✴️ Vị thuốc từ cây La

Nội dung

Tên tiếng Việt: Ngoi, Cà hôi, Co sà lang (Thái), Toong muốc, La rừng, Phô hức (Tày)

Tên khoa họcSolanum verbascifolium L.

Tên đồng nghĩa: Solanum erianthum Don

Họ: Solanaceae (Cà)

Công dụng: Hắc lào, lòi dom, con tấc chiu vào mũi, đau dạ dày, phong tê thấp, rắn cắn, điều kinh (Lá).

A. Mô tả cây 

  • Cây nhỏ hoặc nhỡ cao 2,5-5m. Toàn cành, lá phủ một lớp lông dày hình sao màu vàng nhạt, hoặc vàng xám. Lá mọc cách, hình thuôn, hai đầu nhọn, mép nguyên, cả hai mặt đều có lông mịn, dày hơn ở mặt dưới, cuống lá dài 2-4cm.
  • Cụm hoa hình xim lưỡng phân hoặc xim ngù, hoa hình chén, phủ đầy lông mềm, tràng hoa màu vàng nhạt, đường kính 0,5-1,3cm, với 6 cánh hoa hình mũi mác, đầu nhọn. Quả nhỏ, hình cầu, đường kính 6mm, hạt rất nhiều có vân mạng đường kính 2mm. 
  • Lá cây khi vò có mùi thơm phảng phất mùi hồng bì. 

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Cây mọc hoang tại khắp các tỉnh miền Bắc như Hà Giang (la, la rừng), Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, ngay tại Hà Nội cũng có. Ưa mọc nơi dãi nắng. 
  • Thường người ta hái lá tươi về dùng. Ngoài ra còn dùng rễ đào quanh năm, thái mỏng phơi hay sấy khô. Có khi dùng cả cây thái mỏng phơi hay sấy khô. 

C. Thành phần hoá học 

Trong cây la có solanin, saponozit, một ít tinh dầu. Vỏ rễ có 0,3% solasodin. Thành phần khác chưa rõ. 

D. Công dụng và liều dùng 

  • Trong nhân dân, lá la tươi chữa lòi dom, hắc lào, sán trâu bò. 
  • Tại các nước khác, lá la được dùng chữa tiểu tiện đục và phụ nữ khí hư. 
  • Tại Malaixia lá tươi giã nát được dùng đắp lên hai bên thái dương chữa nhức đầu (theo Burkill và Haniff, 1930. Gard. Bull. S.S. 6: 226). Trong thú y, lá thái nhỏ cho vào lỗ mũi ngựa chữa bệnh sổ mũi của ngựa. Trong y học nhân dân Malaixia (Medical book of Malayan medicine-Gar. Bull, Str. Sett 6, 130: 335) người ta dùng nước sắc của rễ chống chữa những cơn đau kịch trong người và những rối loạn sau bữa ăn. 

Đơn thuốc có lá la :

  • Đắp lòi dom: Lá tươi ngắt bỏ cuống và gân, giã nát sao nóng dịt vào chỗ lòi dom sau khi đã rửa sạch bằng nước ấm. Có thể để nguyên lá, úp vào dom hay nướng cháy lá, vo lại cho vào hậu môn. Nên làm vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh đi lại. Bệnh nhân bị lòi dom thường khỏi rất nhanh, đi lại bình thường 2-3 năm không thấy tái phát. Có bệnh nhân dom lòi 4-5cm dùng khỏi (Bệnh viện Hà Giang 1966). 
  • Chữa hắc lào: Lá la tươi vò lấy nước, chấm vào vết hắc lào đã rửa sạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top