Tên tiếng Việt: Cơi, Lá ngón, Lá cơi, Mạy slam (Thái)
Tên khoa học: Pterocarya stenoptera C. DC. var. tonkinensis Franch.
Họ: Juglandaceae (Óc chó)
Công dụng: Chữa ghẻ, hắc lào (Lá). Cây độc chú ý khi dùng.
A. Mô tả:
Cây nhỡ leo cao 5-10m; các nhánh có màu nâu và lỗ bì nâu xám.
Lá kép lông chim có 3-6 đôi lá chét mọc đối hay gần đối, mép lá có răng cưa, răng có tuyến, mặt dưới lá hơi có lông; các lá chét càng lên càng to dần. Hoa đơn tính họp thành đuôi sóc đơn tính rất dày hoa. Hoa đực có 5-6 mảnh bao hoa, 9-10 nhị. Hoa cái có bao hoa rất ngắn, gắn liền với bầu dưới và lá bắc; 2 đầu nhụy. Quả họp thành bông thòng, rất dài, tới 15cm hay hơn; quả hạch nhỏ, có 2 cánh hẹp, choãi ra và 4 răng; đầu nhụy tồn tại nhiều hay ít.
Hoa quả tháng 5-7.
B. Bộ phận dùng:
Lá và ngọn non – Folium et Ramulus Pterocaryae.
C. Nơi sống và thu hái:
Rất phổ biến ở ven các sông, suối vùng cao nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam từ Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Thái, Lạng Sơn, Thanh Hóa tới Nghệ An. Cũng gặp ở Lào. Có thể thu hái lá và ngọn non quanh năm, thường dùng tươi; cũng có thể dùng lá băm nhỏ nấu thành cao.
D. Thành phần hóa học:
Trong lá, thân và rễ cây chứa tanin và quinon và cả juglon, có nhiều trong lá (0,33%), có ít hơn ở trong rễ (0,17%) và trong thân (0,08%).
E. Tính vị, tác dụng:
Lá đắng, có độc, có tác dụng trừ sâu, sát khuẩn (nước chiết từ lá tươi có tác dụng đối với Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis). Lá cơi không hoàn toàn độc đối với cá nhưng độc đối với chuột.
F. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Người ta thường dùng lá giã ra để duốc cá; cũng dùng chữa ghẻ lở bằng cách lấy nước nấu lá để tắm rửa hoặc dùng cao lá để bôi ngày 1-2 lần vào các mụn ghẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh