằng 20g, ngưu tất 15g.

 

BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Châm cứu theo pháp hư bổ thực tả: các huyệt Khúc trì, Túc tam lý, Hành gian, Thái xung.

Vận dụng huyệt Ngũ du để châm tả huyệt Hành gian (là huyệt huỳnh thuộc hỏa của kinh can) để tả hỏa ở kinh can.

Nếu đau đầu nhiều, chóng mặt thì gia thêm huyệt Thái dương, Ấn đường, Hợp cốc, Nội quan, Thần môn, Huyền chung, Dương lăng tuyền.

Xoa bóp kết hợp.

 

KẾT LUẬN

Y học cổ truyền xếp các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp thuộc phạm trù các chứng bệnh huyễn vựng, đầu thống...

Nguyên nhân gây bệnh theo y học cổ truyền liên quan đến nhân tố tình chí rối loạn, thói quen ăn uống không điều độ, lao động quá sức hay tham vọng quá lớn... dẫn đến rối loạn công năng của tạng phủ và khí huyết mà gây nên bệnh.

Cơ chế bệnh sinh chủ yếu liên quan đến mất cân bằng âm dương và gây tác động đến tạng can và tạng thận làm cho can dương thượng cang, can thận âm hư hay xung nhâm thất điều.

Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc phải hết sức chú trọng đến biện chứng luận trị để gia giảm bài thuốc cho phù hợp.

Chú ý: kết hợp với y học hiện đại để đánh giá hiệu quả điều trị và kết hợp dùng thuốc hạ huyết áp khi cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top