Vitamin B12 là dưỡng chất cần thiết trong việc duy trì các tế bào thần kinh khỏe mạnh, duy trì chức năng não bộ và giúp sản sinh ra các tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là những người bệnh đái tháo đường lại có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin B12.
Mắc đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu hụt vitamin B12. Một nghiên cứu năm 2009 đã chỉ ra rằng có 22% số người bệnh đái tháo đường type 2 có hàm lượng vitamin B12 thấp. Các nhà khoa học cho rằng sử dụng metformin (một loại thuốc điều trị đái tháo đường phổ biến) có thể gây cản trở quá trình hấp thu vitamin B12 trong cơ thể.
Theo đó, thiếu hụt dưỡng chất này có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, cơ bắp yếu, khiến các biến chứng thần kinh (như cảm giác tê bì, châm chích tay chân) ở người bệnh đái tháo đường thêm nghiêm trọng.
Do cơ thể không thể tự tạo ra, cũng như không thể tích trữ vitamin B12 trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ cần bổ sung dưỡng chất này từ thực phẩm, hoặc bằng các loại thực phẩm chức năng. Dưới đây là 5 thực phẩm giàu vitamin B12 người bệnh đái tháo đường nên chú ý bổ sung vào chế độ ăn thường ngày:
Các loại phủ tạng động vật, đặc biệt là gan, cật từ cừu, bò và bê thường chứa rất nhiều vitamin B12. Theo đó, 100gr gan cừu, bò hoặc bê có thể cung cấp tới 3.500% giá trị dinh dưỡng khuyến cáo mỗi ngày (DV) vitamin B12. 100gr cật có thể cung cấp 3.000% DV vitamin B12.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường thường được khuyên không nên ăn quá nhiều các loại thịt mỡ, phủ tạng động vật vì những thực phẩm này chứa nhiều cholesterol, không tốt cho tim. Bạn có thể chọn ăn bò nướng (nên chọn phần thịt nạc) để bổ sung vitamin B12 cho cơ thể.
Nhìn chung, các loại cá thường được đánh giá là “siêu” thực phẩm vì chúng giàu protein, các vitamin, khoáng chất và acid béo omega-3 tốt cho tim. Trong số đó, cá mòi, cá ngừ và cá hồi là những loại chứa hàm lượng vitamin B12 cao. Người bệnh đái tháo đường nên ăn các loại cá béo ít nhất 2 lần/tuần.
Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai là nguồn cung cấp protein và vitamin B12 dồi dào. Một cốc sữa nguyên kem chứa khoảng 46% DV vitamin B12, trong khi 22gr phô mai có thể cung cấp khoảng 28% DV.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường cần chú ý chọn các sản phẩm từ sữa ít/không béo, không thêm đường. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn, ngăn ngừa và kiểm soát nhiều biến chứng đái tháo đường trên tim, hệ thần kinh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lỏng đỏ trứng có chứa hàm lượng vitamin B12 cao, dễ hấp thu trong cơ thể. Do đó, người bệnh đái tháo đường có thể ăn trứng để bổ sung vitamin B12, giúp cải thiện các triệu chứng tổn thương thần kinh.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt, sữa từ thực vật
Nếu bạn đang theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay, hãy tìm tới các loại ngũ cốc nguyên hạt và sữa từ thực vật đã được bổ sung vitamin B12.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh