Phytoestrogen là một nhóm các chất có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Phytoestrogen có rất nhiều chức năng trong thực vật. Một số loại có chức năng chống oxy hoá rất mạnh, trong khi một số loại khác có thể đóng vai trò chống lại các tình trạng nhiễm trùng. Sở dĩ có tên gọi là phytoestrogen là vì chúng có cấu trúc tương tự như hormone estrogen trong cơ thể, “phyto” có nghĩa là thực vật.
Trong cơ thể, lượng estrogen của nữ giới thường cao hơn nam giới. Loại hormone này chịu trách nhiệm cho chức năng sinh sản ở nữ giới, duy trì các đặc điểm hình thể của nữ giới và cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với nam giới.
Phytoestrogen có cấu trúc tương tự estrogen có nghĩa là chúng có thể thương tác với các thụ thể estrogen ở các tế bào. Các thụ thể này sẽ điều hoà chức năng của estrogen trong cơ thể. Tuy nhiên hiệu quả của phytoestrogen yếu hơn rất nhiều so với estrogen. Ngoài ra, không phải tất cả các loại phytoestrogen đều hoạt động giống nhau. Một số loại sẽ ức chế tác dụng của estrogen, trong khi một số loại khác sẽ bắt chước tác dụng của estrogen.
Phytoestrogen được tìm thấy trong hầu hết các loại thực vật với hàm lượng khác nhau. Phytoestrogen thuộc một nhóm các hoá chất thực vật tên là polyphenol.
Các phytoestrogen phổ biến nhất bao gồm:
Lignan: được tìm thấy trong các loại thực phẩm như các loại hạt, trái cây và trái cây họ dâu. Hạt lanh là một nguồn cung cấp lignin rất dồi dào
Isoflavone: đây là loại phytoestrogen được nghiên cứu nhiều nhất. Isoflavone có nhiều nhất trong đậu nành và các loại đậu khác, ngoài ra, cũng có mặt trong trái cây họ dâu, ngũ cốc, các loại hạt và rượu vang đỏ.
Resveratrol: Thường tìm thấy trong các loại trái cây, rượu vang đỏ, chocolate và lạc. Resveratrol cũng là hoạt chất dính tạo ra các tác dụng tốt cho sức khoẻ của rượu vang đỏ.
Đa số các nghiên cứu đều chứng minh rằng phytoestrogen có lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung quá nhiều isoflavone có thể gây các vấn đề trong một số trường hợp.
Lợi ích:
Rất nhiều nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung phytoestrogen có thể nhiều lợi về sức khoẻ:
Giảm huyết áp: bổ sung resveratrol và quercetin có thể giúp làm giảm huyết áp
Cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết: resveratrol, lignin trong hạt lanh và isoflavone trong đậu nành có thể có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.
Giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến: bổ sung isoflavone có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến nhưng cần nghiên cứu thêm để làm rõ tác dụng này
Giảm cholesterol: Isoflavone trong đậu nành có thể giúp làm giảm cholesterol toàn phần và LDL cholesterol
Giảm viêm: Isoflavone trong đậu nành và lignan có thể làm giảm lượng CRP – một marker của tình trạng viêm ở những phụ nữ mãn kinh bị tăng CRP.
Một số nhà khoa học lo ngại rằng bổ sung quá nhiều phytoestrogen có thể làm mất cân bằng hormone trong cơ thể. Trên thực tế, phytoestrogen được liệt vào nhóm các chất làm rối loạn nội tiết khi tiêu thụ một liều đủ lớn. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy phytoestrogen có thể gây ra các tác động tiêu cực cho con người. Một số nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung isoflavone liều cao từ các loại sữa công thức cho trẻ nhỏ có thể làm giảm chức năng tuyến giáp ở những người bị thiếu iot. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng isoflavone có thể làm suy giảm chức năng tuyến giáp ở những người bị suy giáp. Tuy vậy, đa số các nghiên cứu ở người khoẻ mạnh đều không chỉ ra được bất cứ mối liên hệ nào giữa chức năng tuyến giáp.
Một nghiên cứu trên loài báo đã chỉ ra rằng bổ sung quá nhiều phytoestrogen sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phytoestrogen ảnh hưởng đến các loài động vật ăn thịt khác với các loài động vật ăn tạp, như con người. Trên thực tế, chưa có bằng chứng mạnh mẽ về việc bổ sung quá nhiều phytoestrogen lên khả năng sinh sản ở nam giới. Loại phytoestrogen được nghiên cứu nhiều nhất là isoflavone. Phân tích trên 15 nghiên cứu kết luận rằng isoflavone đậu nành không làm thay đổi nồng độ testosterone ở nam giới. Sử dụng 40mg isoflavone/ngày trong vòng 2 tháng không ảnh hưởng đến chát lượng hay số lượng tinh trùng. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều cho ra cùng một kết quả như vậy. Có một vài nghiên cứu chứng minh rằng sử dụng quá nhiều đậu nành (một nguồn cung cấp isoflavone) có liên quan đến việc giảm số lượng tinh trùng nhưng các nhà nghiên cứu không chắc chắn rằng liệu isoflavone có phải là nguyên nhân hay không. Cần có nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của estrogen với việc sử dụng phytoestrogen lên sức khoẻ con người.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh