✴️ Cách sử dụng máy thở oxy tại nhà

Hiện nay, trên thị trường có nhiều dòng máy thở oxy: 3 -5-10 lít tới từ nhiều hãng khác nhau. Vậy sử dụng máy thở oxy như thế nào là đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất. Về cơ bản các dòng máy đều gồm 4 bước để bắt đầu sử dụng:

  • Bước 1: Người dùng cần lựa chọn vị trí thích hợp để đặt máy thở oxy sao cho không hạn chế không gian để kéo máy đi lại trong phòng. Đặt máy cách tường khoảng 30cm, cách các vật dụng khác từ 15-30cm . Tuyệt đối không đặt gần bất cứ nguồn nhiệt nào như bếp ga, khói thuốc lá , để cách xa ít nhất 5m nhằm tránh gây cháy nổ.
  • Bước 2: Kiểm tra và gắn các phụ kiện đi kèm sao cho thích hợp với ổ cắm oxy. Trường hợp máy không sử dụng bộ phận làm ẩm thì kết nối thẳng dây thở oxy đến đầu ra oxy. Trường hợp máy sử dụng bộ phận làm ẩm thì cần: 
  • Tháo cốc làm ẩm và vệ sinh sạch.
  • Mở nắp cốc và đổ nước tinh khiết vào sao cho mức nước đúng vạch chỉ định sẵn của nhà sản xuất sau đó vặn nắp cốc lại như ban đầu.
  • Gắn cốc lọc vào thân máy.
  • Cắm dây thở oxy vào cổng giao cốc lọc.

Cắm nguồn điện và khởi động máy, quan sát hoạt động của máy: nhìn đèn báo hiệu đã hoạt động, đèn báo lỗi, âm thanh bíp.

  • Bước 3: Nhấn công tắc nguồn để máy bắt đầu hoạt động. Người bệnh có thể bắt đầu sử dụng ngay hoặc chờ 10 phút để máy đạt được nồng độ oxy tinh khiết nhất.
  • Bước 4: điều chỉnh lưu lượng oxy bằng cách xoay núm chỉnh trên đầu ống thủy đo lưu lượng oxy. Lưu lượng oxy điều chỉnh theo chỉ định bác sỹ.

 

Lưu ý khi sử dụng máy thở oxy

Một số lưu ý khi sử dụng máy thở oxy tại nhà như sau:

  • Chỉ sử dụng máy thở oxy tại nhà dưới chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ để biết được liều lượng oxy phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân .
  • Không được sử dụng máy thở oxy khi không có khó thở thật sự vì có nguy cơ gây ngộ độc oxy : mất phương hướng, buồn nôn và nôn; ho, đau sau xương ức; giảm độ giãn nở của phổi, giảm thông khí.
  • Nếu người bệnh thở oxy theo lưu lượng bác sỹ hướng dẫn mà tình trạng khó thở không thuyên giảm như: vẫn tím tái, thở nhanh nông hoặc chậm, vã mồ hôi tăng,… Thì phải vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được nhân viên y tế xử trí.
  • Đối với bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc bệnh thành ngực cột sống nghiêm trọng như cong vẹo cột sống, bệnh thần kinh cơ thì lưu lượng oxy cho bệnh nhân thở qua cannula 1- 2 lít với SpO2 mục tiêu từ 88-92%.
  • Không cần thiết dùng bộ phận làm ẩm khi thở oxy trong thời gian ngắn. Chỉ làm ẩm khi thở oxy > 24 giờ hoặc người bệnh cảm thấy khô đường hô hấp trên.
  • Khi người bệnh phải thở oxy kéo dài thì duy trì ở liều thấp nhất mà người bệnh cảm thấy dễ chịu, không thở ở liều quá cao hay điều chỉnh quá nhanh. Cần giảm liều oxy khi bệnh nhân ổn định hết khó thở và SpO2 trên mức mục tiêu trong 4-6 giờ . Không ngắt oxy khi người bệnh đang thở với lưu lượng cao mà phải giảm xuống 2 thậm chí là 1 lít/ phút qua cannula trước khi ngắt oxy. Tiến hành đo lại SpO2 sau ngưng oxy 15-20 phút. Nếu SpO2 vẫn trong giới hạn mong muốn thì ngưng oxy và tiếp tục đo lại SpO2 sau 1 giờ. Nếu SpO2 giảm so với mục tiêu thì cho người bệnh thở lại oxy với lưu lượng thấp nhất mà vẫn đảm bảo duy trì được mục tiêu SpO2, theo dõi trong 5 phút nếu vẫn đạt SpO2 mục tiêu thì duy trì liều này và xem xét ngưng oxy những ngày sau đó. Nếu phải tăng liều oxy hơn trước để đạt được SpO2 mục tiêu thì phải tham khảo ý kiến bác sỹ để tìm ra nguyên nhân tình trạng bệnh xấu đi và có hướng xử trí phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top