✴️ Vị thuốc từ cây Cam

Nội dung

Tên tiếng việt: Cam, Cam chua, Toan đăng

Tên khoa họcCitrus sinensis (L.) Osbeck

Họ: Rutaceae (Cam)

Công dụng: Thuốc an thần (Lá, Hoa). Kích thích tiêu hóa, trừ giun, ho long đờm (Vỏ).

1. Mô tả

  • Cây nhỡ, cao vài mét. Thân nhẵn không gai hoặc có ít gai. Cành non hơi có cạnh.
  • Lá mọc so le, phiến dài, hình trái xoan, dài 5-10 cm, rộng 2,5 – 5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên, hơi khía tai bèo ở phần đầu lá, gân lá nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá hơi có cánh.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm nhỏ gồm 6-8 hoa màu trắng; lá bắc hình mũi mác; đài hình dấu, 5 răng tròn dính nhau ở nửa phần dưới; tràng gồm 5 cánh thuôn rời nhau; nhị nhiều, ngắn hơn cánh hoa, dính nhau không đều; bầu hình cầu.
  • Quả hình cầu, khi chín màu vàng da cam, vỏ khó bóc, có nhiều múi chứa tép vị chua, ngọt; hạt hình quả lê.
  • Mùa hoa: tháng 1-2, mùa quả, tháng 10 – 12.

Có nhiều giống cam quý ở Việt Nam:

  • Cam Xã Đoài, thơm, ngon, ngọt. Cam đường, vỏ mỏng, màu vàng đỏ hay đỏ sẫm, dễ bóc gồm cam giấy, cam bù và cam voi (dạng lai giữa cam bù và bưởi).
  • Cam sành, vỏ dày, sần sùi, dễ bóc, ruột đỏ, vị ngọt hơi chua, giống phổ biến là cam Bố Hạ.
  • Cam ở miền Nam, khi chín vỏ quả vẫn xanh.Vỏ của những giống này cũng được dùng như cam chanh với công dụng tương tự.

2. Phân bố, sinh thái

Trong số các loài cây trồng thuộc chi Citrus L, có lẽ cam là cây trồng lâu đời và có phạm vi rộng rãi nhất trên thế giới.

Cam được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới như châu Á, châu Mỹ, châu Phi và cả châu Âu. Là một loại cây ăn quả quan trọng, qua quá trình trồng trọt, người ta đã lai tạo ra nhiều giống cam có chất lượng cao và thích nghi với nhiều vùng trồng khác nhau.

Việt Nam có thể được coi là một trong những trung tâm đa dạng cao với nhiều giống cam bản địa quý như cam Bố Hạ – cam sành ở Bắc Giang, cam bù ở Hà Tĩnh, cam Vinh ở Nghệ An, cam xã Đoài ở Nghi Diên, Nghệ An, cam Bắc Quang ở Hà Giang…

3. Bộ phận dùng

  • Quả, gồm dịch quả và vỏ quả. Hoa và lá.

4. Thành phần hóa học

Dịch quả cam chứa đường, acid, tinh dầu.

  • Tinh dầu gồm alcol ethylic, alcol isoamylic, alcol phenylethylic, aceton, acetaldehyđ, acid formic và ester của các acid formic, acid acetic và acid caprylic, geraniol, terpineol.

Vỏ quả có pectin, flavonoid, tinh dầu, với thành phần là d – limonen (có thể tới 90%), citral, methyl ester của acid antranilic.

  • Theo Lee Yuung Chang (CA. 111, 201452h), quả có umbeliferon, naringin, hesperidin, neohesperidin.
  • Tài liệu khác cho biết quả có poncirin, naringin, citrifoliosid, citrifoliol – 1 – isosakuranetin, neohesperidin, poncimarin, isoponcimarin.Hạt có dầu béo, coumarin, limonin.

Dầu béo chứa acid palmitic, acid stearic, acid oleic, β – sitosterol. Các coumarin bao gồm imperatorin, bergapten, aurapten, 7 – geranyl oxycoumarin, 6 – methoxyaurapten, deacetylnomilin, xanthotoxol, aloimperatorin, isopimpinelin, prangenin, prangeniil hydrat.

Hoa cam chứa tinh dầu trong đó có nhiều thành phần tan trong nước, acid phenylacetic và methyl antranilat.

5. Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn: Tinh dầu vỏ quả và tinh dầu hoa cam có tác dụng kháng khuẩn mạnh trên Bacillus subtilis, B. mycoides, Salmonella typhi. Shigella dysertterìae, Sh. flexneri, Escherichia coli, trong đó tinh dầu hoa có tác dụng bằng hoặc hơi kém hơn tinh dầu vỏ quả; có tác dụng vừa trên Klebsiella, Candida albicans, Mycobacterium tuberculosis và tác đụng yếu trên B. pyocyaneus. Nồng độ tối thiểu ức chế được đối với các vi khuẩn nhạy cảm là 1: 1280.Cao vỏ cam chiết bằng cách ngấm kiệt với cồn có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn thông thường. Mức độ tác dụng có kém tinh dầu.

Tác dụng diệt côn trùng:Tinh dầu cam và dịch chiết cồn vỏ cam tươi độc với côn trùng, nhưng vỏ cam đã khô không có tác dụng.  Tinh dầu cam có tác dụng diệt côn trùng mạnh hơn tinh dầu chanh và tinh dầu quít hôi.

6. Tính vị, công năng

  • Quả cam vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, thanh nhiệt, tiêu đờm và lợi tiểu.
  • Vỏ cây cam có vị ngọt, hơi the, tính mát, có tác dụng hạ khí đầy, điều hòa tỳ vị.

7. Công dụng

  • Lá cam: nước hãm để bổ dạ dầy (kiện vị), chữa sốt, khó tiêu, nôn.
  • Dịch lá non chữa tai chẩy nước vàng, hoặc chảy ra máu, mủ.
  • Hoa: nước hãm uống để dịu thần kinh, nước cất từ hoa bão hòa tinh dầu gọi là nước cất hoa cam dùng để pha chế thuốc theo đơn.
  • Vỏ quả cam: nước hãm kích thích ăn ngon miệng, và tiêu hóa tốt làm dịu đau dạ dày, đầy bụng, ợ chua. Vỏ quả tươi sát vào da mặt để chữa mụn trứng cá.
  • Nước sắc uống để kích thích tiết mật, tăng nhu động ruột, chống táo bón, lợi trung tiện.
  • Dịch quả: giải nhiệt, trị sốt, cảm cúm, ho.

Ở Ấn Độ, dịch quả được dùng cho người bị đau mật, tiêu chảy ra mật và để khử độc. Chỉ ăn toàn cam trong 3 ngày có tác dụng như uống một liều thuốc tẩy độc cơ thể.

Bài thuốc có cam: Chữa phù sau khi đẻ:  Vỏ thân cây cam dùng riêng, hoặc phối hợp với vỏ thân cây bưởi và vỏ thân cây chân chim, mỗi vị 12g sắc uống trong ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top