Cây nhỡ hay cây to, cao 10 -15m, đường kính thân có thể đến 40cm. Cành non hơi dẹt, có lông tơ; cành già tròn nhẵn, màu nâu nhạt, có nốt sần nhỏ màu trắng và những sẹo lá do lá rụng để lại nhất là ở đoạn cuối cành. Lá mọc đối, có cuống rất ngắn hoặc gần như không cuống, hình trứng hoặc hình bầu dục, dài 12 – 15cm, rộng 6 – 8cm, gốc lá hơi thuôn hoặc tròn, đầu tù hoặc nhọn, dễ rụng, mép nguyên, cả hai mặt có màu xanh lục nhạt, mặt dưới có lông nhỏ rất mịn và gân nổi rõ.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hay đầu cành thành xim ngù, dài 5 – 10cm, có lông mịn; lá bắc nhỏ; hoa màu trắng rất thơm, đài 5 răng rất hẹp, có lông ở lưng; tràng 5 cánh tròn đầu, ống tràng dài 1cm, hơi thắt ở họng; nhị 5 đính gần phía gốc ống tràng, chỉ nhị có lông, bao phấn hẹp; vòi nhụy hơi dày.
Quả là hai đại hẹp, dài 15-30 cm, rộng 6 -7 mm, cong, vỏ ngoài màu nâu đen có những chấm trắng; hạt nhiều, thuôn, đáy tròn, màu nâu nhạt, có chùm lông mịn màu hơi hung hung. Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Mùa hoa: tháng 4-6; mùa quả: tháng 7-9.
Còn có loài Holarrhena curtisii King et Gamble (H crassifolia Pierre in Spire – Hồ liên lá nhỏ) và Holarrhena similis Graib (Hồ liên), là những cây nhỏ chỉ cao 0,9 – 2m và quả ngắn 1,5 – 2,8cm. Những loài này chưa được nghiên cứu sử dụng.
Cây dễ nhầm lẫn:
Thừng mực (Wrightia annamensis Dub. et Eberh.). Lá mặt trên sẫm tối, mặt dưới nhạt. Hoa màu vàng pha hồng. Quả là hai đại thẳng dính liền nhau.
Mức trâu (Paravaỉỉaria macrophyila Pierre). Lá mặt trên sẫm bóng, mặt dưới trơn nhẵn. Hoa màu trắng vàng hoặc vàng lục. Quả gồm hai đại dẹt, ngắn mọc chẽ ngang.
Holarrhena R.Br. là một chi nhỏ, có 4 loài ở vùng nhiệt đới châu Phi và châu Á. Ở Việt Nam có 3 loài. Mức hoa trắng phân bố rải rác ở vùng Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Srilanca. Mianma, Thái Lan, Bắc Malaysia, Campuchia, Lào, Việt Nam và Nam Trung Quốc. Cây cũng có ở vùng nhiệt đới châu Phi. Ở Việt Nam mức hoa trắng là cây thường thấy ở vùng núi thấp và trung du, thuộc các tỉnh từ Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng dọc theo miền Trung đến các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Độ cao phân bố dưới 600m.
Mức hoa trắng là cây ưa sáng, chịu hạn tốt do có bộ rễ cọc rất phát triển. Cây thường mọc trong các quần hệ thứ sinh ít có cây gỗ to, ở đồi hay trong kiểu rừng thưa nửa rụng lá ở các tỉnh Nam Tây Nguyên (Đắc Lắc, Bình Thuận, Đồng Nai,…). Đôi khi cũng gặp trong kiểu rừng xen tre nứa. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, rụng lá vào mùa đông. Sau khi ra lá, cây mới có hoa; hoa thụ phấn nhờ côn trùng. Lượng hoa quả trên một cây thường rất lớn. Quả già tách thành hai mảnh, hạt có túm lông, phát tán nhờ gió. Ở Ấn Độ người ta đã xác định 1 kg hạt có từ 32.000 – 35.000 hạt; hạt tươi có sức nảy mầm cao trong vòng 2-3 tuần. Hạt để sau một năm không còn khả năng nảy mầm (Wongsatit Chuakul et ai, 1999, Hoỉaưhena R. Br; in L. s de Padua et al, PROSEA N0 12 (1) – Med and Poi. Plants 1, 296 – 299). Mức hoa trắng có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt. Cây tồn tại được qua đợt cháy rừng, do có phần vỏ thân dày và nhiều nhựa mủ, tái sinh vô tính từ đoạn thân, cành hay rễ.
Nguồn mức hoa trắng ở Việt Nam tương đối dồi dào, nhất là ở các tỉnh phía nam, từ Nghệ An trở vào.
Mức hoa trắng thường được trồng ở các vùng đồi núi thấp và ven đường đi, công viên ở đồng bằng. Cây không có yêu cầu nghiêm ngặt về đất đai nhưng không ưa đất ẩm và sình lầy.
Mức hoa trắng có thể nhân giống bằng hạt hoạc bằng cành. Hạt lấy từ quả chín và gieo ngay vào tháng 9-10. Cũng có thể phơi khô, bảo quản để gieo vào mùa xuân năm sau. Đối với hạt khô, cần ngâm nước ấm 40 – 45°c trong 4-5 giờ, sau đó gieo vãi trong vườn ươm, lấp qua đất, dùng rơm rạ hay cỏ khô phủ lại và tưới nước. Sau 10 -15 ngàv, hạt nảy mầm; lúc này cần dỡ bỏ rơm rạ phủ. Khi cây con cao 10-15 cm, tiến hành tỉa cây, định khoảng cách 20 – 25cm. Những cây tỉa ra có thể đem trồng ở vườn ươm mới với khoảng cách như trên. Hoặc gieo trong bầu, mồi bầu 2 – 3 hạt, sau tỉa giữ lại một cây khỏe nhất. Tùy thời gian gieo hạt, thời kỳ vườn ươm có thể kéo đài từ 6 -12 tháng.
Cây con thường được đánh trồng vào đầu hoặc giữa mùa mưa. Khi trồng, đào hố 40 x 40 x 40cm, cách nhau 2m, bón lót mỗi hố 10 – 15kg phân chuồng. Sau khi đặt cây con, dận chặt gốc và tưới nước cho đến khi bén rễ. Nếu trồng để kết hợp làm cảnh, có thể trồng thưa hơn, 4 – 5 m một cây.
Mức hoa trắng còn có thể trồng bằng cành. Chọn cành bánh tẻ, đường lánh 1,5 – 2cm, chặt thành đoạn dài 20 – 25cm rồi cắm nghiêng xuống hố, mỗi hố 2 đoạn, lấp đất sâu đến 3/4 chiều dài và thường xuyên giữ ẩm. Sau 15-20 ngày, cành giâm sẽ ra rễ và nảy mầm nếu giâm vào mùa xuân. Chỉ cần làm cỏ, tưới nước trong hai tháng đầu sau khi trồng.
Mức hoa trắng trồng 8-12 năm có thể thu hoạch. Vỏ thân tốt nhất thu từ tháng 12 đến tháng 2, khi lá đã rụng hết. Có thể chặt cây, bóc lấy vỏ hoặc không chặt mà chỉ bóc lấy 3/4 vỏ, phần còn lại để tự tái sinh. Chú ý không cắt vào gỗ. vỏ thu xong, thái lát, phơi khô.
Hạt, vỏ thân, rễ thu hái quanh năm. vỏ cây được chế biến như sau:
Bóc vỏ ở thân hoặc cành to, cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái phiến dài 3 – 5cm, dày 1 – 3mm, phơi khô. Đối với vỏ khô cần rửa sạch, ủ mềm rồi thái phiến, phơi hay sấy khô. Có thể sao vàng.
Vỏ mức hoa trắng chứa nhiều alcaloid 0,4%; gôm 9,56%, nhựa 0,2%, tanin 1,14%.
Alcaloid chủ yếu là conessin. Bromhydrat conessin 24H4ClN22HBr đã được đưa vào dược điển nhiều nước.
Ngoài ra, còn norconessin, conessimin, isoconessimin, kurchin, conimin, conamin conarrhimin, konkurchin, conessidin trimethyl, konkurchin, holarrhimin, holarrhenin, holarrhin, holarrhessimin, tettovin, conkurchinin, kurchinin. ( The Wealth of India vol V (1959) p. 105).
Holacetin, holacin, holacimin, hepiheteroconessin, holonamin, kurchessin, holacemin, holacimin, holacin… (Trung dược từ hải I. 883).
Gần đây, một số alcaloid mới đã được chiết tách như : Holarrhifin (Siddiqui Salimuzzaman CA. 1990 112 95430 h). 6 chất regholarrhenin A, B, C, D, E, F (Phytochemistry 1988, 27(3) 925-8; CA, 109, 1988, 3814y; CA, 113, 1990, 94737x). Bhutani KK; AliM, Sharma S.R (CA – 109 – 1988 – 3814y; CA – 113. 1990 – 94737x). Vỏ mức hoa trắng còn chứa các alcaloid như kurchilidin và kurchamid. (Begum Sabira; Usmami Shahid Bader, CA – 119 – 1993, 45237z).
Dohmal, Barbara; Miedzobrodzki, Jacek đã tìm thấy 5 alcaloid trong callus nuôi cấy mô từ 1 – 6 năm, trong đó 2 chất là conessin và conimin. Dịch chiết các alcaloid này ức chế sự phát triển của vi khuẩn Shigella sonnei, Sh.flexneri; Salmonella interitidis, không ức chế s. typhy và s. paratyphi. Hạt mức hoa trắng chứa nhiều alcaloid như trong vỏ với hàm lượng thấp hơn (1,82%) một glycoalcaloid (độ chảy 200°C) đã được phân lập khi thuỷ phân với acid picric được picrat conessin và một picrat thứ hai với độ chảy 113 – 16°c và galactose.
Hạt còn chứa 19 – 30% một loại dầu khô màu xanh với các hằng số sau: tỷ trọng 15°: 0,9354, chỉ số acid 36,1; chỉ số xà phòng 180,5, chỉ số iod 149,1;.chỉ số acetyl 22,9, chất không xà phòng hoá 3,5%. Thành phần acid béo của dầu gồm linolenic 10%, linoleic 54,7%; oleic 21%; palmitic 5,6%, stearic 6,8% và lignoceric 1,9%; phần không xà phòng hoá được chứa 17,4% phytosterol.
Chất nhựa mủ trong cây chứa nước và chất tan trong nước 57,91%, cao su 1,5 – 9,7%, chất tủa keo (coaglum) có cao su 15 – 22,8%, nhựa 74,1 – 82,8% và chất không tan 0,9- 5,9%. Hai chất alcol nhựa (resinol) là lettoresinol A (C28H50O5 độ chảy 227 – 280) và letto resinoi B (C32H56O2 độ chảy 136 – 137°) đã được tách từ nhựa mủ.
Ngoài ra, mức hoa trắng còn chứa triterpen alcol, lupeol, và ß sitosterol (trong phần không xà phòng hoá), chất gồm màu nâu vị đắng có tỷ trọng 1,092; D không, chỉ số acid 65,28, chỉ số este 106,14, chỉ số xà phòng 171,42 và chì số acetyl 150,52.
Tro từ gỗ mức hoa trắng giàu chất kali gồm 17,5% tan có K2CO3 10,82; KCl 4,2; K2SO4 2,48% và chất tro không tan 80,24% (The Wealth of India T.v (1959) tr.] 05). Từ lá mức hoa trắng một chất màu tương tự indigo được chiết tách.
Cones sin có tác dụng diệt amip; thí nghiệm ngoài cơ thể nồng độ có hiệu quả đối với Entamoeba histolytica của conessin là: 1: 71000 – 45000, còn của emetin là 1: 200000 – 1: 300000. Kết quả cho thấy tác dụng diệt amip của conessin kém hơn emetin. Conessin còn có tác dụng diệt Trichomonas vaginalis và T. intestinalis.
Thí nghiệm trên chuột lang tiêm dưới da, conessin có tác dụng gây tê cục bộ, mạnh gấp hai lần so với cocain; nhưng khi tiêm, thuốc có tác dụng kích thích tại chỗ, gây tổ chức hoại tử nên tác dụng này không được sử dụng trên lâm sàng. Đối với ếch, tiêm dưới da, thuốc có tác dụng gây mê. Conessin có vị đắng, dùng bằng đường miệng có tác dụng ức chế hoạt động các men ptyalin, pepsin và trypsin. Thí nghiệm trên chuột lang, conessin tiêm tĩnh mạch kích thích nhu động ruột. Đối với hệ tim mạch, conessin dùng liều lớn có tác dụng giống quinin, phong bế dẫn truyền nhĩ thất và làm giảm nhịp tim. Đối với hô hấp ở giai đoạn đầu sau khi dùng thuốc, conessin có tác dụng kích thích, tiếp theo làm giảm hô hấp, dùng với liều ngộ độc làm ngừng thở trước khi tim ngừng đập. Ngoài ra, conessin còn có tác dụng diệt côn trùng bằng cách làm bất dục (sterilant) và gây biếng ăn (antifeedant).
– Ngoài conessin, chất kurchicin thí nghiệm trên động vật cũng có tác dụng ức chế tim, đặc biệt là phong bế sự dẫn truyền bó Hiss, đồng thời làm hạ huyết áp. Nó còn có tác dụng kích thích cơ trơn, gây tăng co bóp đối với ruột và tử cung cô lập.
– Alcaloid toàn phần của mức hoa trắng đã được Viện Dược liệu chiết tách và chứng minh có các tác dụng sau: Thí nghiệm trên ống kính, thuốc có tác dụng diệt Entamoeba moskowskii. Thí nghiệm trên mèo, thuốc gây hạ huyết áp và ức chế tim, tác dụng này yếu so với emetin. Liều lượng lớn của thuốc trên súc vật thí nghiệm gây co giật trước khi chết. Về độc tính cấp trên chuột nhắt trắng, bằng đường uống, theo phương pháp Litchfield Wilcoxon, alcaloid toàn phần của mức hoa trắng có Lso = 625mg/kg (588 – 700mg/kg) và bằng đường tiêm phúc mạc là LD5Ũ= 130mg/kg. Theo tài liệu nước ngoài, cao cồn chiết từ quả mức hoa trắng có tác dụng chống ung thư, và ức chế tế bào carcinom epidermoid từ họng hầu trên môi trường nuôi cấy. Cao chiết nước từ quả có tác dụng hạ đường huyết trên chuột cống trắng. Cao chiết bằng chloroform và methanol từ hạt mức hoa trắng có tác dụng kháng khuẩn đối Bacillus suhtiỉis, Escherichia coli. Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus.
Mức hoa trắng có tác dụng sát trùng, chỉ tả.
Mức hoa trắng được dùng điều trị lỵ amip và tiêu chảy bằng vỏ thân, hạt, alcaloid toàn phần hoặc conessin. Liều dùng hàng ngày: vỏ thân 10g, bột hạt 3 – 6g, cao lỏng 1:1 ngày 1 – 3g, cồn hạt (1:5) ngày 2 – 6g. Conessin bromhydrat viên 0,1g được uống mỗi lần 1 viên, ngày 2 – 3 lần. Sau 4-5 ngày giảm liều. Alcaloid toàn phần dạng viên 0,05g, mỗi lần uống 1 viên, ngày 2-3 lần. So với emetin, tuy hiệu lực chữa lỵ amíp có kém hơn, nhưng conessin có ưu điểm là dùng bằng uống vẫn có kết qủa, đối với amíp ở cả 2 thể hoạt động và kén. Duy có nhược điểm là khi dùng liều lớn, đặc biệt với liều hàng ngày trên 500mg, conessin có thể ảnh hưởng đến thần kinh như xuất hiện trạng thái tâm thần lo lắng, mất ngủ, chóng mặt có khi gây ảo giác. Các thuốc chlopromazin, barbiturat, gluconat cali có tác dụng làm giảm độc tính của thuốc. Conessin bromhydrat dưới dạng thuốc đạn đã được dùng điều trị trichomonas có kết quả.
Alcaloid toàn phần của mức hoa trắng đã được Viện Dược liệu chiết tách và làm thành viên đặt tên là Holanin, mỗi viên chứa 50mg được dùng điều trị bệnh nhân lỵ amíp trên lâm sàng, đạt kết quả tốt 60 – 80%. Vỏ cây được nấu cao và sử dụng như sau: lấy 100g vỏ phơi khô, chặt nhỏ nấu với 300ml nước trong 5-6 giờ. Rút nước, bã còn lại thêm nước tiếp tục đun sôi rồi lại rút nước. Làm như vậy 3 lần để rút kiệt hoạt chất. Tập trung nước chiết đem cô đến khi thành cao (còn khoảng 10g) là được. Mỗi ngày uống 1g. dùng riêng hoặc phối hợp với bột rễ hoàng đằng với tỷ lệ tương đương, tác dụng điều trị càng tốt hơn.
Theo tài liệu nước ngoài, dầu béo chiết từ hạt mức hoa trắng có tác dụng chữa giun sán. Ở Thái Lan, lá mức hoa trắng là thuốc trị ký sinh trùng đường ruột, hạt chữa sốt có kèm theo tiêu chảy, vỏ thân có tác dụng hạ sốt, chữa lỵ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh