ĐẠI CƯƠNG
Khái niệm:
Xoa bóp bấm huyệt là một thủ thuật chữa bệnh không dùng thuốc có từ lâu đời trong YHCT dân tộc, thủ thuật đơn giản, tiện sử dụng lại có hiệu quả trong điều trị và dự phòng bệnh tật. Khác với môn vật lý trị liệu của YHHĐ, thủ thuật xoa bấm dựa trên cơ sở biện chứng luận trị theo y lý YHCT.
Tác dụng:
Tác dụng của xoa bấm theo YHHĐ chủ yếu là những kích thích cơ học trên các thụ cảm thể thần kinh, điều chỉnh thần kinh thực vật và thần kinh trung ương thông qua đường thần kinh, thần kinh thể dịch, làm giãn mạch, tăng tuần hoàn ở da và cơ, giải phóng sự co cơ, giảm đau khớp, đau cơ, đau thần kinh và các cơn đau nội tạng.
Tác dụng của xoa bấm theo YHCT lại theo cơ chế: xoa bấm làm thông kinh hoạt lạc, tăng cường lưu thông kinh khí, tăng hoạt huyết tiêu ứ trệ, điều chỉnh chức năng tạng phủ kinh lạc, điều hòa âm dương.
Chỉ định và chống chỉ định:
Chỉ định của xoa bấm: thường được áp dụng rộng rãi trên lâm sàng nội và ngoại khoa: co cơ cấp tính trong luyện tập, hội chứng cổ -vai- cánh tay, hội chứng thắt lưng- hông, đau do co thắt dạ dày, đại tràng, rối loạn thần kinh chức năng các thể, liệt thần kinh trung ương và ngoại vi ... gần đây còn được chỉ định rộng rãi trong SNTK, đái tháo nhạt, tiểu đường và bệnh béo phì.
Chống chỉ định xoa bấm: những bệnh thuộc cấp cứu ngoại kho a, bệnh ưa chảy máu, truyền nhiễm, nhiễm trùng, bệnh ngoài da nặng. Không làm thủ thuật xoa bấm tại vùng da đang viêm nhiễm. Thận trọng khi phụ nữ có thai và người già có bệnh tim mạch nặng.
Thủ thuật bổ tả: tùy theo trạng thái cơ thể hư hay thực, tuỳ theo vị trí bị bệnh của bệnh nhân mà linh hoạt áp dụng thủ thuật bổ hay tả. Thông thường xoa bấm nhẹ, đều, chậm thuộc bổ; nặng, nhanh, không đều thuộc tả.
NHỮNG THỦ THUẬT XOA BẤM CƠ BẢN
Xát: cả bàn tay, ô mô cái hoặc ô mô út trượt ấn nhẹ theo đường thẳng trên da người bệnh.
Xoa: bàn tay nghiêng, đặt ô mô cái hoặc ô mô út lên da bệnh nhân xoa tròn, tập trung khu trú vùng đau.
Day: dùng ô mô cái hoặc ô mô ngón út, cổ tay mềm mại ấn mạnh đẩy tiến đẩy lùi nhanh trên da người bệnh, da bệnh nhân rung theo tay thày thuốc.
Gõ: dùng các đầu ngón tay gõ trên da bệnh nhân. Có các thủ thuật: gõ đều, gõ đơn, gõ kép, gõ đồng pha, gõ lệch pha.
Cào: các đầu ngón tay cào trên mặt da (móng tay không chạm da) là động tác xát trên diện hẹp.
Vuốt: dùng vân các ngón tay vuốt nhẹ nhàng, chậm đều trên da bệnh nhân.
Ấn: dùng vân ngón cái, ô mô út, ô mô cái hoặc cổ tay gập, cổ tay duỗi ấn vào huyệt vị hoặc vùng đau, cường độ tăng dần từ nông đến sâu.
Miết: dùng vân ngón tay cái miết chặt vào da người bệnh theo đường thẳng lên xuống hoặc sang bên. Tay thầy thuốc di động, trượt lên da bệnh nhân ấn sâu và kéo căng da người bệnh. Thủ thuật này dùng được ở toàn thân; hay dùng ở đầu, vai, lưng, bụng. Có hai loại miết: miết đơn và miết kép tùy theo mục đích điều trị.
Phân: dùng các ngón tay hoặc ô mô ngón út, vân ngón 1 của 2 tay, từ cùng một chỗ tẽ ra hai bên theo hướng ngược nhau. Tay thầy thuốc có thể dính vào hoặc trượt trên da người bệnh. Thường dùng ở đầu, mặt, bụng, ngực, lưng.
Hợp: dùng vân các ngón tay hoặc ô mô ngón tay út, vân ngón 1 của hai tay thầy thuốc từ hai phía khác nhau đi ngược chiều và cùng đến 1 nơi trên da bệnh nhân. Thường dùng ở đầu, mặt, bụng, ngực, lưng.
Cuộn: dùng đốt 2 ngón tay cái, đốt 3 ngón trỏ và ngón giữa kẹp, kéo da người bệnh lên, ngón cái đẩy ngón 2 và 3 kéo liên tiếp làm cho da luôn bị cuộn ở giữa các ngón tay thầy thuốc.Thường dùng ở bụng, trán, lưng.
Bấm: dùng đầu ngón tay cái hoặc khuỷu tay ấn hoặc điểm tác động thẳng góc với mặt da có thể dùng đốt 1 và 2 ngón cái vuông góc để bấm vào vị trí cần tác động. Là động tác chính của bấm huyệt, là thủ thuật tả. Gồm có: bấm đơn, bấm kép, bấm bật, bấm móc.
Điểm: dùng đầu ngón tay cái (các đốt thẳng có thể hỗ trợ cho cứng ngón cái bằng cách nắm tay kẹp ngón cái chặt vào đốt 1 - 2 ngón trỏ) hoặc dùng đầu khớp đốt 1 và 2 ngón trỏ hoặc giữa hoặc khuỷu tay, dùng sức ấn thẳng góc vào huyệt hoặc vị trí cần tác động, thường dùng ở mông, lưng, thắt lưng, tứ chi.
Bóp: dùng các ngón tay cái và các ngón tay kia bóp cơ hoặc gân nơi bệnh lý. Có thể bóp bằng 2, 3, 4 hoặc cả 5 ngón tay. Vừa bóp vừa hơi kéo da.
cơ của bệnh nhân lên, không để gân cơ trượt dưới tay, dùng đốt thứ 3 của các ngón để bóp, không nên dùng đầu ngón.
Đấm: nắm tay tự nhiên dùng mô út đấm vào chỗ bị bệnh, thường dùng ở chỗ nhiều cơ; tần số, cường độ tùy yêu cầu điều trị. Có thể đấm đơn, đấm kép, đấm đồng pha, đấm lệch pha, đấm giảm xung, đấm nhấn.
Chặt: dùng ô mô út hoặc cạnh ngoài ngón 3 chặt vào da người bệnh, cường độ chặt tùy theo từng vùng của cơ thể, có thể chặt được khắp toàn thân (trừ vùng hẹp).
Giật: dùng ngón cái, đốt 2, 3 của ngón trỏ kẹp chặt vào da, tóc người bệnh kéo lên đột ngột, thường phát ra tiếng kêu là tốt, áp dụng ở vùng xương sát da, tổ chức liên kết lỏng lẻo: cột sống, trán, trước trong xương chày, tai, đầu, khớp cổ chân…
Véo: dùng ngón cái, đốt 2, 3 của ngón trỏ kẹp da người bệnh kéo lên và hơi xoắn nhẹ (không kẹp cơ) . Áp dụng cho toàn thân.
Rung: dùng một tay nắm ngọn, một tay cố định gốc chi hoặc dùng 2 tay nắm ngọn chi người bệnh hơi dùng sức vừa kéo ra, vừa rung theo biên độ nhỏ, nhanh, có thể di chuyển theo các hướng chức năng của chi thể. áp dụng cho ở tứ chi, đặc biệt hay dùng với khớp vai.
Bẻ: dùng 2 bàn tay, hai khuỷu tay phối hợp tay chân, hoặc ngón 1 và ngón 2 của thầy thuốc bẻ, vặn các khớp (phát ra tiếng kêu là tốt), thường áp dụng làm thủ thuật này ở cổ và thắt lưng, ngón tay.
Vận động: một tay cố định phía trên khớp cần vận động, tay kia vận động đầu chi của khớp theo chức năng sinh lý của khớp, chú ý luôn phải kéo dãn khớp. Thường áp dụng các động tác: xoay tròn, mở khớp, gập, duỗi tối đa, bửa khớp. áp dụng cho khớp vai, cổ, cổ chân, cổ tay, khớp háng…
MỘT SỐ ĐỘNG TÁC ÁP DỤNG CHO NGƯỜI BỆNH TUỔI TRẺ
Đứng thẳng người, hai bàn tay bằng vai hai tay xuôi, từ từ giơ hai tay lên cao đưa hết sức ra sau, mắt nhìn theo tay, ưỡn lưng tối đa.
Đứng thẳng người, hai bàn chân bằng vai, từ từ cúi đưa 2 ngón tay giữa chạm ngón chân cái, đầu gối vẫn thẳng.
Đứng thẳng người, hai bàn chân bằng vai, hai tay chống trên xương chậu. Lần lượt giơ từng tay đánh mạnh lên đầu qua bên đối diện.
Đứng thẳng người, hai chân thẳng, đầu gối khuỷu tay luôn luôn thẳng, gập lưng, chân nọ tay kia chạm nhau ở phần đầu chi rồi hất ngược thật mạnh ra phía sau, lần lượt đổi bên.
Đứng thẳng người, hai bàn chân bằng vai, khớp khuỷu thẳng, quay cánh tay vòng tròn, có đảo chiều, quay theo chiều ngược lại, có thể quay một bên, dùng bàn tay đối diện giữ chỏm vai rồi đổi bên.
Đứng thẳng người, hai tay bắt chéo sau lưng, quay cổ hết cỡ ra trước, sang bên và ra sau theo hai chiều thuận và ngược lại.
Hai bàn tay đan các ngón và bắt chặt vào nhau, xoay cổ tay vòng tròn theo hai chiều thuận và ngược lại, gấp cổ tay nọ thì duỗi hết mức cổ tay kia và ngược lại.
Đứng thẳng người, hai bàn chân bằng vai, hai tay chống thành trên xương chậu, đánh xương chậu lần lượt ra sau sang bên ra trước, làm hết mức, theo cả hai chiều thuận và ngược lại.
Đứng thẳng người, trùng một chân, xoay khớp cổ chân.
Hai bàn chân chụm nhau, hai bàn tay chụp lấy hai xương Bánh chè, đảo khớp gối theo vòng tròn.
Động tác áp dụng cho bệnh nhân tuổi cao (luyện ở tư thế tĩnh). (không trình bày ở phần này).
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI LÀM THỦ THUẬT XOA BÓP BẤM HUYỆT
Chuẩn bị buồng thủ thuật:
Rộng, thoáng, nhiệt độ điều hòa, vừa đủ sáng, có chỗ tập bổ trợ cho bệnh nhân.
Có giường cứng (cao 0,6m), ghế tựa.
Bàn dụng cụ: khay cồn xoa bóp, bột tan, ống xoa bóp, khăn lau… có ghế chờ cho bệnh nhân.
Chuẩn bị bệnh nhân:
Bệnh nhân được vệ sinh da cơ thể sạch sẽ, ở tư thế thuận lợi để thao tác các thủ thuật, không thao tác trong lúc quá đói hoặc quá no.
Thầy thuốc:
Khám xét kỹ, xác định chẩn đoán.
Dự kiến số bệnh nhân cần xoa bấm, chuẩn bị sức hợp lý.
Có sổ thống kê, theo dõi và tự đánh giá kết quả hoặc phải chuyển phương pháp kịp thời.
Thời gian xoa bóp bấm huyệt: tuỳ thuộc vào chỉ định xoa bấm và trạng thái cơ thể của bệnh nhân, cần tự đánh giá kết quả sau mỗi lần bấm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh