✴️ Các dấu hiệu loét dạ dày bạn cần biết

Viêm loét dạ dày là bệnh lý không còn xa lạ trong xã hội hiện đại. Các dấu hiệu loét dạ dày thường không rõ ràng và dễ bị hiểu nhầm sang đau bụng thông thường. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn càng cao.

 

1. Viêm loét dạ dày là gì?

Dấu hiệu loét dạ dày bắt đầu khi có các tổn thương gây viêm loét trên niêm mạc dạ dày. Lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn làm lộ lớp mô bên dưới ra. Viêm loét dạ dày có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nếu không điều trị kịp thời. Trước đây, viêm dạ dày thường xuất hiện ở người già nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.

Viêm dạ dày là khi xảy ra các vết loét trên niêm mạc dạ dày

 

2. Các dấu hiệu loét dạ dày

Biết rõ về triệu chứng loét dạ dày sẽ giúp chúng ta sớm phát hiện bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp. Các dấu hiệu thường gặp:

– Đau bụng phần thượng vị: Dấu hiệu cơ bản dễ nhận thấy nhất của bệnh là các cơn đau âm ỉ hoặc kéo dài ở vùng thượng vị. Cơn đau có thể xuất hiện vào ban đêm, lúc đói. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau trong vài phút đến vài giờ.

– Ợ rát, ợ chua, ợ hơi, thường thấy nôn nao, buồn nôn do thức ăn chưa được tiêu hóa hết. Triệu chứng này thường xảy ra ở thời kỳ đầu của bệnh loét dạ dày.

– Thường mất ngủ, khó ngủ do những cơn đau  gây ra.

– Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, đi ngoài do tiêu hóa không ổn định.

– Đầy bụng, khó tiêu: Do dạ dày bị tổn thương nên chức năng hoạt động tiêu hóa bị chậm lại khiến người bệnh thường bị đầy bụng.

 

3.Loét dạ dày thường do những nguyên nhân nào?

Bệnh viêm loét dạ dày ngày càng phổ biến, theo thống kê có tới gần 70% dân số có khả năng mắc bệnh về dạ dày. Loét dạ dày có thể xảy ra do nguyên nhân tác động như:

3.1. Nhiễm khuẩn HP

Vi khuẩn HP có tên tiếng Anh đầy đủ là Helicobacter pylori. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng thường sinh sôi và phát triển tại lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Phần lớn các trường hợp viêm dạ dày mạn tính dẫn đến loét, ung thư dạ dày là do loại vi khuẩn đáng ghét này gây ra.

3.2. Các thuốc giảm đau và kháng viêm

Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau thường có tác dụng phụ. Nếu sử dụng chúng trong thời gian dài sẽ gây ức chế các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày gây đau và viêm loét.

3.3. Căng thẳng

Ít người biết rằng căng thẳng, buồn phiền cũng có thể gây viêm loét dạ dày. Khi bị stress, chức năng dạ dày sẽ mất cân bằng làm dịch vị dạ dày tăng tiết gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

3.4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học

Những người hay thức khuya, ăn uống không đúng giờ, bỏ bữa khiến cho dạ dày hoạt động không ổn định.. Ăn quá no một lúc hoặc nhịn ăn sẽ khiến dạ dày phải co bóp nhiều gây tăng tiết dịch vị dạ dày làm cho niêm mạc bị tổn thương.

3.5. Thuốc lá và đồ uống có cồn gây ra dấu hiệu loét dạ dày

Trong thuốc lá có tới hơn 200 chất có thể gây hại cho cơ thể. Nicotine trong khói thuốc sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol làm tăng khả năng gây viêm loét. Rượu bia khi đưa vào cơ thể sẽ khiến dạ dày phải hoạt động liên tục để đẩy các độc tố khiến chức năng dạ dày bị suy yếu.

3.6. Di truyền

Nếu người thân trong gia đình bạn bị viêm dạ dày thì khả năng bạn bị bệnh về dạ dày cũng khá cao. Vì vậy cần lưu ý tới sức khỏe khi thấy có các triệu chứng cảnh báo loét dạ dày.

Ngoài ra viêm loét dạ dày còn do các nguyên nhân tự miễn, do hóa chất, các bệnh lý khác gây ra,…

 

4. Chẩn đoán dấu hiệu loét dạ dày bằng cách nào?

Bước đầu tiên trước khi làm các biện pháp chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm hỏi về các dấu hiệu, bệnh sử để xác định lâm sàng các dấu hiệu loét dạ dày. Sau đó người bệnh sẽ thực hiện thêm một số biện pháp khác nhằm đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Với sự tiến bộ của khoa học, viêm dạ dày có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau.

4.1. Nội soi để chẩn đoán chính xác dấu hiệu loét dạ dày

Nội soi dạ dày là phương pháp thông dụng và cho kết quả chính xác nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ có gắn camera ở đầu qua miệng, xuống thực quản và đi tới dạ dày. Hình ảnh thu được từ thiết bị sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ ràng và chi tiết bên trong dạ dày. Với những ổ loét nông, nhỏ có thể điều trị bằng thuốc. Trường hợp ổ loét lớn, xù xì, lồi lõm, xơ chai có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Bệnh nhân sẽ được làm thêm sinh thiết bờ ổ loét để chẩn đoán ung thư dạ dày sớm.

4.2. Xét nghiệm máu, phân

Dựa vào kết quả xét nghiệm có thể biết được dạ dày có đang nhiễm khuẩn HP hay không. Đồng thời việc này cũng giúp đánh giá tình trạng thiếu máu khi người bệnh có biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Xác định nồng độ enzym niêm mạc dạ dày và tình trạng hồng cầu trong phân.

 

5. Các biện pháp điều trị dấu hiệu loét dạ dày

Ngay khi phát hiện dấu hiệu loét dạ dày, bạn nên tới các cơ sở y tế để xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu, bệnh sử của bạn để lựa chọn loại thuốc phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng kê đơn như:

– Thuốc giảm tiết acid;

– Thuốc diệt triệt để vi khuẩn HP;

– Thuốc giúp trung hòa lượng acid có  trong dịch vị dạ dày;

– Thuốc ức chế bơm proton nhằm chặm bài tiết HCL;

– Thuốc tạo màng bảo vệ quanh ổ loét tại niêm mạc dạ dày;

– Tạm dừng và hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Điều này giúp giữ ổn định các enzym trong niêm mạc dạ dày;

– Phác đồ chữa trị được dùng phổ biến nhất hiện này là đơn thuốc có Bismuth hoặc Levofloxacin.

Lưu ý: Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần sự tư vấn từ bác sĩ.

Các loại thuốc sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn HP

 

6. Lời khuyên để phòng ngừa viêm dạ dày

Viêm loét dạ dày là bệnh lý rất dễ mắc phải. Vì vậy song song với việc chữa bệnh chúng ta cần lưu ý  thực hiện một số biện pháp phòng tránh bệnh.

– Hạn chế sử dụng chất kích thích, bia và rượu.

– Ăn thực phẩm tươi, rửa sạch và nấu chín.

– Lựa chọn bổ sung các loại rau củ, trái cây để cung cấp chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất.

– Hạn chế ăn đồ ăn sẵn, thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ;

– Luôn nhớ vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn để tránh nhiễm khuẩn đường ruột;

– Cân nhắc trước khi sử dụng các loại thuốc Ibuprofen, aspirin, naproxen (NSAID);

– Tránh xa khói thuốc lá, không nên hút thuốc lá;

– Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh;

– Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh;

– Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt theo giờ giấc khoa học để bệnh không có nguy cơ tái phát.

Viêm loét dạ dày nói riêng và các bệnh lý khác nói chung đều cần điều trị sớm để tránh các biến chứng xảy ra. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ rất khó chữa khỏi. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu loét dạ dày bạn cần gặp bác sĩ để tư vấn điều trị ngay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top