✴️ Cần cảnh giác với hiện tượng sỏi xuống bàng quang

1. Sỏi rơi xuống bàng quang là gì?

Sỏi rơi xuống bàng quang là tình trạng những viên sỏi có kích thước nhỏ đi qua niệu quản, theo dòng chảy của nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang. Những viên sỏi này đã được hình thành trước ở thận, bể thận hoặc nhiều vị trí khác nhau trên đường tiết niệu. Việc sỏi rơi xuống bàng quang chính là nguyên nhân phổ biến gây bệnh sỏi bàng quang – một trong những loại sỏi thường gặp nhất ở đường tiết niệu hiện nay. 

Sỏi xuống bàng quang gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời.

 

2. Biến chứng nguy hiểm khi sỏi rơi xuống bàng quang

Sỏi rơi xuống bàng quang nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như:

 

2.1. Viêm bàng quang cấp

Sỏi thận trong quá trình rơi xuống bàng quang sẽ đi qua niệu quản, cọ xát trực tiếp với vùng niêm mạc và thành bàng quang. Tại đây gây viêm loét, nhiễm trùng, chảy máu và biến chứng viêm bàng quang cấp. Đây cũng là lý do có lẫn máu trong nước tiểu của người bệnh.

 

2.2. Viêm đường tiết niệu

Nước tiểu từ thận qua niệu quản xuống bàng quang. Sau đó mới xuống niệu đạo và đưa ra ngoài. Do đó khi sỏi xuất hiện ở bàng quang khiến quá trình vận chuyển nước tiểu bị gián đoạn. Đồng thời làm tắc nghẽn niệu quản, niệu đạo, nước tiểu bị ứ đọng. Tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

 

2.3. Rò bàng quang, teo xơ bàng quang

Sỏi xuất hiện trong bàng quang gây viêm loét, chảy máu và ảnh hưởng đến hệ thần kinh cơ vòng bàng quang. Điều này khiến bàng quang không điều khiển được cơ vòng dẫn đến tình trạng rò rỉ bàng quang và tiểu không tự chủ. Nước tiểu rỉ chảy qua âm đạo hoặc hậu môn lâu ngày dễ gây nhiễm khuẩn.

 

2.4. Viêm thận

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi bàng quang. Sỏi ở bàng quang làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu. Làm cho nước tiểu dội ngược dòng lên thận. Các vi khuẩn có sẵn trong nước tiểu xâm nhập, tấn công gây giãn đài bể thận và dẫn đến suy thận cấp và mãn tính. Lâu ngày, vi khuẩn có cơ hội lây lan vào máu gây nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.

 

3. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng sỏi rơi xuống bàng quang

Nguyên nhân lớn nhất khiến sỏi thận rơi xuống bàng quang xuất phát từ sỏi thận. Những viên sỏi này có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau của hệ tiết niệu trên như thận, nang thận, bể thận hoặc đài bể thận. Trong quá trình lọc máu và nước tiểu, sỏi di chuyển theo dòng nước đến nhiều vị trí khác nhau. Khi sỏi di chuyển đến niệu quản bị rơi thẳng xuống bàng quang.

 

4. Nhận biết sỏi xuất hiện ở bàng quang

Hiện tượng sỏi bàng quang thường rất khó phát hiện bởi triệu chứng không rõ ràng và có thể nhầm với các bệnh khác như u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang, … Khi sỏi tăng kích thước và gây biến chứng thì có một số biểu riêng biệt như:

  • Những cơn đau quặn thận: đây là biểu hiện rõ ràng nhất. Người bệnh bị đau nhẹ đến nặng dần và quặn thắt lại khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn. Cơn đau xuất hiện nhiều nhất là ở vùng thắt lưng, sau lan xuống bụng dưới rồi đến hai lòng bàn chân. Đối với nam giới, cơn đau có thể xuất hiện ở cơ quan sinh dục.
  • Tiểu rắt, tiểu buốt: người bệnh bị đau buốt mỗi lần đi tiểu. Lượng nước tiểu ra rất ít làm số lần đi tiểu trong ngày tăng lên.
  • Tiểu ngắt quãng: sỏi xuất hiện ở bàng quang làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang xuống niệu quản. Việc này khiến người bệnh đang đi tiểu đột nhiên bị dừng lại. Sau phải đổi tư thế khác mới có thể tiểu bình thường.
  • Màu sắc nước tiểu bất thường: nước tiểu vàng đục, váng, đôi khi có lẫn máu.
  • Biểu hiện khác: sốt, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân…

 

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi bàng quang

5.1. Chẩn đoán sỏi xuống bàng quang:

Chẩn đoán lâm sàng: các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám vùng bụng dưới kết hợp với đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh của người bệnh để đưa kết quả bước đầu. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để giúp chẩn đoán tình trạng bệnh cũng như xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng của sỏi. Một số loại xét nghiệm người bệnh có thể được chỉ định là:

  • Xét nghiệm máu: xác định mức độ viêm nhiễm của bệnh.
  • Xét nghiệm nước tiểu: để phân biệt với các căn bệnh khác ở đường tiết niệu.
  • Chụp X-quang vùng hạ vị: đánh giá chính xác vị trí, số lượng, kích thước của sỏi.
  • Nội soi bằng ống mềm: thực hiện khi các phương pháp trên không mang lại kết quả.

Chẩn đoán đúng hiện tượng sỏi xuống bàng quang để điều trị bệnh hiệu quả

 

5.2. Điều trị sỏi xuống bàng quang 

Tùy vào kích thước, số lượng và tình trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa hay ngoại khoa.

 

Điều trị nội khoa:

  • Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị sỏi bàng quang bao gồm: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc điều chỉnh lượng khoáng chất (giảm hình thành sỏi), thuốc ức chế axit uric, cystin (hạn chế tích tụ các chất độc để tăng kích thước sỏi),…. Ưu điểm của phương pháp này là cắt nhanh cơn đau và làm suy giảm triệu chứng. Uống thuốc chỉ được áp dụng trong trường hợp sỏi bàng quang có kích thước rất nhỏ và đường niệu của người bệnh thông thoáng. 

Lưu ý: thông tin về cách điều trị đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

 

Điều trị ngoại khoa:

  • Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong điêu trị sỏi bàng quang. Theo đó bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi ngược từ lỗ tiểu lên niệu đạo vào bàng quang để tiếp cận với viên sỏi và sử dụng nguồn năng lượng công suất cao từ laser để bắn vỡ nó thành vụn nhỏ. Tiếp đến là hút bỏ sỏi ra ngoài. Với phương pháp này người bệnh không phải mổ mở, làm sạch sỏi theo “đường tự nhiên” nên không có vết mổ, ít đau, sau 24h đã có thể ra viện về nhà. Tia laser trong tán sỏi cũng rất an toàn, chỉ tác động đến sỏi, hầu như không ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận.
  • Các trường hợp sỏi bàng quang có kích thước quá lớn, không thể áp dụng tán sỏi, bác sĩ có thể chỉ định mổ mở để loại bỏ sỏi.

 

6. Biện pháp phòng ngừa sỏi bàng quang

Để ngăn ngừa việc hình thành sỏi bàng quang, mỗi người cần:

  • Uống đủ nước mỗi ngày: uống từ 2-2,5 lít nước/ngày để hòa tan các chất cặn độc hại ra ngoài cơ thể. Đồng thời giảm nhanh tình trạng lắng đọng và hình thành sỏi ở người bệnh.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: tăng cường ăn các loại trái cây, rau xanh, rau củ quả để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Hạn chế tối đa thực phẩm đóng hộp, tinh chế, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh và đồ uống chứa chất kích thích.
  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi và làm việc khoa học, lành mạnh. Tăng cường vận động thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch.

Trên đây là những thông tin cơ bản về hiện tượng sỏi xuống bàng quang, phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa. Hy vọng với những điều này sẽ giúp bạn đọc chăm sóc sức khỏe của bản thân và những người thân trong gia đình tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top