✴️ Vị thuốc Kha tử

Nội dung

Tên gọi

Tên thường gọi: Cây chiêu liêu, Hạt chiêu liêu, Kha lê, Kha lê lặc…

Tên tiếng trung: 诃子

Tên dược: Frutus chebulae.

Tên khoa học: Terminalia chebula

Họ khoa học: Thuộc họ Bàng – Combretaceae.

Mô tả Đặc điểm tự nhiên

Cây kha tử hay cây chiêu liêu là một cây thuốc quý dạng cây gỗ cao 15 – 20m. Lá mọc đối, cuống ngắn. Hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành bông, tràng hoa màu trắng, có mùi thơm. Quả hình trứng, 2 đầu nhọn có 5 cạnh dọc. Đường kính 2,5 – 3cm; dài 3 – 5cm. Vỏ màu nâu nhạt. Hạch (hột) cứng chắc, thịt dày (khi khô chỉ còn 2 – 4mm), vị chua chát.

Kha tử là cây ưa sáng khi trưởng thành, nhưng chịu bóng khi non. Kha tử mọc nhiều ở rừng thưa, rừng thứ sinh

 

Thu hái và chế biến

Quả kha tử chín thu hái từ tháng 6 đến tháng 8, phơi nắng cho khô. Nên chọn quả già chín phơi khô, vỏ ngoài có màu vàng ngà, thịt chắc là tốt, loại trái non, ốp lép là xấu. Theo kinh nghiệm Viện Đông y Việt Nam: Khi dùng Kha tử rửa sạch, để ráo nước, sao sơ, lúc bốc thuốc thang, giã dập, bỏ hạt dùng

Thành phần hóa học

Trong thịt quả kha tử có: Tanin 51,3% gồm các axit: galic, egalic, luteolic, chebulinic có tác dụng kháng sinh trị nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus); các chất Chebutin, terchebin có tác dụng chống co thắt cơ trơn (trợ tim, chống ho, chống co thắt dạ dày, ruột…).

Quả kha tử có khoảng 30% chất làm săn da với các chất đặc trưng là các acid chebulinic, chebulagic; các tanin (20-40%) với các đặc trưng là acid elagic, glucogalin, senosid A(2), các men polyphenol oxidase, tanase, các đường glucose, arabinose, fructose và các acid amin…

Nhân quả chiêu liêu chứa 3-7% chất dầu màu vàng trong suốt, thuộc loại dầu bán khô, trong đó thành phần chủ yếu là các acid palmatic, oleic và linoleic. Một hợp chất có hoạt tính chống ung thư là chebulanin cũng chiết được từ cây chiêu liêu

Tác dụng dược lý

Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh tác dụng của Kha tử trong điều trị viêm họng, khản tiếng bằng các nghiên cứu lâm sàng. Trước hết là tác dụng giảm ho, thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy hoạt chất Polysaccharid trong Kha tử có khả năng giảm ho rõ rệt. Tác dụng dược lý này của Polysaccharid thậm chí cao hơn so với những chất chống ho mạnh nhất trong thí nghiệm lâm sàng như codein. Cụ thể, sau khi uống chiết xuất Kha tử từ 30, 60, 120, 300 phút, người bệnh đã giảm rõ rệt phản xạ ho ngay từ phút 30.

Không chỉ vậy, theo đơn vị Nghiên cứu nông nghiệp và sinh học, Viện thống kê Ấn Độ năm 2013 nhờ chất Alloyl nên Kha tử sở hữu hoạt tính kháng vi rút. Hoạt chất này đóng vai trò quan trọng đối với sự ức chế các vi rút loại 1 và một số vi rút làm giảm hệ miễn dịch của con người.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Slovakia và Ấn Độ trên động vật cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn trong Kha tử với hàm lượng tamin giàu có (chiếm 24-64%) tổng hợp trong đó là các axit galic, egalic, luteolic, chebulinic. Sự tồn tại của hoạt chất đặc biệt này đã khiến Kha tử trở thành chất kháng sinh tự nhiên, có khả năng diệt khuẩn mạnh mẽ.

Dựa trên hoạt tính dược lý lợi thế đó, con người hiện đại đã không ngừng nghiên cứu, cho ra các chế phẩm Kha tử với tác dụng ức chế in vitro (một phương pháp nghiên cứu trong sinh học thực nghiệm) một số vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch hầu, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn tán huyết.

Do đó với bệnh viêm họng, khản tiếng có 80% nguyên nhân do từ vi rút (điển hình như virusRhinovirus, coronavirus, parainfluenza virus, virut cúm A, cúm B, Viruts adenovirus, virus Epstein-Barr (EBV), herpes simplex (HPV)) và khoảng 20% còn lại do các vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu,… thì sử dụng Kha tử rất hiệu quả.

Liều dùng – kiêng kỵ

Dùng từ 3-10g

Không dùng kha tử cho các trường hợp mắc hội chứng ngoại cảnh và trong khi tích tụ nhiệt thấp ở trong cơ thể.

Không dùng trong trường hợp táo bón, mới cảm ngoại tà

Ứng dụng lâm sàng

Ỉa chảy mạn tính, lỵ mạn tính và sa hậu môn (Trĩ nội)

Chứng nhiệt: Dùng phối hợp kha tử với hoàng liên và mộc hương dưới dạng kha tử tán. Hội chứng suy yếu và hàn: Dùng phối hợp kha tử với can khương và anh túc xác.

Ho và hen do phế hư hoặc ho mạn tính kèm khàn giọng

Dùng phối hợp chi tử với cát cánh, cam thảo và hạnh nhân. Liều dùng: 3-10g (dạng sống để chữa khàn giọng, dạng nướng dùng trị ỉa chảy).

Trị ho cảm, khan tiếng (viêm họng)

Kha tử 4 quả, Cam thảo 6g, Cát cánh 10g, thêm đồng tiện 150ml, nước 150ml sắc uống. Tác dụng: Tuyên Phế, chỉ khái, lợi hầu, khai âm. (Kha Tử Cam Cát Thang – Cổ Kim Y Thống).

Trị Tâm Tỳ đau hoắc loạn, thổ tả (do lạnh)

Cam thảo, Can khương, Hậu phát, Lương khương, Kha tử, Mạch nha, Phục linh, Thảo quả, Thần khúc, Trần bì. Lượng bằng nhau. Tán bột ngày uống 2 lần mỗi lần 6g. (Kha Tử Tán – Tuyên Minh Luận).

Chữa ho khản tiếng do phế hư

Kha tử giã dập, bỏ hạt 8g, Cát cánh 10g, Cam thảo 6g. Sắc 3 nước, cô lại còn 200ml chia làm 4 lần uống trong ngày. Dùng thuốc đến khi khỏi.

Trị tiêu chảy (do tỳ khí hư hàn) tiêu phân sống, ruột sôi, bụng đau, thoát giang, trĩ lậu

Can khương 4g, Cù túc xác 2g, Kha tử 2,8g, Quất hồng 2g. Tán bột ngày uống 2 lần mỗi lần 6g. (Kha Tử Tán – Tỳ Vị Luận).

Chữa ho viêm họng rát họng

Kha tử 1 – 2 trái rữa sạch lấy phần vỏ nhai ngậm dần nuốt nước. (Kinh Nghiệm Nhân Gian).

Chữa ngộ độc do thức ăn nhiễm khuẩn, ỉa chảy mãn tính, lỵ mãn tính có sốt

Kha tử nướng chín bỏ hạt 8g, Hoàng liên 5g, Mộc hương 5g làm bột mịn. Chia làm 3 lần uống trong ngày, chiêu với nước sôi để nguội

Trị sâu quảng, vết thương lõm vào

Giáng hương 4g, Kha tử 20 hạt, Ngũ bội tử 20g, Thanh đại 4g. Tán bột trộn với dầu mè bôi. (Kha Tử Tán – Chứng Trị Chuẩn Thằng). Thận trọng và chống chỉ định: Không dùng kha tử cho các trường hợp mắc hội chứng ngoại cảnh và trong khi tích tụ nhiệt thấp ở trong cơ thể. Không dùng trong trường hợp táo bón, mới cảm ngoại tà

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top