Dinh dưỡng cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Đây là tình trạng bệnh lý ở phổi biểu hiện bởi giới hạn thông khí ở phổi, gây tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. Bệnh bao gồm viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản không hồi phục.

Dinh dưỡng tốt là điều hết sức cần thiết trong điều trị bệnh, vì nó có liên quan trực tiếp với sức khỏe và năng lượng của bệnh nhân. Tuy nhiên tình trạng khó thở trong các bữa ăn có thể khiến người bị COPD không nhận được đủ các dưỡng chất cần thiết. Dưới đây là những lời khuyên về chế độ ăn uống lành mạnh khi bị COPD.

 

Nên ăn gì?

Hãy cố gắng duy trì một chế độ ăn cân đối bao gồm đa dạng các loại thực phẩm dưới đây:

• Protein, như thịt, đậu đỗ và các sản phẩm đậu nành, giúp bồi đắp khối cơ.

• Các sản phẩm sữa, như sữa, pho mát và sữa chua, giúp cho răng và xương chắc khỏe. Các sản phẩm sữa cũng giàu protein.

• Hoa quả và rau cung cấp vitamin cần thiết cho sức khỏe.

• Bánh mì và ngũ cốc (chất bột đường) giúp duy trì năng lượng. Ngũ cốc giàu chất xơ, như bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên cám, có tác dụng kéo dài hơn các loại tinh bột khác.

• Nước giúp bù đủ dịch cho cơ thể. Uống nước cũng làm loãng chất tiết ở đường hô hấp. Nên uống 6 – 8 cốc nước mỗi ngày (trừ khi có lời khuyên khác của bác sĩ).

 

Nếu gặp khó khăn trong ăn uống

Dạ dày nằm ngay dưới cơ hoành, là cơ giúp cho hô hấp. Dạ dầy quá đầy sẽ khiến cơ hoành khó di động, làm cho hô hấp khó khăn hơn, gây thở gấp trong và sau bữa ăn. Dưới đây là những gợi ý:

• Chia làm nhiều bữa nhỏ trong suốt cả ngày. Cách này sẽ giúp dạ dày không bị căng quá và phổi có nhiều chỗ để giãn nở hơn.

• Khi ăn nên ngậm miệng và nhai chậm để tránh nuốt không khí vào dạ dày.

• Cố gắng tránh hoặc hạn chế những thực phẩm gây đầy hơi. Hơi sẽ khiến dạ dày bị căng và chèn ép vào cơ hoành. Không phải thức ăn nào cũng gây tác động như nhau ở tất cả mọi người. Hãy theo dõi xem bạn “có vấn đề” với loại thức ăn nào.

 

Vitamin và chế phẩm bổ sung

Nếu không nhận đủ vitamin và các dưỡng chất khác, có thể bạn sẽ được khuyên nên dùng chế phẩm bổ sung. Sử dụng các chế phẩm bổ sung cũng có thể giúp bạn nhận được chất dinh dưỡng cần thiết mà không phải ăn quá no. Tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử dùng bất kỳ loại vitamin hay chế phẩm bổ sung nào.

 

Nếu bị trào ngược a xít

Nhiều người bị bệnh phổi mạn tính cũng gặp vấn đề với trào ngược a xít. Trào ngược a xít gây ra những triệu chứng như ho, ợ nóng và kích ứng dạ dày. Dưới đây là những điều nên làm:

• Hạn chế những thức ăn làm tăng a xít dạ dày, bao gồm những thức ăn nhiều gia vị, đồ uống có caffein và bia rượu.

• Tránh nằm trong 2 tiếng dau khi ăn. Ban đêm khi ngủ nên gối đầu cao.

• Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn đặc biệt để tránh trào ngược a xít cũng như những thuốc có thể làm giảm tình trạng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top