✴️ Câu hỏi và trả lời về đột quỵ não

Nội dung

1.  Đột quỵ là gì? 

Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu bị vỡ hoặc thông thường nhất vẫn là hình thành sự tắc nghẽn trong mạch máu. Nếu không được điều trị sớm, các tế bào não sẽ bắt đầu nhanh chóng chết đi. Kết quả là bệnh nhân có thể tàn tật hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong. Nếu bạn phát hiện người nhà bị đột quỵ, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ y tế, đừng bao giờ trì hoãn.

 

2. Các triệu chứng của đột quỵ là gì? 

– Đột ngột tê liệt hoặc yếu đi 1 bên của cơ thể (trái hoặc phải).
– Đột ngột mất thị lực ở một hoặc cả 2 mắt và khó nuốt.
– Đột ngột nhức đầu dữ dội với nguyên nhân không rõ.
– Chóng mặt và mất thăng bằng đột ngột.
– Nhầm lẫn một cách đột ngột, khó khăn trong việc nói và hiểu. (rối loạn ngôn ngữ)
Lập tức gọi 115 hoặc người nhà đưa người thân đến cơ sở y tế nếu nhận thấy họ có các triệu chứng nêu trên.

 

3. Thử nghiệm nào để kiểm tra các đối tượng có nguy cơ đột quỵ?

Thử nghiệm FAST (NHANH CHÓNG) sẽ là 1 bài kiểm tra giúp phát hiện các triệu chứng đột quỵ ở người thân của bạn:
– Khuôn mặt (Face): Yêu cầu 1 nụ cười. Để kiểm tra xem có xệ 1 bên mặt khi cố gắng mỉm cười không?
– Cánh tay (Arms): Yêu cầu giơ cả 2 tay lên, kiểm tra xem có hiện tượng 1 tay thấp không?
– Lời nói (Speech): Yêu cầu nói và lặp lại một vài câu đơn giản xem có được không? Quan sát xem có hiện tượng nói lắp hoặc nói khó hiểu không?
– Thời gian (Time): Thời gian rất quan trọng. Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian của họ được tính bằng giây. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên hãy liên hệ 115 hoặc người nhà đưa họ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

 

4. Trong đột quỵ: Tại sao thời gian = tổn thương não? 

Đối với đột quỵ, thời gian của họ rất quý giá – tính bằng giây. Khi mạch máu bị tắc nghẽn, máu sẽ không đến được nơi bị tắc nghẽn (máu vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng), các tế bào sẽ bị ngưng cấp dưỡng và chết dần sau vài phút. Có một số loại thuốc tiêu huyết khối được dùng với vai trò hạn chế tổn thương não, nhưng chúng cần được dùng trong vòng 3h – 4,5h ở một số người – sau khi họ biểu hiện các triệu chứng ban đầu và nguyên nhân là do máu đông gây tắc mạch máu não. Một khi các mô ở não bắt đầu hoại tử, các bộ phận cơ thể do các mô này quản lý sẽ hoạt động không tốt. Đây là lý do tại sao nói đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật lâu dài.

 

5. Chẩn đoán đột quỵ như thế nào?

Khi một người có các triệu chứng đột quỵ được đưa đến phòng cấp cứu (Emergency Room – ER), bước đầu tiên là xác định xem người đó đang xảy ra loại đột quỵ nào. Có 2 loại đột quỵ chính và việc điều trị là hoàn toàn khác nhau ở 2 loại này. Chụp CT sẽ giúp bác sĩ xác định xem nguyên nhân đột quỵ là do tắc mạch máu hay là do xuất huyết mạch máu. Các xét nghiệm bổ sung cũng có thể cần thiết để xác định vị trí cục máu đông gây tắc nghẽn hoặc xác định vị trí xuất huyết não ở bệnh nhân.

 

6.  Đột quỵ thiếu máu cục bộ là gì? 

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất. 10 trường hợp đột quỵ thì có 9 trường hợp là đột quỵ thiếu máu cục bộ. Thủ phạm là một cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu bên trong não. Cục máu đông này có thể hình thành ngay ở não hoặc di chuyển trong mạch máu từ nơi khác đến não.

 

7.  Đột quỵ xuất huyết não là gì?

Đột quỵ xuất huyết não thường ít gặp hơn nhưng khả năng gây tử vong cao hơn. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não suy yếu đi và vỡ ra. Hậu quả là bệnh nhân sẽ xuất huyết bên trong não và rất khó để ngăn chặn.

 

8.  Đột quỵ thoáng qua (TIA – Transient Ischemic Attack) là gì?

Thiếu máu cục bộ tạm thời còn được gọi là ” đột quỵ nhẹ- đột quỵ thoáng qua”, có thể xem đây là thoát chết trong gang tấc.
Lưu lượng máu chảy đến một bộ phận não bị giảm đi tạm thời, gây ra các triệu chứng như một cơn đột quỵ thật sự. Khi lưu lượng máu được cung cấp đầy đủ lại bình thường, các triệu chứng mất đi. TIA là dấu hiệu cảnh báo rằng đột quỵ thật sự sẽ đến rất sớm trong tương lai. Điều quan trọng là bạn cần đến ngay bác sĩ và bệnh khi phát hiện mình có đột quỵ thoáng qua, để có các phương pháp điều trị nhằm làm giảm nguy cơ đột quỵ.

 

9.  Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ? 

Xơ vữa động mạch – xơ cứng động mạch là nguyên nhân phổ biến gây ra đột quỵ. Chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác tích tụ thành các mảng và bám vào thành động mạch, từ đó làm cản trở sự lưu thông của máu. Cục máu đông nằm trong khoảng không gian hẹp của mạch máu và gây ra sự tắc nghẽn khi cản trở máu lưu thông, kết quả là dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ. Xơ vữa động mạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc dễ dàng hình thành cục máu đông. Đột quỵ xuất huyết não thường là do huyết áp cao không kiểm soát khiến động mạch bị suy yếu và vỡ ra.

 

10. Điều trị khẩn cấp trong đột quỵ như thế nào? 

Đối với tình trạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ, điều trị khẩn cấp tập trung vào dùng thuốc để phục hồi lưu lượng máu. Một loại thuốc tiêu huyết khối mang lại hiệu quả cao trong việc làm tan cục máu đông và làm giảm tổn thương lâu dài cho bệnh nhân, việc dùng các thuốc tiêu huyết khối phải càng nhanh càng tốt, thuốc phải được dùng trong vòng 3h sau khi bắt đầu các triệu chứng và chậm nhất 4,5h. Đột quỵ xuất huyết ra khó điều trị hơn, bác sĩ cần phải cố gắng kiểm soát huyết áp bệnh nhân, làm ngưng xuất huyết và phù não.

 

11. Tổn thương lâu dài do đột quỵ gây ra? 

Tuy đột quỵ gây ra các tổn thương lâu dài hay không thì phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị như thế nào để làm ổn định não nhanh chóng. Loại tổn thương do đột quỵ gây ra phụ thuộc vào vùng não nơi đột quỵ xảy ra. Các tổn thương do đột quỵ ra thường gặp là tê và/hoặc yếu ở cánh tay, chân; khó đi lại; các vấn đề liên quan đến thị lực và khó nuốt; các vấn đề liên quan đến rối loạn ngôn như như lời nói hoặc khó hiểu được lời người khác nói. Các tổn thương này có thể vĩnh viễn nhưng cũng đã có nhiều người phục hồi lại những khả năng của mình.

 

12. Phòng chống đột quỵ bằng thay đổi lối sống như thế nào?

Những người bị đột quỵ hoặc đột quỵ thoáng qua (TIA – Transient Ischemic Attack) có thể thực hiện các biện pháp này để ngăn ngừa tái phát:
– Bỏ hút thuốc lá.
– Tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
– Hạn chế uống rượu, bia và lượng muối hấp thu vào cơ thể.
– Có một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau, cá và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

 

13. Cuộc sống sau đột quỵ như thế nào?

Nhiều bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi lại khả năng tự chăm sóc bản thân. Những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối sớm và kịp thời, họ có thể khôi phục hoàn toàn. Những bệnh nhân có các thương tổn dẫn đến tình trạng khuyết tật có thể học cách hoạt động độc lập thông qua các liệu pháp. Tất cả các bệnh nhân đột quỵ lần thứ nhất sẽ trải qua một cơn đột quỵ lần thứ hai, tỷ lệ này chiếm khoảng từ 3%-4%.

 

14. Phục hồi sau đột quỵ bằng vật lý trị liệu.

Các vấn đề liên quan đến thăng bằng và yếu cơ rất phổ biến sau đột quỵ. Mất thăng bằng và yếu cơ gây cản trở trong việc đi đứng và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Vật lý trị liệu là một cách hiệu quả để lấy lại sức mạnh, cân bằng và sự phối hợp. Đối với các hoạt động yêu cầu kỹ năng chính xác, như sử dụng dao và nĩa, viết và cài khuy ( cài nút) áo thì liệu pháp lao động có thể giúp ích.

 

Nguồn: https://www.webmd.com/stroke/ss/slideshow-stroke-overview

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top