✴️ Sán dây lợn - Taenia solium

Nội dung

Bệnh sán dây lợn phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những nơi có tập tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín, quản lí và xử lí phân chưa tốt, chưa có chế độ kiểm tra thực phẩm chặt chẽ. 

Những người theo đạo Hồi giáo, Do thái giáo, không có tập tục ăn thịt lợn sống nên không mắc bệnh này. Trước đây người ta quan niệm người bị bệnh sán dây lợn chỉ nhiễm đơn độc một sán, nay thấy có thể nhiễm 2 - 5 sán, cá biệt có người nhiễm 17 sán. 

Có khoảng 10% bệnh nhân sán dây lợn nhiễm từ 2 sán trở lên. Ở Việt Nam, bệnh sán dây lợn khá phổ biến.

 

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ

Sán trưởng thành:

Sán dây lợn dài từ 2 - 3 m (có thể dài 8 m), thường có 300 - 900 đốt. Đầu nhỏ hơi tròn, đường kính khoảng 1 mm, có bộ phận nhô lên ở giữa với hai vòng móc, có khoảng 22 - 32 móc, thường thấy 26 - 28 móc. Có 4 giác tròn ở bốn góc. 

Hình 12.1: Đầu sán dây T.solium

Hình 12.2: Sán dây T.solium trưởng thành

Đốt cổ mảnh, dài 5 - 10 mm. 

Đốt thân non: Bề ngang dài hơn bề dọc, đốt trưởng thành hình vuông, đốt già bề ngang nhỏ hơn bề dọc.

Lỗ sinh mở ra bên cạnh đốt, khi ở bên phải, khi ở bên trái xen kẽ tương đối đều. Đốt già tử cung chia nhánh ngang: 6 - 8 - 12 nhánh chứa đầy trứng.

Hình 12.3: Đốt sán dây  T.solium

Hình 12.4: Trứng sán dây T.solium

Trứng:

Có hình cầu, có ấu trùng bên trong, có 3 đôi móc. Lớp ngoài của vỏ trứng rất mỏng và khi ra bên ngoài bị vỡ ngay, lớp vỏ sát ngay ấu trùng rất dày, có khía ngang như nan hoa. Kích thước của trứng từ 31- 56 µm. 

Một đốt sán có tới 55.000 trứng. Những đốt già ở cuối thân thường rụng thành từng đoạn 5 - 6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài.

Nang ấu trùng sán dây lợn:

Nang có màu trắng đục, kích thước 17 - 20 x 7 - 10 mm. Nang chứa nước và có một đầu sán cùng với đốt cổ lộn vào bên trong, đầu có 4 giác và 2 vòng móc.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image184.jpg

Hình 12.5: Nang ấu trùng sán dây lợn T.solium    

 

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC   

Người là vật chủ chính:                                 

Sán trưởng thành kí sinh ở ruột non của người, đầu bám vào màng nhầy ruột nhờ 4 giác và những hàng móc. Đốt già thường rụng từng đoạn 5 - 6 đốt theo phân ra ngoại cảnh. Vật chủ phụ là lợn. Lợn ăn phải đốt sán, hoặc trứng sán từ đốt sán vỡ ra. Trứng sán qua dạ dày đến ruột non. Ấu trùng thoát ra chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn đi khắp cơ thể.  Sau 24 - 72 giờ kể từ khi ăn phải, ấu trùng vào cư trú ở mô liên kết giữa các cơ, ở đây sau hai tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài, có kích thước 17 - 20 ´ 7 - 10 mm. Còn được gọi là “gạo lợn” (cysticercus cellulosae). Trong nang có dịch màu trắng, có một đầu sán với 4 giác 2 vòng móc. Ngoài lợn ra, các loài lợn  rừng, chó, mèo, hoặc người đều có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn. 

Người ăn phải thịt lợn chứa nang ấu trùng “ lợn gạo” còn sống, dưới tác dụng của dịch tá tràng, đầu sán thoát ra khỏi nang bám vào niêm mạc ruột, lớn lên phát triển thành sán trưởng thành khoảng 67 - 72 ngày sau sán đã có những đốt già. Sán trưởng thành có thể sống tới 25 năm. Trường hợp này người là vật chủ chính của sán dây lợn (hình 12.6).

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image185.png

Hình 12.6: Vòng đời sinh học của sán dây T.solium

Người là vật chủ phụ:

Người còn có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn (trong trường hợp người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh theo thực phẩm, rau quả sống) theo đường tiêu hoá, dưới tác dụng của dịch tiêu hoá, ấu trùng thoát ra khỏi nang, xuyên qua thành ruột lại vào vòng tuần hoàn tiếp tục chu du khắp cơ thể rồi cuối cùng đến cư trú tại các tổ chức liên kết. 

Ở đây ấu trùng không thể tiếp tục phát triển thành thể trưởng thành được mà tạo thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae). Người có nang ấu trùng sán còn gọi là “người gạo”. Tuy nhiên trường hợp này ít có khả năng xảy ra.

Người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn:

Thường gặp hơn, mức độ nặng hơn, nguy hiểm hơn là trường hợp người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh. Những người mắc sán trưởng thành kí sinh ở ruột non (người là vật chủ chính), vì một lí do nào đấy như say tàu, say xe, say sóng, phụ nữ có thai, sốt cao… bị nôn oẹ, những đốt sán già rụng ra ở ruột non theo nhu động ngược chiều lên dạ dày, dưới tác dụng của dịch tiêu hoá, trứng từ  các đốt sán già được giải phóng ra. Khi xuống tá tràng, ấu trùng trong trứng thoát ra, chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn theo các mạch máu đi khắp cơ thể, rồi lại vào các cơ, các mô khác và phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae) như trên (người là vật chủ phụ).

 

VAI TRÒ Y HỌC

Bệnh sán trưởng thành:

Người mắc sán trưởng thành không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng tùy sự phản ứng của cơ thể: Có thể thấy đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, đi lỏng từng đợt, có thể chán ăn, ăn không ngon, hoặc ngược lại có khi đói cồn cào, ăn nhiều, sút cân.

Những triệu chứng thường biểu hiện rõ khi sán ở giai đoạn đang trưởng thành. Khi bắt đầu xuất hiện rụng các đốt sán già theo phân thì biểu hiện lâm sàng giảm đi.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (Cysticercosis):

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image189.jpg

Hình 12.8: Nang ấu trùng trong cơ

Nang ấu trùng sán dây lợn:

(Cysticercus) có thể thấy bất cứ nơi nào trong cơ thể vật chủ. Tùy theo số lượng nang và vị trí của nang  mà có những biểu hiện lâm sàng nặng nhẹ khác nhau hoặc có thể gây tử vong. Thường thấy có nang ấu trùng kí sinh ở mô dưới da, não, mắt. cơ bắp, tim, gan, phổi, các hốc trong bụng…

Nang ấu trùng ở dưới da: tạo thành các nốt, có thể sờ thấy được, di động, đôi khi có thể gây ngứa. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh học.

Nang ấu trùng ở mô cơ:

Ít khi được chẩn đoán nếu bị nhiễm nhiều nang, có thể đau cơ. Sau nhiều năm nang ấu trùng sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện bằng Xquang: Thấy vết mờ dọc theo các sợi cơ.

Nang ấu trùng ở não: 

Gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu tùy theo vị trí, số lượng của nang ấu trùng trong não biểu hiện như một u nang trong não. Những triệu chứng lâm sàng thường gặp:

Tăng áp lực trong sọ.

Những cơn động kinh.

Suy nhược trí năng.

Rối loạn tâm thần.

Bệnh nhân có thể bị liệt tùy vị trí của nang ấu trùng chèn ép.

Có thể bị đột tử.

Bạch cầu ái toan trong dịch não tủy tăng.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/kst%20hvqy/image191.jpg

Hình 12.9: Nang ấu trùng sán dây lợn ở não

Nang ấu trùng trong mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, trong mí mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể, tiền phòng… Những rối loạn thị giác cũng rất đa dạng tùy theo vị trí của ấu trùng trong mắt, có thể giảm thị lực, mù…

Nang ấu trùng ở cơ tim: Có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân khó thở, ngất sỉu.

 

CHẨN ĐOÁN

Bệnh sán trưởng thành:

Tìm đốt sán hoặc các đoạn gồm 5 - 6 đốt sán trong phân quan sát đốt sán trưởng thành thấy nhánh tử cung có từ  6 - 12 nhánh ngang. Rất hiếm khi thấy các trứng sán dây lợn trong phân, chỉ thấy khi các đốt sán bị vỡ vì một lí do nào đó.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (cysticercosis):

Dựa vào lâm sàng: các dấu hiệu động kinh, giảm thị lực mù, các nốt nang ấu trùng sán ở dưới da; kết hợp với bạch cầu ái toan tăng cao.

Sinh thiết (biopsy), chụp Xquang, chụp hình não thất, hoặc soi đáy mắt (ophtalmoscopy), chụp cắt lớp (CT scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI). Các phương pháp miễn dịch học: Cũng có giá trị chẩn đoán tuy nhiên thường có phản ứng chéo với các sán dây khác.

 

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bệnh sán trưởng thành:

Cần dùng thuốc chống nôn trước khi điều trị, trước khi uống thuốc tẩy.

Hạt bí, hạt cau:

Hạt bí đỏ (Semina cucurbitae decortica): Bóc vỏ giã nhỏ, liều lượng100 - 200 g.

Hạt cau: Dùng hạt cau sống độ 50 - 100 g (tùy theo độ tuổi, thể trọng). Trẻ   em < 10 tuổi dùng 30 g hoặc ít hơn. Đổ vào 500 ml nước lã, đun cạn còn 150 - 200 ml. Nên nhỏ thêm getalin 2,5% hoặc dùng 5 lòng trắng trứng thay cho gelatin để đỡ chát, đỡ kích thích dạ dày.

Cách uống: Uống hạt bí trước, 2 giờ sau uống nước sắc hạt cau, 1/2 giờ sau nữa uống thuốc tẩy 60ml magiê sunfat 50%. Chú ý: khi áp dụng phương pháp này cần tôn trọng đúng thứ tự của thời gian, thuốc sử dụng như vậy mới đảm bảo kết quả tốt. Phương pháp này đạt hiệu quả từ  90 - 100% ra cả đầu sán.

Quinacrin (atebrin): 

Người lớn uống từ 0,9 g - 1,2 g chia liều nhỏ. Một ngày trước khi uống cần dùng thuốc nhuận tràng để làm giảm bớt chất nhầy bám ở thân sán, để thuốc dễ ngấm vào thân sán hơn. Sau khi uống thuốc một giờ phải dùng thuốc tẩy, nếu dùng thuốc tẩy chậm hơn quinacrin sẽ ngấm vào máu gây độc.

Niclosamide (yomesan, trédemine):

Một liều 4 - 6 viên 0,5 g. Buổi sáng nhai từng viên một, nhai thật kĩ (nhai 10 phút) uống với một ít nước. Thuốc không độc, hiệu quả cao.

Cần tích cực phát hiện và điều trị bệnh sán dây lợn trưởng thành là biện pháp tích cực nhất để phòng nhiễm bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn:

Hiện nay điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn vẫn là vấn đề nan giải. Đã có một số thuốc có tác dụng diệt ấu trùng sán dây lợn như praziquantel, methifolat, DEC… Nhưng hiện nay vẫn chưa hiểu hết được cơ chế tác dụng của thuốc, cũng như phản ứng của cơ thể nói chung, đặc biệt của não. 

Nhiều trường hợp sau điều trị  bệnh ấu trùng sán dây lợn bệnh nhân lại bị mù hoặc tử vong. 

Kết quả giải phẫu bệnh lí cho thấy những nang ấu trùng sán dây lợn ở não, sau khi điều trị nang ấu trùng gây tổn thương ở vùng thị giác, gây mù không hồi phục được hoặc có thể dẫn thấy phù não gây tử vong. 

Do vậy không tiến hành điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn, khi chưa có các biểu hiện bệnh lí lâm sàng.

Chỉ định điều trị nội khoa bệnh ấu trùng sán dây lợn:

Khi có động kinh.

Tăng áp lực sọ não.

Thay đổi nhân cách (có biểu hiện tâm thần). 

Điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn nhất thiết phải thực hiện tại bệnh viện có sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và phải sử dụng corticoid liệu pháp để tránh phản ứng của cơ thể.

Theo Đoàn Hạnh Nguyên: Khám và điều trị 126 bệnh nhân có ấu trùng sán dây lợn tại khoa khám chuyên khoa (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) từ năm 1998 - 2000 cho thấy:

Bệnh nhân vào khám bệnh thường có các biểu hiện lâm sàng: sốt (27%), đau đầu (46%), buồn nôn hoặc nôn (7,1%), sẩn ngứa dị ứng toàn thân (9,4%), động kinh (7,9%) và biểu hiện tăng áp lực nội sọ (23,4%).

Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán có ấu trùng sán dây lợn trong não hoặc các tổ chức khác bằng CT scanner hoặc MRI. 

Số bệnh nhân trên được điều trị tại phòng khám theo 3 loại phác đồ sau:

Phác đồ 1: Albendazole 15mg/kg/24 giờ chia 2 lần trong ngày phối hợp với prednisolon 20mg / 24 giờ. Điều trị trong 30 ngày.

Phác đồ 2: Albendazole 15mg/kg/24 giờ chia 2 lần trong ngày không phối hợp với prednisolon. Điều trị trong 30 ngày.

Phác đồ 3: Albendazole 20mg/kg/24 giờ chia 2 lần trong ngày phối hợp với prednisolon 20mg/24 giờ. Điều trị trong 20 ngày.

Kết quả điều trị bệnh nhân được theo dõi trên diễn biến lâm sàng, các xét nghiệm cơ bản và trên CTscanner hoặc MRI cho thấy: Tác dụng thuyên giảm các triệu chứng lâm sàng của 3 phác đồ trên như nhau. Các triệu chứng nhức đầu và giật cơ được cải thiện ngay sau 1 đợt điều trị. 3 bệnh nhân còn biểu hiện động kinh sau 3 đợt điều trị nhưng cơn động kinh nhẹ hơn về cường độ và thời gian, 30 bệnh nhân còn nang sán dưới da nhưng các nang đã teo nhỏ.

Chỉ định điều trị ngoại khoa bệnh ấu trùng sán dây lợn: Có thể phẫu thuật lấy bỏ nang ấu trùng sán dây lợn ở mắt, ở tổ chức dưới da, cơ, có nguy cơ chèn ép thần kinh…

 

ĐẶC ĐIỂM DỊCH HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG

Sự phân bố bệnh sán dây lợn không đồng đều. Thường thấy ở những sán nơi nuôi lợn thả rông, cho lợn ăn phân người và những nơi có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín. 

Tại khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), từ năm 2000 - 2004 đã khám và điều trị trên 700 trường hợp bệnh ấu trùng sán dây lợn. Trong đó 84% số trường hợp có các biểu hiện: động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ hoặc tử vong do tụt não. 

Bệnh nhân được phân bố ở 30 tỉnh phía Bắc: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các tỉnh phía Nam chưa thống kê được.

Nguồn bệnh:

Nguy hiểm nhất là người. Người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành là nguồn ô nhiễm ra môi trường và điều trị cho họ, không những đạt được mục đích, giải quyết tận gốc nguồn gốc lây lan mầm bệnh ra môi trường, mà còn là biện pháp tích cực nhất phòng bệnh ấu trùng sán dây lợn. 

Xét về mặt kinh tế: Điều trị một bệnh nhân ấu trùng sán dây lợn rất đắt, tốn kém hơn 140 lần kinh phí để điều trị một bệnh nhân mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành.

Đường lây:

Lây qua đường tiêu hoá do ăn phải thịt lợn có nang ấu trùng chưa nấu chín hoặc còn sống. Ở nước ta có tập quán ăn nem chua, một số vùng miền núi có tập quán ăn lạp (thịt sống) và nhiều nơi có phong tục ăn thịt lợn sống chưa nấu chín.

Các biện pháp phòng bệnh:

Tích cực phát hiện và điều trị người có bệnh.

Vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng, không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí đúng quy cách; không nuôi lợn thả rông, không cho lợn ăn phân người.

Kiểm soát thịt lợn: Tại các lò mổ mổ lợn hoặc gia đình mổ lợn cần phải kiểm tra phát hiện: “gạo lợn”. Dùng dao sắc cắt ngang thịt lợn ở phần mông, hay lưng con lợn,  nếu có  “gạo lợn” sẽ thấy phòi ra mặt cắt.

Vệ sinh ăn, uống: Không ăn thịt lợn còn sống (như nem chua…). Nếu muốn dùng thịt lợn sống thì phải ướp  thịt ở âm 10ºC trong 4 ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top