Gút là một tình trạng viêm khớp thường gặp ở nam giới trung niên trong độ tuổi từ 40 - 50. Ở phụ nữ, bệnh thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh. Bệnh gút hình thành do nồng độ axit uric trong máu tăng cao quá mức. Tăng axit uric là hậu quả của hai quá trình: Cơ thể tăng sinh quá nhiều (do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu hợp lý) và giảm bài tiết axit uric qua thận (do thận kém, không thể thực hiện tốt chức năng bài tiết chất độc hại ra khỏi cơ thể). Với người bị bệnh gút thì thường có sự kết hợp của cả hai quá trình này.
1. Vì sao lá tía tô điều trị hiệu quả bệnh gout?
Tía tô tên khoa học Perilla Frutescen, đây là loại gia vị quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Theo quan điểm của Y học cổ truyền, tía tô có vị cay tính ấm vào kinh phế, tỳ có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc cua cá. Trong lá tía tô chứa chất chống oxy hóa, vitamin A, vitamin C, canxi, sắt,… có lợi cho sức khỏe. Đối với bệnh gout, hàm lượng tinh dầu, chất chống viêm trong tía tô có tác dụng giảm đau, kháng viêm, giảm đau hiệu quả ở người bệnh. Chất ức chế xanthine oxidase trong lá tía tô có tác dụng ức chế sự hình thành acid uric. Nhờ đó, hàm lượng acid uric trong máu được duy trì ở ngưỡng an toàn. Ngoài ra, tía tô còn chứa lutein có tác dụng giảm đau, giảm sưng, lợi tiểu làm giảm cơn đau gout và đào thải acid uric nhanh chóng qua nước tiểu. Qua đó làm giảm mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của bệnh.
2. Hướng dẫn các bài thuốc chữa bệnh gout bằng lá tía tô
Dùng lá tía tô chữa bệnh gout rất đơn giản, người bệnh có thể thực hiện ngay tại nhà.
Lá tía tô sắc
- Chuẩn bị một nắm lá tía tô rửa sạch.
- Cho lá tía tô vào nồi cùng nước.
- Đun lá tía tô trong 10 – 15 phút, gạn bỏ bã lấy nước.
- Dùng nước lá tía tô uống trong ngày. Uống nước lá tía tô khi còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đắp lá tía tô
- Chuẩn bị một nắm lá tía tô, rửa sạch, để ráo nước.
- Dùng cối giã nát hoặc máy xay nhuyễn lá tía tô.
- Đắp lá tía tô đã giã vào vị trí khớp đau.
- Dùng khăn sạch băng vào khớp để cố định.
- Sau khi đắp khoảng 15 – 20 phút, tháo khăn ra và rửa sạch lại khớp với nước ấm. Thực hiện đắp lá tía tô ngay khi bắt đầu cơn đau gout cấp để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Dùng lá tía tô ngâm chân
- Chuẩn bị một nắm lá tía tô tươi, rửa sạch.
- Cho lá tía tô vào nồi đun với 2 lít nước trong 10 – 15 phút.
- Đợi khi nước nguội bớt còn khoảng 45 – 50 độ thì cho chân vào ngâm khoảng 30 phút. Thực hiện ngâm chân vào buổi tối, trước khi đi ngủ để hạn chế các cơn đau về đêm.
Uống nước bột tía tô
- Lá tía tô rửa sạch, phơi khô giòn dưới nắng mặt trời hoặc sấy với nhiệt độ vừa phải.
- Dùng cối giã hoặc máy xay nhuyễn lá tía tô thành bột.
- Dùng rây để loại bỏ các cọng xơ chưa mịn.
- Lấy 1 – 2 thìa cà phê bột tía tô hòa với nước nóng để uống.
Đắp bột tía tô
- Lá tía tô sạch phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy với nhiệt độ vừa phải.
- Dùng cối giã hoặc máy xay nhuyễn lá tía tô thành bột.
- Trộn bột tía tô với nước nóng thành hỗn hợp sền sệt.
- Đắp hỗn hợp lên vùng khớp bị đau, sưng do gout trong 20 – 30 phút.
Trà tía tô
- Lá tía tô rửa sạch rồi phơi dưới nắng hoặc sấy cho đến khi khô.
- Lấy khoảng 5 – 7 gram lá tía tô khô hãm với nước sôi thành trà.
- Uống trà khi còn nóng. Có thể uống trà tía tô hàng ngày để giảm các cơn đau của bệnh gout.
3. Lưu ý khi chữa bệnh gout bằng lá tía tô
Tía tô là loại dược liệu tương đối lành tính, an toàn, dễ sử dụng, giá thành rẻ giúp nhiều người thoát khỏi bệnh gout. Để chữa bệnh gout bằng lá tía tô đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần chú ý một số điều sau:
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng lá tía tô hay bất kỳ loại thuốc, dược liệu nào để điều trị bệnh gout.
- Tìm hiểu kỹ về dược tính, tác dụng và cách dùng lá tía tô để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với bản thân.
- Dùng lá tía tô quá nhiều dễ gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy.
- Không tự ý dùng chung lá tía tô với các loại dược liệu, loại thuốc khác. Điều này có thể làm mất tác dụng của thuốc hoặc gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
- Cũng như điều trị các bệnh khác bằng y học cổ truyền, điều trị gout cần sự kiên trì của người bệnh mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Không nóng vội khi chưa thấy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đã kiên trì một thời gian quá dài nhưng không có hiệu quả bạn nên cân nhắc đổi sang các phương pháp điều trị khác.
- Kiên trì điều trị kết hợp chế độ ăn lành mạnh: hạn chế đạm, rượu bia, cà phê, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh,… mang lại hiệu quả tối ưu.
- Thăm khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ. Đây là điều nhiều người thường bỏ qua dẫn đến khó theo dõi bệnh, tăng nguy cơ bệnh tiến triển nặng và gây biến chứng.
Xem thêm: Công dụng chữa bệnh của lá tía tô
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp