✴️ Hỗ trợ vệ sinh cho người bệnh

Nội dung

GIỚI THIỆU

Khi con người bị đau ốm, sức đề kháng của cơ thể đối với ngoại cảnh cũng như đối với các loại vi khuẩn sẽ giảm đi, nguy cơ bị nhiễm vi sinh vật ở người bệnh cao hơn người khoẻ. Chăm sóc vệ sinh cho người bệnh là một nhu cầu cơ bản hàng ngày, đặc biệt khi người bệnh nằm lâu, hạn chế vận động, không tự chăm sóc được. Nếu vệ sinh cá nhân kém, vi khuẩn sẽ thâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc, gây bội nhiễm, ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị bệnh. Mặt khác, vệ sinh cơ thể sẽ giúp tăng cường tuần hoàn, thông thoát mồ hôi và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Chăm sóc vệ sinh còn làm tăng cường mối quan hệ giữa điều dưỡng viên và người bệnh, giúp điều dưỡng viên phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và phòng ngừa các biến chứng do vệ sinh kém gây ra.

Nhóm kỹ năng hỗ trợ vệ sinh cho người bệnh bao gồm:

Chăm sóc răng miệng

Gội đầu

Vệ sinh da (tắm)

Thay quần áo cho người bệnh

 

CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG

Các tổn thương/bệnh thường gặp ở răng miệng

Bệnh nấm Candida (tưa)

Viêm góc môi (chốc mép)

Viêm họng loét màng

Nhiễm virus

Ung thư tế bào biểu mô

Áp dụng

Chăm sóc răng miệng thông thường

Áp dụng tất cả những trường hợp người bệnh tỉnh táo nhưng không đi lại được.

Chăm sóc răng miệng đặc biệt

Người bệnh tự hớp nước được nhưng không tự làm được (sốt cao, bệnh nặng…)

Người bệnh không tự hớp nước được, không tự làm được (gãy xương hàm…)

Người bệnh hôn mê

Người bệnh có vết thương ở miệng

Nguyên tắc chăm sóc răng miệng

Nên kết hợp chăm sóc răng miệng để hướng dẫn cho người bệnh và gia đình người bệnh lợi ích và kỹ thuật vệ sinh răng miệng.

Động tác chà răng phải theo chiều răng mọc.

Khi chà răng cho người bệnh phải theo một trình tự nhất định để tránh bỏ sót.

Nếu răng miệng người bệnh quá bẩn, lưỡi đóng bựa trắng nhiều nên bôi vào niêm mạc lưỡi dung dịch glycerine và nước cốt chanh truớc 15 - 20 phút, sau đó mới tiến hành chăm sóc.

Trường hợp có vết thương ở miệng, phải đảm bảo vô trùng khi chăm sóc.

Đối với hàm/răng giả: cần hướng dẫn người bệnh/gia đình một số lưu ý khi chăm sóc.

Sau khi ăn phải tháo ra và chải răng thật sạch với nước lạnh (khi chải tránh mặt trong của hàm, chỗ tiếp xúc với lợi và vòm miệng) để tránh sự mài mòn, dẫn đến làm giảm độ chính xác của hàm răng.

Ban đầu khi mang răng giả nên ăn những thức ăn lỏng, mềm.

Khi đi ngủ phải tháo răng, ngâm vào trong cốc nước lạnh có nắp đậy, không nên để răng ở chỗ khô và nóng, tránh để rơi răng giả vì có thể làm rạn nứt hoặc gãy vỡ.

Hàng ngày cần súc miệng kỹ với nước muối loãng hoặc các dung dịch súc miệng, để làm dịu niêm mạc lợi và vòm họng.

Tập nhai đều cả hai bên hàm tránh bị đau khớp hàm.

Tránh dùng tăm xỉa răng khi đang mang răng giả.

Chăm sóc răng miệng cho một số người bệnh đặc biệt

Người bệnh hôn mê phải chú ý tránh gây sặc nước vào đường hô hấp. Dùng máy hút liên tục trong quá trình vệ sinh răng miệng cho người bệnh là cần thiết.

Người bệnh tiểu đường cần chú ý đánh giá những tổn thương ở răng lợi và vòm họng. Thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương chảy máu lợi và niêm mạc miệng.

Người bệnh có nhiễm khuẩn miệng nên dùng mỡ có thuốc giảm đau bôi tại vết loét giúp cho giảm đau trong quá trình chăm sóc.

Quy trình thực hành kỹ thuật chăm sóc răng miệng

Chăm sóc răng miệng thông thường

Bảng kiểm kỹ thuật chăm sóc răng miệng thông thường

Chăm sóc răng miệng đặc biệt

Bảng kiểm kỹ thuật chăm sóc răng miệng đặc biệt

 

GỘI ĐẦU CHO NGƯỜI BỆNH

Một số bệnh và tổn thương thường gặp ở tóc và da đầu

Gàu

Chấy

Rụng tóc

Áp dụng và không áp dụng gội đầu

Áp dụng: cho tất cả người bệnh nằm lâu, không tự gội đầu được.

Không áp dụng:

Đang sốt cao, mê sảng hay co giật 

Đang trong cơn đau cấp, suy hô hấp

Trụy mạch, huyết áp bất thường, tăng áp lực nội sọ

Nguyên tắc gội đầu cho người bệnh

Tránh nhiễm lạnh cho người bệnh.

Tránh để nước xà phòng vào mắt và tai của người bệnh.

Trường hợp đầu người bệnh có vết thương nên đắp vải thưa có chất nhờn (gạc vaselin) lên trên vết thương, gội đầu trước khi chăm sóc vết thương.

Hạn chế lắc lư đầu trong khi gội, giúp người bệnh thoải mái, tiện nghi và an toàn khi nằm gội.

Nếu vải trải giường hoặc quần áo người bệnh bị ướt phải thay ngay sau khi gội xong.

Quy trình thực hành kỹ thuật gội đầu tại giường cho người bệnh

Bảng kiểm kỹ thuật gội đầu tại giường cho người bệnh

 

VỆ SINH DA (TẮM) CHO NGƯỜI BỆNH

Các hình thức tắm và áp dụng

Tắm ướt

Tắm toàn thân tại giường: áp dụng đối với người bệnh phụ thuộc hoàn toàn nằm tại giường như gãy xương, liệt, hôn mê, người bệnh sau phẫu thuật …

Tắm một phần tại giường: Chỉ tắm những phần cơ thể có nguy cơ gây khó chịu, bội nhiễm cho người bệnh nếu không được tắm như: tay, mặt, nách, khu vực đáy chậu. Áp dụng cho những người bệnh yếu liệt nằm tại giường nhưng vẫn có thể tự vệ sinh một phần và một phần cần sự hỗ trợ của điều dưỡng.

Tắm khô: Là tắm bằng dung dịch không cần dùng nước

Nhằm giúp những người bệnh không có khả năng tắm rửa theo cách thông thường trong bồn tắm hoặc tắm dưới sen vòi, vẫn có thể thường xuyên làm sạch thân thể một cách dễ dàng và thoải mái, ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật có hại trên da.

Tắm bồn:

Người bệnh ngồi hoặc nằm trong bồn tắm.

Áp dụng đối với những người bệnh có thể tự tắm được nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của điều dưỡng.

Tắm vòi sen:

Người bệnh có thể tự ngồi hoặc đứng dưới dòng nước chảy liên tục. Vòi sen giúp tắm kỹ hơn.

Áp dụng cho tất cả người bệnh có thể tự tắm một cách độc lập không cần sự hỗ trợ của điều dưỡng.

Không áp dụng

Người bệnh đang trong tình trạng quá nặng

Người bệnh đa vết thương

Nguyên tắc vệ sinh da

Đảm bảo sự kín đáo khi tắm cho người bệnh (chỉ để lộ phần đang tắm).

Chăm sóc theo thứ tự ưu tiên của người bệnh.

Tránh để người bệnh bị nhiễm lạnh.

Kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi tắm cho người bệnh, xà phòng tắm không nên dùng loại có độ kiềm cao.

Đảm bảo an toàn cho người bệnh khi tắm: người cao tuổi không nên tắm quá kỹ vì da của người già ít chất nhờn hơn, nên tắm kỹ sẽ làm cho da trở nên khô ráp. Không nên tắm nước nóng sau khi ăn tối vì dễ bị xuất huyết não, nhồi máu cơ tim …

Xem xét yếu tố văn hóa của người bệnh liên quan đến tắm.

Xem xét thói quen vệ sinh cá nhân, thói quen sử dụng các sản phẩm vệ sinh và thời điểm thực hiện trong ngày.

Quy trình thực hành kỹ thuật tắm cho người bệnh

Bảng kiểm kỹ thuật tắm cho người bệnh

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành hỗ trợ vệ sinh cho người bệnh

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế (2010). Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ Y tế (2012). Bài giảng kỹ năng điều dưỡng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top