Tên tiếng Việt: Thục tiêu, hoa tiêu, hoàng mộc
Tên khoa học: Zanthoxylum armatum DC.
Họ: Cam (Rutaceae)
Công dụng: phong thấp, đau răng, đau bụng kinh, giun đũa, cảm mạo, ho, hen do phong hàn, rắn cắn (Quả, rễ).
1. Mô tả:
Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 3-4m, phân nhiều cành. Thân cành nhẵn, có gai dẹt, màu nâu. Lá kép lông chim, mọc so le, 3-5 (thường là 5) lá chét, không cuống, to dần về phía ngọn, hình mũi mác, gốc thuôn, đầu nhọn; cuống chung có cánh ở phần giữa; lá soi lên có những tuyến mờ và vò ra có mùi thơm hắc.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm ngắn hơn lá; hoa đơn tính, đực và cái riêng, màu trắng lục, có 5 lá đài rất ngắn, nhẵn hoặc hơi có lông, 5 cánh hoa hẹp ngang; hoa đực có 5 nhị dài bằng cánh hoa, chỉ nhị rất mảnh, bầu lép; hoa cái có nhị giảm thành lưỡi, bầu có 1-5 noãn.
Quả nang, vỏ ngoài sần sùi có tuyến chứa tinh dầu, khi chín màu đỏ nâu, nứt thành hai mảnh; hạt đơn độc, hình cầu, màu đen.
Mùa hoa : tháng 5-6; mùa quả : tháng 8-9
2. Phân bố, sinh thái:
Zanthoxylum L. là một chi lớn có các loài là cây bụi, bụi trườn, một số loài là cây gỗ. Trên thế giới, sự phân bố của chi tập trung ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Bắc bán cầu.
Ở Việt Nam, chi này có 12 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997), 9 loài được dùng làm thuốc (Võ Văn Chi, 1997), trong đó có cây đắng cay. Cây phân bố ở phía nam Trung Quốc, Lào, Ấn Độ… ở Việt Nam thường gặp ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu… Ở độ cao phân bố đến 1500m. Ở Ấn Độ giới hạn này là 600-2100m.
Đắng cay là loại cây ưa sáng, có thể hơi chịu hạn, thường mọc trong các quần thể thứ sinh, ven rừng ẩm hoặc trên các bờ nương rẫy làm hàng rào. Đắng cay ra hoa quả nhiều hàng năm, khi cây còn nhỏ dễ nhầm lẫn với các loài khác cùng chi. Trồng được bằng hạt, phát triển nhanh.
3. Bộ phận dùng:
Rễ, vỏ, thân, lá thu hái quanh năm, phơi khô. Quả chín và hạt thu hái vào mùa thu, phơi trong râm hoặc sấy nhẹ.
4. Thành phần hoá học:
Dầu hạt đắng cay có xanthoplanin và các acid hữu cơ như cis – 10 octadecenoid, các acid hydroxy alk – (4Z) enoic như acid 6 hydroxynonadec – (4Z) enoic, acid 8 hydroxypentadec – (4Z) enoic, acid 7 hydroxy -7-vinyl hexadec (4Z) enoic và acid hexadec (4Z) enoic.
(CA. 124, 1996, 284402 j; CA 119, 1993 91214n). Thành phần tinh dầu chủ yếu gồm linalool (58,3%) limonen (24,46%), cinamat Me (8,92%) và nhiều thành phần khác với lượng nhỏ (CA. 119, 1993, 91214 n).
Ba chất kết tinh được phân lập từ dịch chiết ether dầu của cây. Chất bisepoxylignan L planitin được tách cùng với p amyrin và L asarinin. Cấu trúc của (I) được xác định là (1R, 2R, 5R, 6S)-2-(3 4′ dimethoxyphenyl)-6-(3″, 4″ – methvlen dioxyphenvl) 3, 7 dioxa bicyclo – (3, 3, 3) octan.
5. Tác dụng dược lý:
Trong thử nghiệm sàng lọc dược lý, thân cây đắng cay có tác dụng hạ đường máu.
6. Tính vị, công năng:
Hạt đắng cay có vị cay, tính ấm, hơi độc, vào 3 kinh phế, vị và thận, có tác dụng trừ hàn thấp, làm ấm bụng, tan khí lạnh, sát trùng.
7. Công dụng:
Hạt đắng cay được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy. Lá đắng cay sắc đặc ngậm chữa sâu răng và nấu nước xông, rửa, chữa mề đay, phong hủi.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, người ta dùng vỏ, quả và hạt đắng cay làm dễ tiêu, trị đầy hơi, và giun sán. Vỏ thân làm sạch răng. Quả và hạt chữa sốt và khó tiêu. Cao từ quả có tác dụng tẩy giun đũa. Do tính chất khử mùi, tẩy uế và sát trùng, quả được dùng trị bệnh về răng, làm thuốc bôi trị ghẻ, và chống ruồi trong nhà. Vỏ và nhiều bộ phận khác của cây làm bả cá và xua côn trùng. Quả khô cho một tinh dầu để sản xuất xà phòng và các chế phẩm về răng miệng. Để trị đái tháo đường, dùng bài thuốc gồm lá khô đắng cay 10g; vỏ xoài, vỏ vối rừng, vỏ Acacia nilotica, mỗi vị 40g. Sắc với 8 lít nước còn 2 lít, mỗi lần uống 50ml, ngày 2 lần sau bữa ăn.
Ở Nepal, nhân dân dùng một bài thuốc chữa viêm xổ, chảy nước mũi, ho long đờm gồm quả đắng cay, thân rễ nghệ và gừng, mỗi vị 2g; vỏ quế, lá Allium hipsistum, muối, mỗi vị 1g. Tất cả sắc, xông miệng và mũi, và uống trước khi đi ngủ. Để chữa đau răng và chảy mủ lợi, lấy quả đắng cay lg, đun với 300ml nước và một ít muối còn 150ml ; dùng súc miệng trước khi đi ngủ một cách đều đặn. Rễ đắng cay, 25g đun với 100ml nước trong khoảng 20 phút, lọc và uống 3 thìa cà phê, ngày một lần, trong 3 ngày, để trị giun sán ở người. Rễ đắng cay, rễ chanh và muối, với lượng bằng nhau, nghiền nhỏ; cho uống mỗi lần 4-8 thìa cà phê (tuỳ theo thân trọng), ngày 2-3 lần, trong 2-3 ngày trị giun sán cho gia súc.
Bài thuốc có đắng cay:
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh