✴️ Vị thuốc Mơ lông

1. Mô tả

  • Dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Thân non hơi dẹt, sau tròn, màu lục hoặc tím đỏ.
  • Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 5 – 10cm, rộng 2 – 4cm, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt lá đều màu lục, gân lá rõ ở mặt trên; cuống lá dài 1 – 3cm; lá kèm rộng, thường xẻ đôi.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành xúm, dài 10 – 30cm, phân nhánh nhiều và toả rộng; lá bắc rất nhỏ; hoa màu trắng điểm tím nhạt, không cuống; đài hình chuông, 4-5 răng rất nhỏ, hình tam giác nhọn; tràng hình phễu, dài 1 – 1,2cm, 4-5 cánh loăn xoăn ở đầu; nhị 4-5; bầu 2 ô. Quả gần hình trứng, dẹt, nhẵn, màu nâu bóng.
  • Toàn cây có lông mềm, nhất là thân, cành và lá non. Lá vò nát, có mùi khó ngửi. Mùa hoa quả: tháng 8-10.

Trong thực tế, còn có một loài khác có tên khoa học là Paederia scandens (Lour.) Meu. cùng họ, cũng được dùng với công dụng tương tự. Loài này chỉ khác ở chỗ có quả hình cầu, lá có màu tím đỏ ở mặt sau (mơ tam thể).

  • Đồng bào các dân tộc miền núi lại hay dùng cây mơ rừng (Paederia microcephala Pierre) cùng họ, cũng với công dụng như mơ lông. Mơ rừng có đặc trưng khác với những loài trên ở chỗ toàn cây hầu như nhẵn, lá có gốc hình tim rõ, hoa màu hồng.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Paederia L. có 26 loài, đều là dây leo; phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới châu Á và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, có 5 loài, mơ lông là loài phổ biến nhất. Cây có nguồn gốc từ vùng Ấn Độ, Malaysia; hiện nay phân bố rộng rãi ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Ở Việt Nam, mơ lông có thể gặp hầu hết các tỉnh (trừ vùng núi cao lạnh, trên 1600m) trong quần thể trồng; đôi khi cũng gặp ở trạng thái hoang dại hoá, gần nơi có người ở hoặc bờ nương rẫy.

3. Bộ phận dùng

  • Toàn cây thu hái vào mùa hè. Rễ vào mùa thu hay mùa đông. Lá thường dùng tươi.

4. Thành phần hóa học chính

Lá chứa protein 44,6% (tính theo trọng lượng khô) gồm các acid amin như argenin, histidine, lysin, tyrosin, tryptophan, phenylalnin, valin.

5. Tác dụng dược lý

  • Lá mơ lông có tác dụng ức chế sự phát triển của Shigella flexneri. Hoạt chất toàn phần thô chiết xuất từ lá mơ lông có tác dụng ức chế Entamoeba histolytica với nồng độ ức chế tối thiểu 1/800.
  • Lá mơ lông có các tác dụng chống co thắt hồi tràng cô lập chuột lang và ức chế sự phát triển của mô ung thư biểu mô dạng biểu bì của mũi – hầu người được nuôi cấy.

6. Tính vị công năng

Mơ lông có vị hơi đắng, hơi mặn,mùi hôi, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm săn.

7. Công dụng

Lá mơ lông được dùng chữa lỵ trực khuẩn. Lấy lá mơ lông (30 -50 g) lau sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà (1 quả). Có người chỉ dùng lòng đỏ trứng, nhưng kinh nghiệm dùng cả lòng trắng phổ biến hơn. Bọc thuốc vào lá chuối đem nướng hoặc đặt lên chảo mà rán (không có mỡ) cho thơm. Ngày ăn 2 – 3 lần, trong 5 – 8 ngày. Thời gian điều trị trung bình 7 ngày. Ngoài ra, lá mơ lông còn chữa chứng sôi bụng ăn không tiêu, viêm dạ dày, viêm ruột. Ngày dùng 20 – 40g dạng thuốc sắc.

Để chữa giun kim và giun đũa, lấy lá mơ tam thể (30 – 50g), giã nhỏ, thêm ít muối, ăn sống hay vắt lấy nước uống. Dùng liền 3 buổi sáng vào lúc đói, giun sẽ ra. Chữa giun kim, còn có cách lấy lá mơ lông (30g), cho vào 50ml nước chín, giã vắt lấy nước cốt bơm thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 20 phút, vào 7-8 giờ tối trước khi đi ngủ, giun sẽ ra.

Theo tài liệu nước ngoài, lá mơ lông có tác dụng bổ và làm săn. Nhân dân một số vùng ở Ấn Độ dùng lá tươi nấu canh và cho vào thức ăn khác cho người ốm và ở thời kỳ dưỡng bệnh, đặc biệt đối với người bị bệnh đường ruột. Toàn bộ cây được dùng để chữa thấp khớp. Dùng lá mơ lông đắp vào bụng để chữa chướng bụng đầy hơi, và chữa ecpét. Ở Philippin, lá mơ lông nấu lên và giã nát được đắp vào bụng để điều trị bí tiểu tiện. Nước sắc lá được coi là có tác dụng lợi tiểu và làm tan sỏi bàng quang. Rễ và vỏ cây để gây nôn và quả được các bộ tộc miền núi dùng để nhuộm răng đen phòng sâu răng. Dịch ép rễ điều trị trĩ, viêm lách, đau ngực và đau gan.

Mơ lông có thể có tác dụng tăng thải trừ chất độc tích luỹ trong cơ thể khi dùng các chất có hại như rượu, thuốc lá, hoặc do rối loạn chuyển hoá.

8. Bài thuốc có mơ lông

  1. Chữa lỵ lâu ngày (Hải Thượng Lãn Ông): Rễ mơ lông, cỏ seo gà, mã đề, sao qua sắc uống.
  2. Chữa hội chứng lỵ: Lá mơ lông tươi, cỏ nhọ nồi tươi, mỗi vị 100g, sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.
  3. Chữa lỵ amip và lỵ trực khuẩn: Lá mơ lông hoặc mơ tam thể 80g, cỏ nhọ nồi tươi 150g, lá đại thanh 30g, hạt cau 16g, bách bộ 12g, vỏ đại 8g. Sắc đặc uống làm nhiều lần trong ngày.
  4. Chữa lỵ: 
    a. Lá mơ lông , lá trâu cổ, mỗi vị 20g; lá lốt, nụ sim, mỗi vị 10g. sắc uống hoặc làm viên uống, ngày một thang. b. Mơ lông 30g; cỏ sữa 25g; rau sam 20g; hạt cau khô, vỏ măng cụt, mỗi vị 10g; thổ phục linh, bạch thược, mỗi vị 5g. sắc uống ngày một thang. Hoặc tán nhỏ, mỗi lần uống 8g, ngày 3 lần.
  5. Chữa tiêu chảy ra máu: Mơ tam thể 6g; đọt cà ăn quả 16g; rau sam, cây cứt lợn, mỗi vị 6g; xuyên tâm liên 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
  6. Chữa ho gà: Lá mơ tam thể 150g; bách bộ, cỏ mần trầu, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi vị 250g; cam thảo dây 150g; trần bì 100g; gừng 50g; đường kính 1500g. Cho vào 6 lít nước sắc còn một lít, cho đường kính vào trộn lẫn rồi đun sôi cho còn một lít. Liều dùng: mỗi ngày uống 2-3 lần. Trẻ 6 tháng – 1 năm tuổi, mỗi lần uống 2 thìa cà phê; trẻ 1 – 2 tuổi, 4 lần x 2 thìa cà phê; trẻ 3 – 4 tuổi: 6 lần x 2 thìa cà phê; trẻ 5 – 7 tuổi: 7 lần x 2 thìa cà phê.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top