✴️ Kinh túc thiếu dương đởm

Nội dung

ĐƯỜNG ĐI.

Từ khóe mắt ngoài ( huyệt đồng tử liêu) lên góc trán, vòng xuống sau tai, rồi vòng trở lại đầu, trán (huyệt dương bạch), lại vòng qua đầu sang gáy (huyệt phong trì), đi dọc cổ xuống vai, nách, cạnh sườn bụng, qua mấu chuyển lớn, xuống dọc mặt ngoài đùi, qua bờ ngoài khớp gối, xuống cẳng chân dọc theo xương mác, xuống mu chân dọc theo khe giữa xương bàn chân 4 - 5, tận cùng ở góc ngoài chân móng ngón chân 4.

 

LIÊN QUAN:

Đầu liên quan đến tiết đoạn C2-C3-C4, ngực D2-D12; mông L1-L4; cẳng và mu chân L5.

Tương quan biểu lý với kinh can, liên hệ chặt chẽ với tai,hợp với kinh thiếu dương tam tiêu ở tai.

 

CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ CHUNG .

Tại chỗ và theo đường kinh:

Đau khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân.

Đau vai- gáy, đau thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh hông to, liệt dây VII.

Nhức 1/2 đầu, ù tai…

Toàn thân:

Sốt rét, sốt cao có nôn mửa, miệng đắng.

 

HUYỆT VỊ.

Đồng tử liêu:

Vị trí: từ đuôi mắt đo ngang ra 0,5 thốn (khi mở mắt), hoặc cuối ngấn gấp đuôi mắt (khi nhắm mắt).

Chủ trị: nhức đầu, đau mắt, lẹo chắp, liệt .

Kỹ thuật : châm luồn kim dưới da, hướng mũi kim ra ngoài, sâu 0,2 – 0,3 thốn ; cứu 3 – 5 phút.

Hình 3.10: Kinh túc thiếu dương đởm

1.Đồng tử liêu

2.Dương bạch

3.Phong trì

4.Kiên tỉnh

5.Hoàn khiêu

6.Phong thị

7.Dương lăng tuyền

8.Huyền chung        

9.Túc lâm khấp

Dương bạch (GB14): Dương bạch là huyệt hội của kinh thiếu dương ở chân và kinh dương minh, mạch dương duy.

Vị trí: phía trên cung mày, từ chính giữa mắt lên 1 thốn.

Điều trị: đau đầu, đau mắt, sụp mi, máy cơ, mắt không nhắm được, loạn thị.

Cách châm cứu: châm luồn kim dưới da sâu 0,3 - 0,5 thốn, mũi kim hướng xuống lông mày. Cứu 5 - 10 phút.

Phong trì (GB20): Phong trì là huyệt hội của kinh thiếu dương ở tay, chân và mạch dương duy.

Vị trí: chỗ lõm chân tóc gáy (sờ xác định đáy hộp sọ, huyệt ở chỗ lõm tạo bởi bờ ngoài cơ thang và bờ sau cơ ức - đòn - chũm.

Điều trị: đau cứng cổ gáy, đau đầu, ù tai, đau vai, sốt, trúng phong.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 0,8 thốn, mũi kim hướng về phía nhãn cầu bên đối diện ; cứu 15 phút.

Kiên tỉnh (GB21): Kiên tỉnh là huyệt hội của kinh thiếu dương ở tay, chân; kinh dương minh ở chân và mạch dương duy.

Vị trí: chỗ lõm trên vai (huyệt ở điểm giữa đường nối huyệt đại chùy với huyệt kiên ngung).

Điều trị: đau vai gáy, đau đầu, viêm tuyến vú, tắc tia sữa, trúng phong

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 0,7 thốn (không châm sâu vì có thể tổn thương đỉnh phổi); cứu 5 - 15 phút.

Nhật nguyệt (GB24): Nhật nguyệt là huyệt mộ của đởm, huyệt hội của kinh thiếu dương với kinh thái âm ở chân và mạch dương duy.

Vị trí: ở khoang liên sườn 7, sát bờ trên xương sườn 8 trên đường thẳng qua giữa xương đòn.

Điều trị: ngực sườn đầy tức, đau vùng gan, mật, ợ chua, chướng bụng, nôn mửa.

Cách châm cứu: châm nghiêng sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 15 phút.

Kinh môn (GB25): Kinh môn là huyệt mộ của thận.

Vị trí: ở đầu xương sườn cụt 12.

Điều trị: đau mạn sườn, sôi bụng, ỉa chảy lúc canh năm (ngũ canh tả).

Cách châm cứu: châm nghiêng sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5  - 15 phút.

Hoàn khiêu (GB30): Hoàn khiêu là huyệt hội của kinh thiếu dương và thái dương ở chân.

Vị trí: huyệt ở chỗ lõm, điểm nối 1/3 ngoài và 2/3 trong trên đường từ đỉnh mấu chuyển lớn đến mỏm gai S4.

Điều trị: đau khớp háng, đau thần kinh hông to, liệt 1/2 người.

Cách châm cứu: châm sâu 1,5 - 2,5 thốn. Cứu 20 - 40 phút.

Phong thị (GB31): Phong thị là huyệt hội của kinh thiếu dương và thái dương ở chân.

Vị trí: mặt ngoài đùi, trên khe khớp gối 7 thốn (chân duỗi thẳng, tay xuôi áp sát vào người; huyệt ở vị trí đầu ngón tay giữa chấm vào đùi).

Điều trị: trúng phong, liệt 1/2 người, liệt chân, mẩn ngứa. Kết hợp với âm thị, dương lăng tuyền để chữa yếu chân, liệt chân, đau khớp gối.

Cách châm cứu: châm sâu 0,8 - 1 thốn; cứu 10 - 15 phút.

Dương lăng tuyền (GB34): Dương lăng tuyền là huyệt hợp thuộc thổ, hội của cân.

Vị trí: ở chỗ lõm phía trước điểm nối đầu và thân xương mác (dối diện với âm lăng tuyền).

Điều trị: đau sưng khớp gối, đau thần kinh hông khoeo ngoài, liệt 1/2 người, đau tức ngực sườn, đau nửa đầu; sốt rét…

Cách châm cứu: châm sâu 0,8 - 1 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Quang minh (GB37): Quang minh là huyệt lạc nối với quyết âm can.

Vị trí: trên mắt cá ngoài 5 thốn, sát bờ trước xương mác.

Điều trị:đau cẳng chân,  đau mắt; sốt không có mồ hôi.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Huyền chung (GB39): Huyền chung là huyệt hội của tỳ, huyệt lạc của ba kinh dương ở chân.

Vị trí: trên mắt cá ngoài 3 thốn, sát bờ trước xương mác (đối diện với tam âm giao).

Điều trị: đau cẳng chân, đau khớp gối, liệt 1/2 người, vẹo cổ, đau nhức trong xương.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5thốn; cứu 5 - 10 phút.

Túc lâm khấp (GB41): Túc lâm khấp là huyệt du thuộc mộc, huyệt hội với mạch đới.

Vị trí: ở khoảng gian đốt bàn chân 4,5 (lấy huyệt ở chỗ lõm sau gân duỗi ngón 5, cách khe ngón 4 - 5 khoảng 1,5 thốn).

Điều trị: sưng đau bàn chân, đau cẳng chân, đau mạng sườn, đau đầu, đau mắt.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Túc khiếu âm (GB44): Túc khiếu âm là huyệt tỉnh thuộc kim.

Vị trí: ở đầu ngón chân 4 về phía ngón út, cách góc móng chân 0,2 thốn.

Điều trị: đau ngực sườn, đau đầu, đau mắt, tai ù, mất tiếng, sốt không có mồ hôi.

Cách châm cứu: châm sâu 0,1 thốn; cứu 3 - 5 phút.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top