Sụt cân mất kiểm soát là sụt cân nhanh chóng dù chưa thực hiện hoặc kế hoạch giảm cân mới bắt đầu.
Kiểm soát cân nặng luôn là mong muốn của nhiều người, nhất là nhu cầu giảm cân để có được vóc dáng vừa vặn, săn chắc. Tuy nhiên không ít trường hợp sụt cân nhanh do bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe, cần phát hiện và đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Vậy khi nào bạn bị sụt cân nhanh bất thường? Đó là khi cân nặng của bạn sụt khoảng 5 - 10% tổng trọng lượng cơ thể trong thời gian chỉ từ 3 - 6 tháng. Đây thường là dấu hiệu sức khỏe cho thấy cơ thể bạn đang gặp vấn đề nào đó.
Không phải ai cũng thường xuyên theo dõi cân nặng của mình, song nếu sụt cân nhanh bạn sẽ thấy rõ cơ thể trở nên gầy gò, yếu sức, mặc quần áo rộng hơn. Hãy chú ý đến những thay đổi khác trong cơ thể của mình và thói quen cuộc sống như ăn uống, giấc ngủ, triệu chứng sức khỏe,… Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ dễ dàng xác định được vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Tùy theo nguyên nhân khiến bạn sụt cân nhanh mà các điều trị khắc phục sẽ khác nhau song cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Dưới đây là những nguyên nhân thường gây tình trạng sụt cân nhanh nguy hiểm và cần thăm khám điều trị sớm.
Ung thư nói chung ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn dù khởi phát ở cơ quan nào cũng thường gây triệu chứng sụt cân nhanh. Vì thế nếu bạn giảm cân nhanh nhưng vấn đề ăn uống, thể dục, căng thẳng,… vẫn giữ nguyên thì cần cẩn thận với vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này.
Sụt cân nhanh là một trong những biểu hiện trong hội chứng suy mòn do ung thư, đặc trưng là tình trạng mất năng lượng, mất cân bằng protein, viêm toàn thân, mất khối lượng nạc,… Hội chứng này xuất hiện rõ ràng nhất ở các bệnh ung thư tiêu hóa, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi,…
Đường ruột phức tạp là nơi tiếp nhận, tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng để nuôi toàn bộ cơ thể. Vì thế các tổn thương hoặc bệnh lý ở đường ruột như bệnh Crohn, bệnh Celiac, không dung nạp Lactose đều làm giảm hấp thu dinh dưỡng và sụt cân.
Trong hầu hết trường hợp, bệnh lý đường ruột có thể can thiệp, kiểm soát để khắc phục tình trạng kém hấp thu, giúp bệnh nhân tăng cân trở lại. Song để thực hiện được điều này, người bệnh nên thăm khám và điều trị sớm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh tiểu đường không chỉ gây rối loạn chức năng của nhiều cơ quan mà người bệnh cũng thường bị sút nhiều cân trong thời gian ngắn. Đó là do hàm lượng đường trong máu cao, khiến cơ thể và thận bị quá tải trong khi không thể sử dụng đường như nguồn cung cấp năng lượng.
Bệnh tiểu đường còn gây ra nhiều triệu chứng như: đi tiểu thường xuyên, khát nước, mờ mắt, ngứa ran bàn tay, bàn chân, mờ mắt,… Hãy dựa trên các triệu chứng này kết hợp với tình trạng sụt cân để đi kiểm tra mình có bị tiểu đường hay không.
Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác ăn uống, rất nhiều người bị căng thẳng trong công việc, chuyện buồn trong cuộc sống, tình cảm không còn hứng thú ăn uống và ăn rất ít. Đó là do một số loại hormone cơ thể tiết ra khi bị stress khiến bạn bị mất cảm giác thèm ăn.
Không muốn ăn cùng với lơ là trong việc dinh dưỡng, làm việc quá nhiều sẽ khiến bạn sụt cân nhanh chóng. Hãy đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc chia sẻ với người thân xung quanh nếu đang gặp phải vấn đề này, khi tinh thần của bạn trở lại khỏe mạnh bình thường, cảm giác ăn uống và cân nặng sẽ được cải thiện.
Trầm cảm là một loại bệnh tâm lý nghiêm trọng, trong đó một trong những triệu chứng người bệnh gặp phải là giảm cảm giác ăn uống, sụt cân nhanh chóng. Người bệnh cũng bị suy giảm năng lượng, giảm hứng thú với nhiều thứ khác và thường xuyên rơi vào trạng thái tinh thần buồn bã, chán nản.
Nếu đang có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý để giúp đỡ. Căn bệnh âm thầm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân khi bạn vẫn ăn uống đầy đủ, tập thể dục và làm việc tốt nhưng vẫn bị sụt cân nhanh có thể do nhiễm ký sinh trùng. Ký sinh trùng như giun, động vật nguyên sinh thường sinh sôi phát triển trong ruột, không những gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa mà còn cạnh tranh dinh dưỡng từ thức ăn.
Người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng sẽ thường xuyên có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, nôn mửa,… Những nguyên nhân này đều khiến bạn bị sụt cân nhanh bất thường.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết có chức năng sản xuất nhiều hormone tham gia vào quá trình trao đổi chất. Vì thế, nếu tuyến giáp bị rối loạn chức năng, hormone không được tiết đủ thì quá trình trao đổi chất bị rối loạn, sụt cân nhanh chính là một trong những hậu quả sẽ gặp phải.
Đặc biệt là người mắc bệnh cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mạnh thường gây sụt cân nhanh cùng các vấn đề sức khỏe khác như: thường xuyên lo lắng bồn chồn, nhịp tim tăng nhanh, mất ngủ, run tay chân không rõ nguyên do,…
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sụt cân nhanh không rõ nguyên do, hãy theo dõi sát sao hơn những dấu hiệu sức khỏe bất thường và đi thăm khám bác sĩ sớm. Cần xác định được nguyên nhân và điều trị loại bỏ mới có thể phục hồi cân nặng trở về bình thường, khỏe mạnh.
Xem thêm: Thế nào là cân nặng lý tưởng?
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh