✴️ Vị thuốc Cam thảo nam

Nội dung

Tên tiếng Việt: Cam thảo đất, Cam thảo nam, Dã cam thảo, Thổ cam thảo, Trôm lay (Kho), Dạ kham (Tày)

Tên khoa học: Scoparia duicis L.

Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)

Công dụng: Thuốc hạ nhiệt, điều kinh, giảm ho, sởi, tê phù, cảm cúm, lỵ trực trùng (cả cây).

A. Mô tả cây 

Cam thảo nam là một loại cỏ mọc thẳng đứng, cao 30-80cm, thân nhẵn, rễ to hình trụ. Lá đơn, mọc đối hoặc vòng 3 lá một. Phiến lá hình mác hay hình trứng ngược, dài 1,53cm, rộng 8- 12mm, phía cuống hẹp lại thành cuống ngắn, mép lá nửa phía trên có răng cưa to, phía dưới nguyên. Mùa hạ ra hoa nhỏ màu trắng ở kẽ lá, mọc riêng lẻ hoặc thành đôi. Quả nhỏ hình cầu, trong chứa nhiều hạt nhỏ.

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

Cây mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam. Có mọc cả ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt vùng Quảng Tây, nhân dân cũng dùng cây này với tên dã cam thảo. Tại Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, châu Mỹ đều có. Có thể thu hái quanh năm, có khi dùng tươi, nhưng phần nhiều dùng khô: Đào toàn cây cả rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô là được.

C. Thành phần hóa học 

Cây chứa alkaloid và một chất đắng; còn có chứa nhiều acid silicic và một hoạt chất gọi là amellin. Phần trên mặt đất có chứa một chất dầu sền sệt mà trong thành phần có dulciol, scopariol, (+)manitol, glucose. Rễ chứa (+)manitol, tannin, alkaloid, triterpenoids: friedelin, glutinol-a-amarin, acid betulinic, acid dulcinic, acid iflaionic, scoparic A, B, C, D scopadulcic (A: R = COOH, R’ = CH2OH; B: R = Me, R’ = COOH).

D. Công dụng và liều dùng:

  • Công năng, chủ trị : Bổ tỳ, sinh tân, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu. Chủ trị: Giải độc do say sắn, rong kinh, ban chẩn, phế nhiệt gây ho, viêm họng, tiêu chảy, thấp cước khí, rôm sởi trẻ em, chàm (thấp chẩn).
  • Cách dùng, liều lượng:
    • Dùng tươi: Ngày dùng từ 20 g đến 40 g.
    • Dùng khô: Từ 8 g đến 12 g, dịch ép.
    • Dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc.

Dưới đây là một số bài thuốc dùng chỉ một vị Cam thảo nam:

    • Trị cước khí phù thũng (hai chân phù nề, ứ nước): Cam thảo nam 40g, Đường đỏ 40g. Sắc uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.
    • Phòng trị ma chẩn (ban sởi): Cam thảo nam sắc uống thay trà, uống liên tục 3 ngày.
    • Trị trẻ em can hỏa (nóng gan) phiền nhiệt: Cam thảo nam tươi 20g, thêm đường cát, cho nước sôi vào chưng cách thủy uống.
    • Trị thấp chẩn (eczema), mụn rộp: Cam thảo nam tươi giã vắt nước xoa ngoài.
    • Trị trẻ em cảm sốt, viêm ruột, tiểu không thông: Cam thảo nam 20-40g, sắc uống.
    • Trị ho do phế nhiệt: Cam thảo nam 40-80g, sắc uống.
    • Trị viêm họng: Cam thảo nam tươi 160g, giã vắt nước hòa mật ong ngậm nuốt dần.
    • Trị đơn độc (mụt nhọt): Cam thảo nam tươi 80g, một ít muối ăn, cùng giã nát, sắc uống.

Phối hợp các vị thuốc khác: 

  • Ung thư sinh phù thũng: Cam thảo nam 50g, Xích tiểu đậu (đậu đỏ) 30g, Long quỳ 30g, Đại táo 10g. Sắc uống ngày một thang.
  • Mụn nhọt: Cam thảo nam 20g, Kim ngân hoa 20g, Sài đất 20g. Sắc uống ngày một thang.
  • Dị ứng, mề đay: Cam thảo nam 15g, Ké đầu ngựa 20g, Kim ngân hoa 20g, Lá mã đề 10g. Sắc uống ngày một thang.
  • Sốt phát ban: Cam thảo nam 15g, Cỏ nhọ nồi 15g, Sài đất 15g, Củ sắn dây 20g, Lá trắc bá 12g. Sắc uống ngày một thang.
  • Tiểu tiện không thông: Cam thảo nam 15g, Hạt mã đề 12g, Râu ngô 12g. Sắc uống ngày một thang.
  • Ho: Cam thảo nam 15g, Lá bồng bồng 10g, Vỏ rễ cây dâu 15g. Sắc uống ngày một thang.
  • Cảm cúm, nóng ho: Cam thảo nam tươi 30g, Diếp cá 15g, Bạc hà 9g, sắc uống. Có thể phối hợp với Rau má, Cỏ tranh, Sài hồ nam, Mạn kinh, Kim ngân, Kinh giới.
  • Lỵ: Cam thảo nam 15g, Lá mơ lông 15g, Cỏ seo gà 20g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc dùng Cam thảo đất, Rau má lá rau muống, Địa liền, mỗi vị 30g, sắc uống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top