✴️ Vị thuốc từ cây Gai

Tên tiếng Việt: Gai, Trữ ma, Gai tuyết, Gai làm bánh, Co pán (Thái), Bẩu pán (Tày), Chiểu đủ (Dao)

Tên khoa học: Boehmeria nivera (L.) Gaudich.

Tên đồng nghĩa: Urtica nivera L.

Họ: Urticaceae (Gai)

Công dụng: Thuốc lợi tiểu, cầm máu, an thai, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm thận phù thũng, ho ra máu, đái ra máu, rong kinh (Rễ, lá).

1. Mô tả:

Cây nhỏ, cao 1-2m. Thân cứng hóa gỗ ở gốc. Cành màu đỏ nhạt, phủ nhiều  lông sát. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc hình trứng, gốc tròn hay hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 7 – 15cm, rộng 4 – 8cm, lúc non phủ nhiều lông mềm ở cả hai mặt, lúc già thì mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới lông trở thành trắng bạc. Mép có răng hình tam giác, gân gốc 3, cuống lá mảnh, màu đỏ, có lông mềm, lá kèm hình dải nhọn, dễ rụng.

Cụm hoa cùng gốc hay khác gốc, ngắn hơn lá, mọc ở kẽ lá, xếp thành chùy đơn ở hoa cái hay hợp lại với nhau ở hoa cái và hoa đực, có khi tạo thành những túm dày đặc, cụm hoa đực nhiều hoa, nụ hình cầu có lông lởm chởm, lá dài 4, nhị 4, nhụy lép có dạng quả lê, cụm hoa cái hình cầu, mang nhiều hoa, bao hoa màu lục nhạt, hình trứng có lông, hầu giẹp, hình trái xoan, hơi có cánh.

Quả bế, hình quả lê, có nhiều lông, hạt có dầu

Mùa hoa quả tháng 11 -1.

Thứ Boehmeria nivea ( L) Gaud. var. tenacissima hoặc có tài liệu cho là loài riêng B. tenacissima Gaud, khác loài trên ở lá hai mặt đều có màu lục, chưa có tài liệu nghiên cứu loài này làm thuốc.

2. Phân bố, sinh thái:

Chi Boehmeria Jacq gồm 75 loài, phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới và cân nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở châu Á có 15 loài, trong đó Việt Nam có khoảng 10 loài. – Gai là cây trồng tương đối phổ biến trong nhân dân để lấy lá làm bánh và rễ củ làm thuốc. Gai còn phân bố ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Lào , Trung Quốc, Campuchia và Nhật Bản.

Gai thuộc loại cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, sinh trưởng phát triển nhanh trong mùa mưa ẩm, đến mùa đông có hiện tượng rụng lá, hơi tàn lụi. Cây ra hoa hàng năm. Chưa quan sát được cây con mọc từ hạt. Song, gai lại có khả năng tái sinh vô tính khoẻ bằng cách tái sinh cây chồi sau khi chặt và từ các đoạn thân, cành đem giâm xuống đất.

3. Bộ phận dùng:

Rễ củ gai thường gọi là trử ma căn. Rễ thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa hạ hay mùa thu. Đào rễ rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, để nguyên hay thái phiến, dùng tươi hay phơi, sấy khô. Rễ hình trụ, thường cong queo dài 5 – 10cm, đường kính 0,5 – 1,5cm, mặt ngoài nâu sẫm, có những nếp nhăn dọc và sẹo của rễ con, dễ bẻ, vết bẻ màu vàng có xơ, không mùi, vi nhạt. Còn dùng lá

4. Thành phần hoá học:

Rễ gai chứa acid clorogenic, acid protocatechic, acid cafeic, acid quinic, rhoifolin 0,7%, apigenin. Rhoifolin khi thuỷ phân cho apigenin, glucose, rhamnose.

Ngoài ra, còn chứa sitosterol, daucosterol và acid hydroxy ursolic (CA, 126. 1997, 291739), các polysaccharid thành phần chủ yếu gốm D galactose, L rhamnose, D arabinose, D mannose, và D galacturonic Me – ester.

Bên cạnh polysaccharid, còn có nột số oligo – Saccharid và monosaccharid, phần đường khi thuỷ phân tương tự như của polysaccharid.

Các monosaccharid trong rẽ gai là erythrose, heptose và một lượng nhỏ D. galactose, L. arabinose, acid D galacturonic (CA. 125, 1996. 145390m), melibiose, glucose và fructose (CA. 120, 1994 79699n)

Các pectin với thành phần chủ yếu là acid D galacturonic và dẫn chất mentyl ester của chúng, cùng với các đường L rhamnose, D galactose, L. arabinose, I. fucose, D glucose, D manose và D xylose, các hemicellulose với thành phần chính là glucomannan. (CA, 117, 1992, 51066 t).

5. Tác dụng dược lý:

Dịch chiết bằng cồn từ cây gai trên ống nghiệm có tác dụng thúc đẩy quá trình đông máu, trên thí nghiệm cắt đuôi chuột nhắt để xác định thời gian chảy máu, thuốc có tác dụng cầm máu. Trong thí nghiệm lấy máu từ tĩnh mạch sau hố mắt trên chuột nhắt trắng, dạng thuốc trên với liều 0,3ml bằng đường tiên phúc mạc hoặc với liều 0,5ml bằng đường uống có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu. Trên những chó thí nghiệm gây xuất huyết dưới da bằng cách dùng chất cobalt để chiếu xạ thì dạng chế phẩm trên của gai có tác dụng làm giảm hiện tượng xuất huyết một cách rõ rệt

Acid clorogenic có trong dược liệu là một chất ít độc, có tác dụng tăng cường hiệu lực của adrenalin, thông tiểu tiện, kích thích sự bài tiết mật và có khả năng  ức chế tác dụng của pepsin và trypsin. Acid clorogenic còn có tác dụng diệt nấm và kháng khuẩn.

Muối ammonium của acid cafeic được phân giải từ acid clorogenic, trên thỏ thí nghiệm tiên tĩnh mạch với liều lượng 7mg/kg có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu 58%, rút ngắn thời gian máu chảy 52%. Trên chuột nhắt trắng đã dùng cobalt để chiếu xạ, dùng acid cafeic tiêm xoang bụng với liều lượng 14mg/kg, tiêm liên tục trong 2 tuần lễ thì số lượng bạch cầu tăng 76,4% và số lượng tiểu cầu tăng 45,6% Với nồng độ pha loãng: 128 trên ống nghiệm, thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng.

Về độc tính cấp trên chuột nhắt trắng bằng tiêm phúc mạc, thuốc có LD50 = 1583 mg/kg, về độc tính bán man trên thỏ thí nghiệm với liều 14mg/kg tiêm liên tục trong 10 ngày qua kiểm tra thấy các cơ quan tim, gan, thận về mặt công năng và tổ chức học không có biểu hiện gì về biến đổi bệnh lý

6. Tính vị, công năng:

Rễ gai có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng an thai, chỉ huyết (cầm máu), tán ứ, lợi tiểu, lá gai cũng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết (làm mát máu) chỉ huyết, tán ứ.

7. Công dụng:

  1. Rễ gai được dùng làm thuốc chữa động thai, chảy máu, dọa sẩy, đái đục, đái ra máu, sưng tấy. Trong trường hợp dùng làm thuốc an thai, thường phối hợp với các vị thuốc khác theo những công thức sau:
  2. Rễ gai 8 g, mầm cây mía 10g, ích mẫu 6g, hương phụ 4g, sa nhân 4g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống một lần trong ngày.
  3. Rễ gai 8g, cành tía tô 8g, ngải cứu hoặc cam thảo dày 4 g. Sắc nước uống. Nếu thấy ra máu, thêm huyết dụ 10g.
  4. Rễ gai 20g, hoài sơn 20g, thục địa 20g, cành tía tô 12g, tục đoạn 12g, ngải cứu 12g, chỉ xác 8g, sa nhân 6g. Sắc nước uống chia làm 2 lần trong ngày.
  5. Rễ gai 30g, bồ công anh,quả kim anh, lõi cây móc, mỗi vị 12g, sắc nước uống, chữa sa tử cung, tử cung viêm sưng.
  6. Ngoài ra, rễ gai giã nát với rễ vông vang đắp làm cho mụn nhọt chống mưng mủ. Rễ gai sắc uống với rễ cỏ lào, rẻ tía tô, rễ đu đủ ( liều lượng bằng nhau) chữa kiết lỵ, tiêu chảy.
  7. Lá gai dùng riêng hoặc giã đắp với cây cứt lợn có tác dụng cầm máu, làm lành vết thương lá gai phối hợp với lá vông, lạc tiên, rau má, nấu thành cao, pha đường uống, làm thuốc an thần, gây ngủ.
  8. Rễ và lá gai còn là thuốc lợi tiểu, chữa đi tiểu ra máu với liều dùng trung bình 10 – 30g mỗi ngày, sắc nước uống.

Ở Trung Quốc, rễ gai với nhân sâm, hạp phấn, lượng mỗi thứ bằng nhau, nghiền thành bột, mỗi lần uống 2g với cháo gạo, chữa nôn ra máu. Trong xuất huyết đường tiêu hóa, người ta dùng rễ gai che thành dạng cao lỏng (200%), mỗI ngày uống 60 – 90ml, chia làm 3 lần.

Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top