✴️ Vị thuốc Hoàng liên ô rô

Nội dung

Tên tiếng Việt: Hoàng liên ô rô, Thích hoàng bá, Mã hồ, Thập đại công lao, Thích hoàng liên, Tông plềng (Hmông)

Tên khoa học: Mahonia bealei (Fortune) Pynaert

Họ: Berberidaceae (Hoàng liên gai)

Công dụng: Chữa đau mắt (Rễ mài nước nhỏ). Lỵ, viêm ruột, dễ tiêu (Rễ sắc uống).

1. Mô tả

  • Cây bụi, cao 2 – 3 m. Thân và rễ màu vàng. Lá kép hình lông chim, mọc so le, dài 15 – 35 cm, có 7 – 15 lá chét không cuống hình bầu dục hoặc hình trứng lệch, dài 3 – 9 cm, rộng 2,5 – 4,5 cm, dày và cứng, lá chét tận cùng to hơn và có cuống, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn sắc, mép khía răng nông như gai sắc nhọn, gân chính 3 và gân phụ kết thành mạng nổi rõ.
  • Cụm hoa mọc thành bông ngắn hơn lá ở ngọn; lá bắc nhỏ; hoa nhiều màu vàng; lá đài 9 xếp thành 3 vòng; cánh hoa 6, nhỏ hơn lá đài trong; nhị 6, bao phấn dài hơn chỉ nhị; bầu hình trụ.
  • Quả thịt, chứa 1 hạt.
  • Mùa hoa vào tháng 10 – 11, mùa quả: tháng 12 – 2.

2. Phân bố, sinh thái

  • Các loài hoàng liên ô rô phân bố ở các vùng ôn đới ấm hoặc cận nhiệt đới châu Á như Trung Quốc, Nê Pan, Ấn Độ và một số nước Trung Á.
  • Ở Việt Nam, cây mọc chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc. Các tỉnh có nhiều cây thuốc này nhất là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và Điện Biên hoặc ven rừng một số núi cao như Phan-xi-păng ( Lâm Đồng ), Bát Xát ( Lào Cai). Cây hoàng liên ô rô được chọn để làm thuốc phải đủ 5 năm tuổi trở lên.
  • Cây có thể trồng bằng hạt hoặc cây con thu từ tự nhiên.

3. Bộ phận dùng

  • Cả cây: lá, thân, rễ và quả.
  • Thân, rễ, lá thu hái quanh năm, quả thu hái vào mùa hạ, rửa sạch, phơi khô.

4. Thành phần hóa học

  • Alkaloid nhóm benzyliso quinolein: berberin, berbainin, oxyacanthine, isotetrandrin, palmatin, jatrorrhizin.
  • Hạt: berberin và jatrorrhizin.
  • Chiết xuất berberin: Dùng H2SO4 0,5% ( dung môi chiết ), nước muối 24%, chiết ở nhiệt độ 25oC trong 48 giờ, ở pH 1,5. Dịch chiết để yên trong 24 giờ để kết tinh berberin HCl với hiệu suất 1,45 – 1,47%

5. Tác dụng dược lý

  • Nghiên cứu của Weicheng Hu và cộng sự  cho thấy dịch chiết từ lá cây M.bealei tùy theo nồng độ sẽ có tác dụng loại bỏ 50 – 70% các gốc oxy hóa, berberin trong dịch chiết có tác dụng ức chế sự phát triển của ung thư ruột kết.
  • Nghiên cứu của Zeng X và cộng sự cho thấy trong điều kiện thí nghiệm, các alkaloid được chiết từ rễ cây hoàng liên ô rô có tác dụng ức chế rõ ràng sự nhân lên của virus cúm A ở nồng độ 0,25 mg/ml
  • Nghiên cứu của Ma WK và các cộng sự cho thấy palmatin, một thành phần của dịch chiết từ cây hoàng liên ô rô có hiệu quả trên lâm sàng trong điều trị viêm ruột và ung thư đại trực tràng.
  • Tác dụng của bernerin, palmatin và các alkaloid khác trong việc kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus chưa được đi sâu nghiên cứu.

6. Tính vị, công năng theo y học cổ truyền

Hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt ở phế, vị, can, thận. Quả có tác dụng lợi tiểu và làm dịu kích thích.

7.  Công dụng:

  • Cả cây đều có tác dụng chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, ăn uống không tiêu, đau mắt đỏ, viêm da dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt. Ngày 10 – 20g sắc hoặc tán bột uống.
  • Ngoài ra còn có tác dụng chữa viêm gan vàng da, ho lao, khạc ra máu, sốt cơn, lưng gối yếu mỏi.

8.  Bài thuốc

  • Chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, ăn không tiêu: Rễ, thân hoặc cả cây hoàng liên ô rô 15g, rễ cốt khí củ 15g, thái nhỏ sắc uống làm 2 lần/ngày, có thể dùng dạng bột trong nhiều ngày.
  • Chữa đau mắt đỏ, viêm gan, vàng da: Rễ hoặc thân hoàng liên ô rô 20g, hạ khô thảo 10g, sắc uống.
  • Chữa viêm da dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: Rễ hoặc lá hoàng liên ô rô 15g, lá khổ sâm 20g, nấu nước đặc để rửa.

Hoàng liên ô rô là một dược liệu quý, có tác dụng tốt trên bộ máy tiêu hóa, ngoài ra còn được sử dụng trong các trường hợp vàng da, đau mắt, mụn nhọt, mẩn ngứa, …
Do sự tuyên truyền thái quá về công dụng, hoàng liên ô rô bị khai thác mạnh, đồng thời loài này còn bị giảm mạnh về số lượng do nạn phá rừng. Những nguyên nhân này khiến cho hoàng liên ô rô đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là loài Mahonia beali Carr, vì vậy vấn đề bảo tồn hoàng liên ô rô ngày càng trở nên cấp bách.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top