Tên tiếng Việt: Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Câu kỷ tử .
Tên khoa học: Lycium sinense Mill.
Tên đồng nghĩa: Lycium barbarum L. var. sinense Ait.
Họ: Cà (Solanaceae)
Công dụng: dùng trong các bệnh đái đường (phối hợp với các vị thuốc khác), ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, gầy yếu, bổ tinh khí, giữ cho người trẻ lâu.
A. Mô tả cây
- Cây khởi tử là một loại cây nhỏ, cao 0,5-1,5m cành nhỏ, tỉnh thoảng có gai ngắn mọc ở kẽ lá, dài 5cm. Lá mọc so le một số mọc vòng tại một điểm. Cuống lá ngắn 2-6mm. Phiến lá hình mác, đầu lá và phía cuống của lá đều hẹp, hơi nhọn, dài 2-6cm, rộng 0,62-5cm, mép lá nguyên. Hoa nhỏ mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa mọc tụ lại. Cánh hoa màu tím đỏ. Quả mọng hình trứng dài 0,5-2cm, đường kính 4-8mm. Khi chín có màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ. Hạt nhiều, hình thận, dẹt, dài 2-2,5mm. Mùa hoa: tháng 6-9, mùa quả: tháng 7-10.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
- Trước đây kỷ tử chỉ là một vị thuốc nhập, gần đây ta đã bắt đầu trồng để lấy quả làm thuốc.
- Trồng bằng hạt hay dâm cành. Gieo hạt vào mùa hạ, tưới nước giữ độ ẩm, sau 7-8 ngày hạt mọc. Khoảng cách cây từ 0,6m đến 1m. Có thể cắt cành thành từng mẩu nhỏ 20-25cm. Sau 3 năm có thể thu hoạch. Thời kỳ thu hoạch kéo dài 20-30 năm nhưng thu hoạch cao nhất vào năm thứ 10.
- Quả hái trong 2 mùa hạ và thu vì thời kỳ quả chính kéo dài. Theo kinh nghiệm trồng của Trung Quốc 1 hecta kỷ tử tốt và sai quả cho 1.500kg quả. Cây 3 năm cho khoảng 500-800 kg/ha.
- Hái quả cần hái vào sáng sớm hoặc chiều mát, nếu vào giữa trưa nóng quá có thể bị kém chất. Khi mới hái về phải tải mỏng phơi râm mát cho tới khi da bắt đầu nhăn mới phơi chỗ nắng đến thật khô. Nếu sấy phải giữ ở nhiệt độ thấp 30- 45°C.
- Cho đến nay, kỷ tử vẫn phần lớn nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc người ta trồng ở nhiều tỉnh, tại những tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đều có. Ngoài ra cây còn mọc và được trồng ở Nhật Bản, Triều Tiên.
- Chế biến: Quả thường dùng sống hoặc tẩm rượu sao, đem sắc ngay hoặc sấy nhẹ (dưới 50oC) đến khô giòn, tán bột hoặc phun rượu cho quả trở nên đỏ tươi, khi dùng giã nát.
C. Thành phần hóa học
- Trong khởi tử có chừng 0,09% chất betain C5H12O2N. C5H12O2N
- Theo Từ Quốc Vân và Triệu Thủ Huấn trong 100g quả có 3,96mg caroten; 150mg canxi; 6,7mg P; 3,4 mg sắt; 3mg Vitamin C; 1,7mg axit nicotinic; 0,23mg amon sunfat.
- Theo một tác giả khác (Ibraghinmôv) trong khởi tử có lyxin, cholin, betain 2,2% chất béo và 4,6% chất protein, axit xyanhydric và có thể có atropin.
D. Công dụng và liều dùng
- Khởi tử được coi là một vị thuốc bổ toàn thân, dùng trong các bệnh đái đường (phối hợp với các vị thuốc khác), ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, gầy yếu, bổ tinh khí, giữ cho người trẻ lâu.
- Liều dùng: 6-15g dưới dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.
- Theo tài liệu cổ, khởi tử có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh phế, can và thận. Có tác dụng bổ can thận, nhuận phế táo, mạnh gân cốt. Dùng chữa chân tay yếu mỏi, mắt mờ, di mộng tinh.
Đơn thuốc có khởi tử
- Rượu khởi tử: Khởi tử 600g, rượu (35-40°) 2 lít. Giã nhỏ khởi tử. Cho rượu vào ngâm trong 2 tuần lễ trở lên. Lọc lấy rượu mà uống. Ngày uống 1-2. cốc con làm thuốc bổ.
- Đơn thuốc bổ chữa di tinh: Khởi tử 6g, sinh khương 2g, nhục thong dong 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
- Hữu quy hoàn: Thục địa 32g, Sơn dược sao 16g, Sơn thù 12g, Câu kỷ tử 16g, Đỗ trọng (tẩm gừng sao) 16g, Thỏ ty tử 16g, Thục Phụ tử 8 – 14g, Nhục quế 8 – 16g, Đương quy 12g, Lộc giác giao 16g.
Cách dùng: Theo tỷ lệ trên tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 4 – 8g, có thể làm thuốc thang sắc uống.
Tác dụng: Ôn thận tráng dương, bổ tinh huyết.
Chủ trị: Các chứng thận dương bất túc, mệnh môn hỏa suy, lão suy. Lâm sàng biểu hiện các triệu chứng: sợ lạnh, chân lạnh, hoạt tinh, liệt dương, chân đau, gối mỏi.
Chú thích:
Ngoài quả khởi tử ra, cây khởi tử còn cho các vị thuốc sau đây:
- Lá khởi tử (rau củ khởi) nấu canh với thịt để chữa cho ho, sốt.
- Vỏ cây khởi tử tức địa cốt bì-Cortex Lycii sinensis là vỏ rễ phơi hay sấy khô.
Đào rễ vào mùa xuân và mùa thu (từ tháng 10 đến tháng 3-4) rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ phơi hay sấy khô. Muốn cho đẹp, làm như sau: Rễ đào về rửa sạch cắt thành từng đoạn 6-10cm, dùng dao rạch cho đến gỗ, cho vào đồ, vỏ sẽ long ra khỏi gỗ, lấy ra bóc phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học: Theo Bộ dược học viện nghiên cứu y học Bắc Kinh 1958, trong địa cốt bì có 0,08% ancalioid, 1,7% saponin không có phản ứng anthraglucosid và tanin. Công dụng và liều dùng: Lá và vỏ rễ khởi tử có tác dụng chữa ho, sốt và sốt do ho.
Liều dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Theo tài liệu cổ, địa cốt bì có vị ngọt, tính hàn, vào 4 kinh phế, can, thận và tam tiêu. Có tác dụng lương huyết tả hỏa, thanh phế nhiệt, trừ cốt chưng. Dùng chữa ho ra máu, phiền nhiệt tiêu khát, lao nhiệt ra mồ hôi, nhức xương. Người doanh phận không có nhiệt, tỳ vị hư hàn không dùng được.
Đơn thuốc có vị cốt bì trong nhân dân
- Chữa thổ huyết: Sắc 12g địa cốt bì với 200ml nước mà uống trong ngày.
- Tiểu tiện ra huyết: Địa cốt bì tươi, rửa sạch giã lấy nước uống. Mỗi lần 25-30g địa cốt bì tươi. Nếu không có tươi, dùng khô sắc cũng được.
- Âm hộ lở loét: Sao nước địa cốt bì mà rửa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp