✴️ Vận dụng huyệt trong điều trị

Nội dung

Á THỊ HUYỆT

Người xưa còn thường lấy chỗ đau làm huyệt gọi là thống điểm hoặc thiên ứng điểm. Á thị huyệt có tác dụng giảm đau tại chỗ tốt do lưu thông khí huyết.

Chú ý: cách vận dụng các huyệt ngũ du theo quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc. Cách vận dụng các huyệt mộ, huyệt khích, huyệt lạc, huyệt nguyên theo thứ tự tuần hành của kinh khí và thời gian khí thịnh.

 

CHỌN HUYỆT CỤC BỘ HOẶC LÂN CẬN

Mỗi huyệt đều có tác dụng điều trị bệnh ở vùng lân cận hoặc ngay ở vị trí trực tiếp. Vì vậy nên khi bệnh lý trước tiên chọn huyệt tiếp cận chỗ bị bệnh, bệnh mắt chọn huyệt vùng mắt, bệnh tai chọn huyệt vùng tai gọi là lấy huyệt cục bộ.

Bệnh mắt lấy huyệt phong trì, bệnh mũi lấy huyệt ấn đường, thượng tinh, đau gối lấy huyệt dương lăng tuyền gọi lấy huyệt lân cận. Nếu như vùng lân cận không có huyệt phân bố có thể chọn điểm đau nhất là huyệt gọi là “á thị huyệt”.

 

CHỌN HUYỆT TỪ XA (VIỄN CÁCH THỦ HUYỆT)

Có một số cách chọn huyệt từ xa gọi là tuần kinh thủ huyệt (chọn huyệt theo kinh):

Ví dụ:

Phần trước đầu có kinh dương minh phân bố, khi vùng này có bệnh nếu kết hợp phương pháp chọn huyệt tại chỗ với lấy huyệt trên kinh thủ dương minh là huyệt hợp cốc hoặc là huyệt nội đình trên kinh  vị.

Phần tai có kinh thiếu dương minh phân bố, nếu bệnh ở tai có thể chọn huyệt trung trữ trên kinh thủ thiếu dương tam tiêu hoặc huyệt dương lăng tuyền trên kinh túc thiếu dương đởm, tương tự như vậy đau vùng thắt lưng lấy huyệt ủy trung hoặc huyệt ân môn trên thái dương bàng quang. Bệnh ở hệ tiết niệu sinh dục có thể lấy huyệt tam âm giao…

Chọn huyệt trên kinh có quan hệ với tạng phủ (bệnh ở tạng phủ nào thì lấy huyệt trên kinh đi qua tạng phủ đó).

Ví dụ:

Khái thấu, khái huyết có thể chọn huyệt thái uyên, liệt khuyết, khổng tối, ngư tế, xích trạch…

Vị quản thống ách nghịch chướng đầy có thể lấy huyệt lương môn, thượng cự hư, nội đình, túc tam lý của kinh vị. Bệnh tạng can, đau vàng da có thể lấy huyệt chương môn, kỳ môn, trung phong, thái xung của kinh can đều có hiệu quả điều trị tương đối tốt.

Chọn huyệt dựa theo tạng phủ và mối liên hệ của các tổ chức khác với tạng phủ.

Ví dụ: can khai khiếu ở mắt, khi bệnh ở mắt có thể chọn huyệt thái xung, hành gian là huyệt thuộc kinh can và can du (huyệt của kinh bàng quang). Thận khai khiếu ở tai, khi tai bị bệnh có thể lấy huyệt thái khê, thủy tuyền trên kinh thận và huyệt du trên kinh bàng quang. Tỳ chủ cơ nhục khi chi liệt không co duỗi được, cơ vô lực có thể lấy huyệt thái bạch, âm lăng tuyền trên kinh tỳ và tỳ du trên kinh bàng quang. Phế chủ bì mao, phế âm hư dẫn đến tự hãn có thể chọn huyệt ngư tế trên kinh phế và bệnh phế du trên kinh bàng quang.

Chọn huyệt trên kinh lạc có quan hệ biểu lý: bệnh ở một đường kinh thường dùng huyệt trên kinh thứ hai có quan hệ biểu lý với nó để điều trị.

Ví dụ: ho ra máu thường dùng huyệt khổng tối phối hợp với huyệt hợp cốc. Đau bụng ỉa lỏng thường dùng huyệt túc tam lý phối hợp với huyệt công tôn trên kinh tỳ.

 

PHƯƠNG PHÁP CHỌN HUYỆT ĐỘC ĐÁO

Dựa trên tác dụng đặc thù của một số huyệt.

Chọn huyệt du và huyệt du mộ:

Huyệt du là huyệt truyền vận tinh khí của tạng phủ ở vùng lưng.

Huyệt mộ là huyệt tập trung (tụ tập) kinh khí ở vùng bụng. Nói chung bệnh ở tạng hoặc là mới mắc hoặc là bệnh tái phát (thời kỳ tiến triển) người xưa hay dùng huyệt du ; còn bệnh ở phủ hoặc điều trị lâu không khỏi bệnh ở trạng thái tiềm tàng hoặc ổn định hay dùng huyệt mộ. Sự khác nhau của huyệt du và mộ là tương đối, cả hai đều có tác dụng điều chỉnh chức năng tạng phủ. Vì vậy khi điều trị bệnh nội tạng thường dùng thay đổi giữa huyệt du và huyệt mộ.

Phương pháp chọn huyệt nguyên, khích và lạc:

Trên 12 kinh mỗi kinh có một huyệt nguyên phân bố ở tứ chi là nơi tập trung nhiều nguyên khí ở lưu trú. Dùng huyệt ngư tế điều trị bệnh tạng phế thường đạt kết quả tốt. Huyệt khích là nơi kinh khí hội tập đặc trị trong các bệnh cấp tính, huyệt lạc có quan hệ đến 2 kinh biểu lý nên khi chọn huyệt lạc sẽ có tác dụng điều trị bệnh tốt trên cả hai kinh, có thuyết châm một huyệt mà điều trị bệnh hai kinh.

Phương pháp chọn huyệt hội (tám huyệt hội):

Tám huyệt có quan hệ đặc thù:

Chương môn - hội tạng.

Dương lăng tuyền - huyệt hội cân.

Trung quản - hội phủ.

Đại trữ - huyệt hội cốt.

Đản trung (chiên trung) - hội khí.

Huyền chung - huyệt hội của tỳ.

Cách du - hội huyết.

Thái uyên - huyệt hội của mạch.

Dùng tám huyệt hội điều trị bệnh mãn tính thường hiệu quả tương đối tốt.

Ví dụ:

Lấy chương môn điều trị các chứng bệnh của ngũ tạng (chủ yếu là can tỳ).

Trung quản điều trị lục phủ (vị và đại trường là chủ).

Chiên trung điều trị hô hấp khó khăn, hen suyễn, ngực đầy tức, nôn ái khí, cách du điều trị ho ra máu, máu cam, băng lậu, đái máu, ỉa máu.

Dương lăng tuyền điều trị bán thân bất toại, liệt, co duỗi khó khăn, đại trữ điều trị xương khớp đau.

Huyền chung điều trị chi dưới cử động khó khăn, liệt.

Thái uyên điều trị chứng vô mạch và bệnh tâm phế.

Có thể phối hợp du, mộ, khích, lạc, nguyên với tám huyệt hội trong điều trị:

Khi điều trị bệnh mãn tính đều có thể phối hợp du mộ hoặc nguyên lạc kết quả tốt.

Lấy huyệt kinh nghiệm:

Chọn một số huyệt đặc thù gọi là huyệt kinh nghiệm.

Người xưa tổng kết bài ca 4 huyệt: “đỗ phúc tam lý lưu (túc tam lý), yêu bối ủy trung cứu, hàm đầu hậu liệt khuyết, khẩu diện hợp cốc thu” nghĩa là dùng một huyệt tại biểu. Nếu đau bụng dùng huyệt túc tam lý, bệnh phần thắt lưng và lưng lấy huyệt ủy trung, phần đầu và thái dương hàm lấy huyệt liệt khuyết, phần mặt lấy huyệt hợp cốc tất cả đều có hiệu quả điều trị tốt.

Một số huyệt như cao hoang, đại chùy, mệnh môn, tỳ du, thận du, hợp cốc, tam túc lý, quan nguyên đều có tác dụng với các bệnh mãn tính và thể chất hư nhược; phong trì đối với chứng can phong huyễn vựng tương đối tốt, phong môn thường dùng cảm mạo phong hàn - phong nhiệt, phong thị dùng trong phong thấp, phong chẩn, liệt hạ chi; phế du, ngư tế, hợp cốc, phục lưu điều trị tự hãn và đạo hãn.

Chú ý: trên lâm sàng thường phải phối hợp huyệt thành phương không nên một lúc dùng quá nhiều huyệt. Nên phối hợp huyệt tại chỗ với huyệt toàn thân. Ví dụ: mất ngủ có thể dùng thần môn trái, nên phối hợp nội quan phải. Các huyệt thường phải thay đổi không nên dùng quá dài một huyệt để tránh hiện tượng kích ứng ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả điều trị.

Một số huyệt có tác dụng đặc hiệu:

Khu phong: phong trì, phong môn, phong thị, trung phong, phong thủ, á môn, liêm tuyền, thiên đột.

Chảy máu cam, viêm nhiễm: hợp cốc, khúc trì (hạ sốt, chống dị ứng).

Chống dị ứng: khúc trì, huyết hải, bát phong, bát toàn, giải khê, dương trì.

Rong kinh, rong huyết: ẩn bạch, đại đôn. Trừ đàm dùng huyệt phong long, huyệt huyền chung điều trị vẹo cổ cơ năng ở bên đau; điều khẩu điều trị liệt khớp vai bên đau; cao huyết áp, tiền đình, đau mắt đỏ cấp tính dùng huyệt thái xung, dương lăng tuyền, thiếu dương, tình minh, hợp cốc…

Chọn huyệt theo nhóm huyệt:

Có một số huyệt liên kết các kinh âm với kinh dương gọi là huyệt nhóm. Có bốn huyệt nhóm:

Giản sử (thủ tham âm).

Huyền chung (túc tam dương).

Tam dương lạc (thủ tam dương).

Tam âm giao (túc tam âm).

Chọn huyệt lạc:

Thủ tam âm: liệt khuyết, nội quan, thông lý.

Thủ tam dương: thiên lịch, ngoại quan, chi chính.

Túc tam âm: công tôn, lãi câu, đại chung.

Túc tam dương: phong long, quang minh, phi dương.

Nhâm mạch - cưu vĩ.

Đốc mạch - trường cường.

Đại lạc mạch tỳ - đại bao (tổng lạc).

Dùng huyệt lạc vừa có tác dụng điều trị của kinh có huyệt đó lại vừa có thể điều trị các bệnh của kinh có quan hệ biểu lý với kinh có huyệt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top