✴️ Vị thuốc Cây lá lụa

1. Mô tả

  • Cây to, cao 5 – 10m. Cành mềm, vặn vẹo, nhẵn, màu xám nhạt, có nhiều bì khổng nhỏ, hình tròn.
  • Lá kép, dài 10 – 15 cm gồm hai đối lá chét, những lá phía cuối dài 2 – 6 cm, rộng 1,2 – 2 cm, những lá tận cùng dài 5 – 10 cm, rộng 2 – 4,5 cm, nhẵn, gốc thuôn, đầu tù, cuống chung dài 1,5-5 cm; lá kèm sớm rụng.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài 1-2 cm, sau chuyển thành ngù rộng 1,5-2 cm; lúc mới hình thành, cụm hoa bao bọc bởi những vảy hình trứng, mọc xếp lợp, dài 4-5mm; hoa có 5 cánh đài không đều, 5 cánh hoa rất nhẵn; nhị 10 đều, chỉ nhị nhẵn; bầu nhẵn có lông.
  • Quả nạc, có xơ, dài 2-3cm, rộng 1,2-1,5cm, gần hình trứng, có rãnh to, hạt 1.

2. Phân bố sinh thái

Chi Cynometra L. ở Việt Nam đã biết có 3 loài, đều là cây gỗ nhỏ hoặc gỗ trung bình. Loài lá lụa (C.ramiflora L.) kể trên đã ghi nhận được phân bố ở Nghệ An (Mường Xén), Kon Tum (Sa Thày), Gia Lai (An Khê), Tây Ninh, Côn Đảo và ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Trên thế giới, loài này có ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Philippin, Indonesia và Australia.

Lá lụa là cây gỗ ưa sáng, ưa ẩm, có thể chịu được ngập úng theo mùa (kể cả nước mặn). Vì thế, thường thấy cây mọc ở bờ suối, bờ kênh rạch hoặc ở nơi đất trũng trong thung lũng. Chưa thấy cây mọc ở rừng kín thường xanh. Độ cao phân bố có thể tới hơn 600m. Cây ra hoa quả hàng năm, quả già có thể tồn tại đến tận đầu mùa hoa năm sau. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt hoặc khi cây còn nhỏ nếu bị chặt có thể tái sinh cấy chồi. Cây lá lụa có thể trồng ở ven ao hồ làm cảnh, gỗ làm nhà cửa hoặc sử dụng trong xây dựng. Lá non ăn được.

Bộ phận dùng:

Lá, rễ và dầu hạt.

3. Thành phần hóa học

  • Lá chứa các acid hữu cơ, vitamin C, hạt chứa dầu [The wealth of raw material in India, 1981, p.422].
  • Quả nạc, có xơ, dài 2 – 3 cm, rộng 1,2 – 1,5 cm, gần hình trứng, có rãnh to, hạt 1.

4. Công dụng

Ở Việt Nam, nhân dân chỉ dùng lá và dầu hạt cây lá lụa để chữa ghẻ và các bệnh lở loét ngoài da. Lá non có vị chua được dùng làm rau để ăn sống, thường ăn với lẩu mắm.

Ở Ấn Độ, lá và dầu hạt được dùng chữa bệnh phong hủi (dùng ngoài da), trị ghẻ, lở loét, ngứa ngoài da. Rễ cây lá lụa được dùng làm thuốc nhuận trang và tẩy (Nadkarni, 1999: 426).

Bài thuốc có cây lá lụa

Chữa hủi, ghẻ, bệnh ngoài da:

Lấy lá của cây lá lụa, phơi khô, tán nhỏ, nấu với sữa bò đến thể chất sền sệt, trộn với mật ong, bôi lên các chỗ ghẻ hoặc các chỗ lở loét do bệnh phong và các bệnh ngoài da khác.

Dầu hạt cũng được dùng để bôi như trên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top