✴️ Beta-Caroten: Tổng quan, vai trò và tác dụng

Nội dung

Beta-caroten có tác dụng như thế nào?

Beta-caroten là một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong các loại trái cây màu vàng và cam như mơ, dưa lưới, đu đủ, các loại bí, cà rốt, khoai lang, bí ngô, các loại rau xanh và bông cải xanh.

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch. Mặc dù các sản phẩm thực phẩm chức năng có thành phần beta-caroten dường như không có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị một cách hiệu quả các bệnh này, nhưng beta-caroten thu được từ chế độ ăn uống có thể có lợi. Lí do là vì hoạt chất này có thể tương tác với các thành phần tự nhiên khác trong trái cây, rau quả và gây ra tác động đến cơ thể nhiều hơn so với các loại thực phẩm chức năng.

Mục đích sử dụng thuờng thấy và các nghiên cứu gần đây

  • Chống oxy hóa

Một vài nghiên cứu cho thấy kết quả có lợi của mục đích sử dụng này.

  • Ngăn ngừa ung thư

Các bằng chứng hiện có không ủng hộ việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa beta-caroten để ngăn ngừa ung thư. Ngược lại, trên thực tế, chế độ bổ sung beta-caroten liều cao có liên quan đến nguy cơ cao hơn mắc ung thư phổi ở nam giới hút thuốc và ung thư tuyến tiền liệt.

  • Ngăn ngừa và điều trị bệnh tim mạch

Một số thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu quần thể có cỡ mẫu lớn và thiết kế tốt chứng minh việc bổ sung beta-caroten không làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc bệnh mạch vành. Trên thực tế, một đánh giá về các thử nghiệm lâm sàng chỉ ra beta-caroten có liên quan đến gia tăng mức độ nhỏ tỷ lệ tử vong nói chung cũng như tử vong do bệnh tim mạch.

  • Ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc sử dụng thực phẩm chức năng chứa beta-caroten không làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh đục thủy tinh thể, tuy nhiên một nghiên cứu nhỏ chỉ ra nồng độ beta-caroten trong máu có liên quan đến giảm tỷ lệ đục thủy tinh thể, điều này gợi ý beta-caroten thu được từ chế độ ăn uống, chứ không phải từ các sản phẩm thực phẩm chức năng, có thể mang lại lợi ích.

  • Ngăn ngừa và điều trị thoái hóa điểm vàng

Một thử nghiệm lâm sàng chứng minh việc bổ sung thực phẩm chức năng chứa các chất chống oxy hóa cùng với kẽm làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, nhưng nghiên cứu không chỉ rõ được chính xác tác dụng này là do beta-caroten hay một chất chống oxy hóa nào khác trong thực phẩm chức năng mang lại.

  • Điều trị bệnh AIDS

Mặc dù các nghiên cứu cỡ mẫu nhỏ đã gợi ý rằng các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa beta-caroten có thể làm tăng số lượng tế bào CD4, nhưng kết quả này chưa được khẳng định qua các thử nghiệm lâm sàng.

  • Kích thích hệ thống miễn dịch

Một vài thí nghiệm trong ống nghiệm cho thấy beta-caroten kích thích một số thành phần thuộc hệ thống miễn dịch, tuy nhiên kết quả này không giúp khẳng định liệu tác dụng này có xảy ra trên cơ thể người hay không.

  • Điều trị bạch sản miệng

Một số thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng việc bổ sung beta-caroten có thể làm thuyên giảm bệnh bạch sản trong khoang miệng, một tổn thương tiền ung thư ở miệng.

  • Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2

Dữ kiện hiện có còn mâu thuẫn.

  • Cải thiện nhận thức

Dữ kiện trên lâm sàng gợi ý việc bổ sung beta-caroten lâu dài có thể cải thiện khả năng nhận thức.

Tác dụng phụ

  • Việc sử dụng beta-caroten liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến chứng caroten (carotenodermia), một hiện tượng đổi màu vàng cam vô hại ở da.

 

Nguồn thực phẩm

Trái cây màu vàng đậm và màu cam (mơ, dưa lưới, đu đủ), các loại bí, cà rốt, khoai lang, bí ngô, các loại rau có màu xanh và bông cải xanh.

Cơ chế hoạt động

Beta-caroten có tác dụng chống oxy hóa mạnh và bảo vệ quá trình peroxyd hóa lipid và hoạt động của tiền vitamin A, do đó ngăn ngừa các tổn thương do oxy hóa. Hoạt chất này cũng được chứng minh có khả năng làm giảm mức độ nặng của viêm loét đại tràng trên chuột thông qua điều biến một số đích phân tử  bao gồm yếu tố hạt nhân tăng cường chuỗi nhẹ kappa của các tế bào B hoạt động (NF-κB), cyclooxygenase-2, interleukin17 và yếu tố tăng trưởng mô liên kết.

Trong các nghiên cứu khác, beta-caroten làm giảm sự phát triển của tế bào và thúc đẩy quá trình chết theo chương trình (apoptosis) ở nhiều dòng tế bào ung thư thông qua biểu hiện của caveolin-1. Nó cũng thúc đẩy quá trình sản xuất glutathion; tăng cường chức năng của đại thực bào và tế bào diệt tự nhiên; và tăng số lượng tế bào lympho T hỗ trợ. Tuy nhiên, các kết quả trên lâm sàng cho thấy beta-caroten có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Beta caroten được cho làm tăng biểu hiện gen sinh mạch trong tế bào nội mô tĩnh mạch rốn ở người (HUVEC) cũng như sự di cư của các tế bào này, kích thích tăng sinh tế bào trong ung thư tụy biểu mô tuyến ống cũng như các tế bào ung thư phổi. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy beta-caroten cũng thúc đẩy sự phát triển của ung thư phổi biểu mô tuyến thông qua khuếch đại tín hiệu AMP vòng.

 

Liều dùng thông thường của beta-carotene là gì?

Lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Lượng vitamin A thường được khuyên dùng cho người 14 tuổi trở lên là 700-9000 mcg/ngày. Sản phụ cần khoảng 1200-1300 mcg/ngày. Tùy theo sản phẩm mà hàm lượng beta-carotene sẽ khác nhau. Bạn có thể dựa vào những chỉ số trên để tính ra lượng beta-carotene cần dùng. Thông thường bạn có thể dùng beta-carotene kết hợp với vitamin C, vitamin E và thuốc kẽm.

 

Tương tác 

Etanol: Tác dụng gây độc gan của etanol có thể tăng lên khi dùng đồng thời liều cao beta-caroten. Một nghiên cứu thuần tập quy mô lớn cho thấy uống rượu có thể làm giảm khả năng ngăn ngừa ung thư của beta-caroten.

Beta-carotene có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím. Cần thận trọng khi dùng beta-carotene với người bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Bạn có thể cần phải điều chỉnh liều dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top