Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Thuyết nhu cầu Maslow là lý thuyết về sự thỏa mãn phổ biến nhất do nhà tâm lý học Abraham Maslow hình thành và phát triển. Lý thuyết này cho rằng con người được động viên bởi nhiều nhu cầu khác nhau và các nhu cầu này được sắp xếp theo thứ bậc từ thấp đến cao. 5 mức nhu cầu của tháp Maslow là:
- Nhu cầu sinh lý.
- Nhu cầu an toàn.
- Nhu cầu xã hội.
- Nhu cầu được tôn trọng.
- Nhu cầu tự thể hiện.
Nhu cầu của con người dưới góc nhìn của Maslow đang được hiểu thế nào?
Theo giáo sư Douglas Kenrick của trường Đại học Arizona, chiếc tháp Maslow có sức hấp dẫn và dễ thẩm thấu đến vậy là vì bộ não của chúng ta ưa thích sự đơn giản. Ta thích những lối tắt để hiểu thế giới phức tạp. Nhất là khi lý thuyết của Maslow có thể dễ dàng quan sát ở cuộc sống xung quanh.
Điển hình là quá trình phát triển của một đứa trẻ. Khi còn sơ sinh, chúng cần được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như ăn no, uống đủ, ngủ say, mặc ấm. Đến tuổi đi nhà trẻ, chúng bắt đầu quan tâm đến việc kết bạn, biết ghen tị, sợ không được yêu thương. Lớn hơn thêm chút nữa, trẻ có thể để ý đến sự khác biệt về địa vị gia đình mình với gia đình của bạn bè, hay khó chịu khi không được bày tỏ, lắng nghe ý kiến.
Trong quản trị nhân sự, chiếc tháp Maslow được hiểu thành các công ty trước hết phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở, đi lại) của nhân viên bằng chế độ lương thưởng, đồng phục, ký túc xá nhân viên, xe đưa đón. Sau đó, họ cần nghĩ đến việc đáp ứng nhu cầu gắn kết tập thể, bằng chế độ hiếu hỉ, tổ chức sinh nhật,... Tiếp đó, công ty sẽ thể hiện mối quan tâm đến nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện mình của nhân viên qua việc xây dựng cơ chế thăng chức, tăng lương.
5 cấp bậc trong tháp nhu cầu Maslow
1. Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs)
Sinh lý là những nhu cầu thực tế, cần thiết nhất của mỗi người. Bao gồm việc ăn uống, nghỉ ngơi, sinh lý,…..đây là những điều giúp con người có thể tồn tại và phát triển.
Trong kim tự tháp maslow, các nhu cầu sinh lý xếp ở bậc dưới cùng. Nếu nhu cầu này chưa được đáp ứng và thỏa mãn thì các nhu cầu cao hơn sẽ không thể xuất hiện.
Chẳng hạn, trước khi nhu cầu của con người là “ăn no – mặc ấm” và đến khi đã thỏa mãn nhu cầu này, con người sẽ mong muốn nhu cầu cao hơn là “ăn ngon – mặc đẹp”.
2. Nhu cầu về an ninh, an toàn (safety, security needs)
Đây là nhu cầu tiếp theo trong tháp maslow. Khi đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản trên, con người sẽ hướng đến những nhu cầu cao hơn về sự an ninh, an toàn cho bản thân.
Đó là ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, xã hội ổn định. Con người mong muốn được bảo vệ trước những mỗi nguy hiểm, đe dọa về tinh thần hay vật chất. Chính điều này mà pháp luật được ra đời, đội ngũ cảnh sát, công an xuất hiện và thực hiện vai trò bảo vệ an toàn, an ninh, trật tự xã hội.
3. Nhu cầu về xã hội (Belonging needs)
Nhu cầu về xã hội là nhu cầu thiên về các yếu tố tinh thần, cảm xúc. Theo đó, mỗi người mong muốn mình là một thành tố của các mỗi quan hệ xã hội như: công ty, trường lớp, gia đình,….
Nhu cầu này vô cùng quan trọng và cần thiết với mỗi người. Các nhà kinh doanh cũng áp dụng điều này để đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực nhất đối với khách hàng. Giúp doanh nghiệp thể hiện và đạt được nhu cầu cá nhân mang lại các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất.
4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
Đây là nhu cầu được thừa nhận, mong muốn được yêu quý, tôn trọng trong bất cứ tổ chức hay môi trường nào. Cũng tương tự, trong kinh doanh, doanh nghiệp cần phải đem đến cho khách hàng cảm giác họ là “Thượng đế”, được tôn trọng và đối xử đặc biệt.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, từ đó đáp ứng tối đa các nhu cầu đồng thời luôn tôn trọng và tạo cho họ cảm giác được quan tâm đặc biệt nhất.
5. Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualization)
Được thể hiện mình là nhu cầu cao nhất trong kim tự tháp maslow. Đây là mong muốn được chứng minh bản thân. Được theo đuổi đam mê, sở thích của mình và mang lại những giá trị, lợi ích tốt đẹp cho xã hội.
Đối với kinh doanh, nhu cầu được thể hiện mình đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải làm cho khách hàng cảm thấy tin tưởng vào bản thân và cảm thấy quyết định sử dụng dịch vụ hay mua hàng của doanh nghiệp bạn là đúng đắn. Mang lại cho họ cảm giác họ là người quan trọng không chỉ với công ty bạn mà cả với những người xung quanh.
5 cấp bậc trong tháp nhu cầu maslow là công cụ hỗ trợ đắc lực cho những người làm kinh doanh, giúp họ hiểu rằng, doanh nghiệp sẽ không thể thành công nếu không biết cách cân đối giữa các nhu cầu của khách hàng.
Có phải bất cứ nhu cầu nào cũng chỉ 1 mức cụ thể trên thang Maslow?
Nhu cầu của con người không phải lúc nào cũng tăng tiến theo một trình tự nhất định. Maslow đã bổ sung cho lý thuyết của mình, rằng các tầng nhu cầu có thể gối đầu lên nhau, chứ không chuyển tiếp. Con người không cần thoả mãn 100% một tầng nhu cầu nhất định trước khi chuyển sang đáp ứng nhu cầu khác.
Tuy nhiên, vì kết luận này của Maslow vẫn không thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm, nên một số nhà khoa học sau này đã đưa ra luận điểm mới rằng các nhu cầu có thể tồn tại song song. Đồng thời, sự tồn tại hay mức độ ưu tiên của các nhu cầu cũng có thể thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh hoặc do những sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc sống.
Ví dụ, một chiến sĩ có thể sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy về tính mạng để bảo vệ người khác, bảo vệ danh dự và địa vị của một cộng đồng/quốc gia mình thuộc về (nghĩa là người này đang đánh đổi tầng 1 để đến tầng 4 trong tháp Maslow).
Hay khi bị vướng vào nợ nần, ly hôn, phá sản,... (mất kết nối với cộng đồng mình thuộc về) nhiều người không màng gì đến ăn uống, và thậm chí đánh mất tất cả các động lực, nhu cầu sống. Ngược lại, một người bị bệnh, không được đảm bảo về nhu cầu an toàn, cơ thể khỏe mạnh, nhưng vẫn cảm thấy có nhu cầu về cái đẹp và trí tuệ.
Ví dụ điển hình khác là nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, dù vật lộn với kế sinh nhai nhưng vẫn muốn hết mình dâng hiến cho nghệ thuật. Như danh họa Toulouse Lautrec bị cơ thể hành hạ liên tục. Như Van Gogh tự hành hạ chính cơ thể mình. Ông vẽ tranh cả đời nhưng tài năng dường như chỉ được công nhận khi đã qua đời. Việt Nam thì có Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao sống một đời vì văn chương nghệ thuật mà không màng danh lợi.
Giải thích cho những trường hợp này, tiến sĩ Pamela Rutledge đã đề xuất một bản “sắp xếp lại” cho tháp nhu cầu của Maslow. Mô hình mới có dạng vòng tròn chỉ ra sự tương tác lẫn nhau giữa các nhu cầu. Tâm của vòng tròn là động lực kết nối, một động lực rất cốt lõi của con người. Điều này là tương ứng với kết luận rằng con người là một sinh vật xã hội.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh