Tên tiếng việt: Bí ngô, Bí đỏ, Bí rợ, Nam qua, Má ứ (Thái), Phặc đeng (Tày), Plăc ropual (Kho), Nhấm (Dao)
Tên khoa học: Cucurbita moschata (Duch. ex Lam.) Duch. ex Poir.
Tên đồng nghĩa: Cucurbita pepo L.var. moschata Lam.
Họ: Cucurbitaceae (Bầu bí)
Công dụng: Trừ sán (Nhân hạt ). Giảm đau đầu (Quả ). Gây nôn, giải độc (Cuống quả).
MÔ TẢ
- Cây thảo, sống một năm. Thân có năm cành, có lông dày, thường có rễ ở những đốt. Lá mọc so le, có cuống dài 8 – 20cm, phiến lá mềm, hình trứng rộng hoặc gần tròn, chia thùy nông, đầu tròn hoặc hơi nhọn, mép có răng cưa, hai mặt lá có nhiều lông mềm, đôi khi có những đốm trắng ở mặt trên; tua cuốn phân nhánh.
- Hoa đơn tính cùng gốc, màu vàng; hoa đực có đế hoa ngắn; đài loe rộng có thùy hình dải hoặc gần dạng lá, tràng hoa có 5 thùy rộng: hoa cái có lá đài dạng lá rõ, hầu hình tròn hoặc hơi dài.
- Quả to, cùi dày, rỗng giữa có nhiều dạng: dạng tròn, hơi dẹt, có rãnh sâu; dạng hình trứng hoặc hình trứng hơi dài, có khía rãnh, vỏ ngoài nhăn, khi chin màu vàng trắng, vỏ giữa màu vàng cam,,, có mùi thơm, vị ngọt lợ, cuống quả có rãnh và loe rộng ở chỗ tiếp giáp với quả. Hạt màu trắng xám, có mép mỏng và màu sẫm hơn.
- Mùa hoa: tháng 3 – 4; mùa quả: tháng 5 – 6.
- Loài cucubita pepo L. khác ở chỗ quả xốp ở giữa, hình trứng hơi dài, có khía rãnh, đặc biệt cuống quả không phình to ở chỗ đính vào quả. Loài này cũng được dùng với công dụng tương tự.
PHÂN BỐ SINH THÁI
- Chi Cucurbita L. có khoảng 25 loài, nguồn gốc ở châu Mỹ. Trong đó, có 5 loài là cây trồng.
- Ở Việt Nam, các loài bí ngô, bí đỏ đều là các loài cây trồng quen thuốc khắp từ Bắc chí Nam. Cây được trồng gần như quanh năm, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, nhiệt độ từ 18 – 250C. Gần đây, cây cũng được đưa lên trồng ở vùng núi cao (Sa Pa – Lào Cai, Phố Bảng – Hà Giang) vào vụ xuân hè, nhiệt độ từ 18 – 220C. Cây trồng ở đây chủ yếu chỉ lấy ngọn và lá non làm rau ăn. Trồng ở những vùng thấp hơn và ở đồng bằng thì vừa lấy ngọn làm rau ăn vừa lấy quả.
- Bí đỏ và bí ngô là những cây rau quan trọng ở nước ta. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về diện tích cũng như sản lượng rau, quả hàng năm. Trong khi đó, sản lượng các loại bí này trên thế giới năm 1988 lên tới 6346000 tấn và riêng vùng Đông Nam Á vào khoảng 217.000 tấn.
CÁCH TRỒNG:
- Bí ngô được trồng phổ biến trong nhân dân để lấy quả, hoa, ngọn và lá non làm rau ăn, quả chín và hạt làm thuốc. Cây có khả năng thích nghi rộng rãi, có thể trồng được ở mọi nơi, trên nhiều loại đất, trừ đất có nhiều sỏi đá và ngập nước.
- Bí ngô được trồng bằng hạt. Một quả cho rất nhiều hạt, hạt dễ nảy mầm nên có khả năng nhân giống cao.
- Ở miền núi, do mùa đông quá lạnh nên thường gieo hạt vào tháng 2 – 3. Ở trung du và đồng bằng nếu trồng lấy quả thì gieo vào tháng 10 – 11, nếu trồng lấy ngọn làm rau thì lại gieo vào tháng 2 – 3.
BỘ PHẬN DÙNG:
- Hạt được phơi hay sấy khô.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
- Quả bí ngô chứa 88,3 – 87,2% nước; 1,4 – 1,83% protid, 0,5 – 0,43% lipid, 9 – 9,33% chất không có nitrogen. Thịt quả tươi chứa 2,81% đường. Ngoài ra, quả còn chứa carotene, xauthopin và các nguyên tố vi lượng như sắt, mangan, đồng, kẽm và arsenic.
- Hàm lượng cucurbita là 0,40 – 0,84%.
- Quả còn chứa vitamin B1, B2, C. Hạt bí ngô chứa globulin.
- Nhân chứa 3 – 4% chất vô cơ, vào khoảng 30% protid và khoảng 45 – 50% dầu béo. Dầu béo bao gồm: các glycerid của các acid béo không no (acid oleic và acid linoleic). Cucurbitin là hoạt chất, có với tỉ lệ 0,40 – 0,84%.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ:
- Các hạt tươi của cucurbita pepo có tác dụng trị giun và sán. Hạt tươi của C.moschata ức chế sự sinh sản của giun non Schistosoma japonica.
TÍNH VỊ, CÔNG NĂNG:
- Hạt bí ngô có vị bùi, béo, tính ấm, có tác dụng trừ giun sán.
CÔNG DỤNG:
- Hạt của cây bí ngô rửa sạch rồi phơi khô hoặc sấy khô, dùng để chữa bệnh giun sán. Người lớn, ngày uống 20 – 40g hoặc hơn nữa (hạt đã bỏ vỏ). Đối với trẻ em, liều lượng tùy theo tuổi. Tác dụng trị sán của bí ngô tuy không mạnh bằng dương xỉ đực (Aspidium filix – mas Roth.) nhưng không độc với cơ thể.
- Cách dùng: chiều hôm trước ngày uống thuốc, thụt hoặc uống thuốc tẩy muối nhẹ. Hạt bí ngô có thể được dùng theo một trong những cách sau:
- Hạt đã bóc hết vỏ cứng để nguyên màng xanh ở trong. Người lớn dùng 100g giã nhỏ trong cối, có thể dùng 50 – 60ml nước để tráng sạch cối, thêm 50 – 100g mật, siro hoặc đường và trộn đều. Bệnh nhân ăn vào lúc đói hết cả liều trong vòng 1 giờ, nằm nghỉ 3 giờ, sau đó uống thuốc tẩy muối, đi ngoài trong một chậu nước ấm, nhúng cả mông vào. Trẻ em 3 – 4 tuổi, ăn 30g; 5 – 7 tuổi, ăn 50g; 7 – 10 tuổi, ăn 75g
- Hạt để cả vỏ cứng, giã hay xay nhỏ bằng cối xay thịt, thêm hai thể tích nước và đun lửa nhẹ hoặc đun cách thủy trong hai giờ, lọc qua gạc. Hớt bỏ lớp dầu trên mặt. Có thể thêm đường, uống hết trong vòng 20- 30 phút vào lúc đói (hôm trước đã tẩy hay thụt). 2 giờ sau khi uống hết, uống một liều thuốc tẩy muối. Người lớn uống 300g, trẻ em dưới 5 tuổi uống 50 – 70g; 5 – 7 tuổi uống 100g; 7 – 10 tuổi, uống 150g. Nếu sau khi uống hạt bí ngô theo liều nói trên lại uống thêm cao dương xỉ đực (Người lớn 2,5 – 3g, trẻ em tính theo tuổi) tác dụng sẽ mạnh hơn. Chỉ uống cao dương xỉ sau khi đã uống hạt bí ngô được 1 giờ và sau khi uống cao dương xỉ một giờ sẽ uống thêm một liều thuốc tẩy muối. Có khi người ra chế hạt bí ngô thành bột đã loại chất béo. Dùng uống với liều 60 – 80g (người lớn), 30 – 40g (trẻ em), thêm vào bột một ít nước, trộn đều, uống trong vòng 15 – 20 phút rồi theo cách như trên.
- Hạt bí ngô uống phối hợp với nước sắc hạt cau. Do nghiên cứu thấy nước sắc hạt cau có tác dụng làm tê liệt sán bò và sán lợn, nhưng chỉ mạnh với đầu con sán và những đốt chưa thành thục, trái lại hạt bí ngô có tác dụng chủ yếu là tê liệt các khúc giữa và khúc đuôi con sán, cho nên có thể dùng cách sau:
- Sáng sớm lúc đói bụng ăn 80 – 120g hạt bí ngô (để cả vỏ) hoặc 40 – 100g (hạt đã bóc vỏ). Hai giờ sau uống nước sắc hạt cau (trẻ em dưới 10 tuổi uống 30g. Phụ nữ và đàn ông bé nhỏ uống 50 – 60g, người lớn 80g). Cách chế nước sắc hạt cau như sau: cho hạt cau theo liều nói trên vào đun với 500ml nước, sắc cạn còn 150 – 200ml. Nhỏ dung dịch gelatin 2,5% vào cho đến khi hết kết tủa (để loại hết tannin), để lắng, gạn và lọc. Đun còn 150 – 200ml. Nửa giờ sau khi uống nước sắc hạt cai, sẽ uống một liều thuốc tẩy (30g magnest sulfat). Nằm nghỉ, đợi đến khi thật buồn đi ngoài thì đi vào chậu nước ấm nhúng cả mông vào.
- Theo tài liệu nước ngoài, hạt cucurbita moschata và hạt cucurbita pepo được dùng trị giun sán và tiêu chảy. Liều dùng là 30 – 60g hạt đã bóc vỏ và nghiền nhỏ, trộn với nước và làm thơm bằng tinh dầu quế hay tinh dầu lộc đề.
- Theo kinh nghiệm của nhân dân ta, cùi quả bí ngô (thịt quả) có tác dụng bổ thần kinh, điều hòa tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng nên vẫn được dùng để chữa nhức đầu, suy nhược thần kinh, táo bón. Ngày dùng 100 – 200g dưới dạng nấu ăn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp