✴️ Vị thuốc từ Bọ ngựa

Nội dung

Tên tiếng việt: Bọ ngựa, Ngựa trời

Tên khoa học: Mantis religiosa L.

Họ: Bọ ngựa (Mantidae)

Công dụng: Cả con bọ ngựa được dùng chữa viêm họng, trĩ, kinh phong. Ngày uống 6 - 12 g được liệu đã chế biến. Có thể dùng ngoài, lấy bột thổi vào họng hoặc đắp.

1.Mô tả

  • Loài côn trùng cỡ lớn, có cơ thể thuôn dài khoảng 8 cm, màu xanh lục nhạt, đôi khi màu vàng – nâu. Đầu hình tam giác, thường chúc xuống, cổ dài quay các phía dễ dàng, đôi râu ở giữa đỉnh đầu hình chỉ, mắt to lồi, miệng thuôn tù. Lưng gồ nhọn, có cạnh. Ngực thon dài, gấp khúc được. Bụng có nhiều đốt, xếp đều đặn. Đôi chân trước to, khỏe, dạng càng như lưỡi kiếm, mép trong có một hàng răng nhọn sắc, hai đôi chân sau mảnh như những cái que. Hai cánh trên dày, hai cánh dưới mòng dạng màng, đầu cánh có màu nâu nhạt. Con đực thường nhỏ hơn con cái. Nhiều loại bọ ngựa thuộc các chi khác nhau như Tenodera, Paratenodera, Hierodula cũng được dùng. 

2.Phân bố, sinh thái

  • Bọ ngựa sống ở bờ bụi, lùm cây, thích nghi với môi trường ẩm và sáng, thường thấy ở khắp nơi vùng nhiệt đới và ôn đới. Nó hoạt động rất linh hoạt, ẩn mình ngụy trang lẫn với lá cây rất khó phát hiện. Thức ăn chính của bọ ngựa là các loại côn trùng nhỏ, nhất là rệp cây; khi cần chúng có thể ăn thịt lẫn nhau. Đẻ trứng vào mùa hè thu, trứng dính với nhau thành ổ đính vào cành cây. Khoảng 3 – 4 tháng sau, trứng nở thành ấu trùng và sau 4 lần lột xác, ấu trùng phát triển đến dạng trưởng thành. Ở các vùng nhiệt đới, còn có một loài bọ ngựa có một đốt mang màu tím nhạt ở đôi chân trước. Khi bọ ngựa cần bắt mồi, nó giơ hai chân trước lên để lộ ra mẩu đốt màu tím trông như bông hoa đang nở, sẽ thu hút các loài côn trùng nhỏ lầm tưởng đó là những cánh hoa mà bay đến hút mật. Lúc này, đôi chân to khỏe và đầy răng nhọn của bọ ngựa chỉ việc quặp chặt là con mồi hết đường thoát. Còn việc bọ ngựa cái ăn thịt con đực trong khi giao phối, đã có một số công trình nghiên cứu của các nhà côn trùng học chứng minh sở dĩ có hiện tượng này là do trước khi giao phối, con cái đang trong tình trạng “đói meo” nên phải xử lý đối thủ của mình.

3.Bộ phận dùng

  • Cả con bọ ngựa, tên thuốc trong y học cổ truyền là đường lang, bắt về, vặt bỏ đầu, chân, cánh và ruột, đem rang vàng cho có mùi thơm, rồi tán bột.
  • Tổ bọ ngựa (bao trứng, phiêu tiêu) tên nước ngoài là Egg capsule of mantis (Anh), nid de mante religieuse (Pháp).
  • Thường dùng tổ đính trên cây dâu tằm với tên gọi dân dã là ổ cào cào đeo dâu, tên thuốc là tang phiêu tiêu. Tổ có hình cầu tròn hoặc hình trứng hơi dài, dẹt ở phía trên, đầu múp bẹt có lỗ và mỏ nhỏ nhọn, dài 2 – 5cm, rộng 1-3 cm, màu nâu vàng đến nâu sẫm, mặt ngoài có nhiêu nếp xếp ngang tương ứng với những ngăn hẹp bên trong chứa đầy trứng, mặt đính vào cành cây phẳng hoặc hơi lõm thành máng. Thể nhẹ, chất dai, chắc, mặt cắt ngang có nhiêu ô xếp thành tia, chứa trứng màu nâu vàng. Tổ được thu hoạch vào tháng 10 – 1, lấy về đem đồ khoảng nửa giờ cho chín trứng bên trong, rồi nướng vàng hoặc sao giòn, tán bột, rây mịn.
  • Có tài liệu còn nói có thể sao với rượu, giấm hoặc đốt tồn tính. Dược liệu có chất nhẹ xốp, màu vàng, còn trứng và không lẫn tạp chất là loại tốt.

4.Thành phần hóa học

  • Tổ bọ ngựa có protid, lipid, Ca và sắt.

5.Tính vị, công năng

  • Theo các tài liệu cổ, tổ bọ ngựa có vị ngọt, mặn, hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, ích tinh

6.Công dụng

  • Cả con bọ ngựa được dùng chữa viêm họng, trĩ, kinh phong. Ngày uống 6 – 12 g được liệu đã chế biến. Có thể dùng ngoài, lấy bột thổi vào họng hoặc đắp.
  • Tổ bọ ngựa chữa mồ hôi trộm, đái nhiều lần nhất là về đêm, di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, đau lưng, khí hư, trẻ em đái dầm, người cao tuổi đái són, kinh bế. Liều dùng hàng ngày: 6 – 8 g. Dùng riêng hoặc phối hợp với ích trí nhân với lượng bằng nhau. Dùng ngoài, tổ bọ ngựa đốt tồn tính, tán bột, trộn với đầu để bôi chữa mụn nổi có mủ ở trẻ em.

7.Bài thuốc có bọ ngựa

  • Thuốc bổ thận chữa đau lưng, đái són: Tổ bọ ngựa cây dâu (30 g), ba kích (30 g), thạch hộc (20 g), đỗ trọng (20 g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tán, rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên 6 g. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 viên với ít rượu hâm nóng. Hoặc tổ bọ ngựa cây dâu (10 g), kim anh (10 g), liên tu (10 g), sơn dược (12 g), sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Thuốc rất tốt cho người cao tuổi.
  • Chữa xuất huyết ở dạ dày, phổi: Tổ bọ ngựa sao vàng, tán bột; bạch cập (15 g) sắc lấy 100 ml. Ngày 3 lần, mỗi lần 3 g tổ bọ ngựa uống với nước bạch cập.
  • Chữa hóc xương cá: Tổ bọ ngựa cây dâu (30 g) giã nhỏ, sắc với giấm uống (Tài liệu nước ngoài).
  • Chữa đái dầm: Tổ bọ ngựa (12 g), đẳng sâm (12 g), phá cố chỉ (12 g), ích trí nhân (8 g), thỏ ty tử (8 g), ba kích (8 g) sắc uống.
  • Chữa bạch đới, khí hư: Tổ bọ ngựa cây dâu tẩm rượu, sao khô, tán nhỏ, mỗi lần uống 8 g với nước gừng.
  • Chữa mẩn ngứa: . Cả con bọ ngựa sấy khô, tán bột, rắc xoa. (Kinh nghiệm của các thổ dân Costa Rica). .

 

Ghi chú: Nhiều nước đã xếp bọ ngựa vào loại côn trùng hiếm, cần được bảo vệ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top