✴️ Sinh thiết và chọc hút tủy xương

Tủy xương, sinh thiết và chọc hút là gì?

Tủy xương là mô xốp và lỏng nằm bên trong một số xương lớn trong cơ thể. Tủy là nơi tạo ra tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu từ các tế bào được gọi là “tế bào gốc”.

Sinh thiết là phương pháp lấy một mẫu nhỏ của mô từ một phần của cơ thể. Mẫu mô sau đó quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường và cũng có thể được kiểm tra bằng những phương pháp khác.

Chọc hút có nghĩa là lấy dịch lỏng. Trong bài này, thì chọc hút là phương pháp lấy một lượng dịch tủy xương, sau đó quan sát dưới kính hiển vi hoặc được kiểm tra theo những phương pháp khác.

Ai cần làm sinh thiết và chọc hút tủy xương?

Bạn có thể được tư vấn kiểm tra tủy xương bởi nhiều lý do. Ví dụ:

Tìm nguyên nhân bệnh thiếu tế bào hồng cầu (thiếu máu), thiếu tế bào bạch cầu (giảm bạch cầu), thiếu tiểu cầu (giảm tiểu cầu) trong máu. Ngoài ra, để tìm ra nguyên nhân của việc gia tăng một số lượng lớn các loại tế bào máu. Một số điều kiện có thể gây ra những bất thường về những dòng tế bào máu, chẳng hạn như:

  • Các bệnh bạch cầu.
  • Các bệnh rối loạn về máu.

Theo dõi đáp ứng điều trị bệnh bạch cầu.

Xác định thời gian tiến triển của u lympho hoặc ung thư.

Các xét nghiệm này được thực hiện như thế nào?

Mẫu tủy xương thường được lấy từ phần trên cùng của xương chậu. Đây là xương mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy ngay bên dưới mỗi bên eo. Thỉnh thoảng, xương lớn khác được sử dụng, chẳng hạn như xương ức.

Bạn sẽ được yêu cầu nằm trên một chiếc giường, nằm úp hay nghiêng 1 bên tùy thuộc vào vị trí chính xác bác sĩ lựa chọn để tiến hành. Vùng da trên xương lấy mẫu được làm sạch bằng chất khử trùng.

Sau đó, tiến hành tiêm một số thuốc gây tê cục bộ vào vùng da và mô trên xương. Điều này làm đau nhói một lúc đầu nhưng sau đó làm tê da. Một số người được dùng thuốc an thần trước khi tiến hành.

Để chọc hút dịch tủy xương: 1 cây kim được đẩy qua vùng da đã được gây tê vào trong xương. Một ống tiêm dùng để rút dịch tủy xương ra. Khi chất lỏng được rút ra, bạn có thể có một cơn đau nhói ngắn tại xương (đau lan ở mông và chân nếu chọc hút ở xương chậu).

Để làm sinh thiết tủy xương: một kim thứ 2 dày hơn, kim rỗng được đưa vào xương. Kim này vừa xoay quanh vừa đẩy nhẹ lên phía trước để lấy một mẫu nhỏ tủy xương vào phần rỗng giữa của kim. Điều này có thể gây ra một số cơn đau âm ỉ trong một thời gian ngắn. Kim sau đó được đưa ra và một miếng băng được ấn vào để ngăn chảy máu.

Sinh thiết và chọc hút tủy xương

Sau khi thực hiện xong

Bạn sẽ cần phải nằm trên một chiếc giường và có thể được theo dõi trong một giờ hoặc lâu hơn để kiểm tra xem bạn không bị chảy máu nghiêm trọng.

Bạn có thể thấy hơi khó chịu và bầm tím trên vị trí xét nghiệm trong một vài ngày, bạn có thể dùng thuốc giảm đau để bớt đau.

Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ thông báo cho bạn khi nào có kết quả xét nghiệm.

Nếu bạn dùng thuốc giảm đau, bạn sẽ tiếp tục cảm thấy lờ đờ trong vài giờ. Nếu bạn về nhà sau khi xét nghiệm và bạn đã dùng thuốc giảm đau:

  • Nên có ai đó đưa bạn về nhà.
  • Bạn không nên lái xe hoặc điều khiển bất kỳ phương tiện nào cần đến sự tập trung cẩn thận của bạn trong thời gian bạn cần nghỉ ngơi.
  • Nếu bạn sống một mình, nên có người ở cùng bạn vào buổi tối.

Trước khi xét nghiệm bạn cần được chuẩn bị những gì?

Trước khi tiến hành sinh thiết và chọc hút tủy xương, bạn có thể cần kiểm tra quá trình đông máu của bạn vẫn hoạt động đủ tốt. Điều này đảm bảo bạn không chảy máu quá nhiều khi làm sinh thiết.

Nếu bạn dùng thuốc có ảnh hưởng đến quá trình đông máu như aspirin hoặc warfarin, bạn có thể được tư vấn để ngưng dùng thuốc này hoặc giảm liều lượng xuống, khoảng một tuần trước khi xét nghiệm. (Bạn có thể cần thảo luận về việc sử dụng thuốc của bạn với bác sĩ nếu bạn sử dụng thuốc như vậy trong những điều kiện khác).

Hãy nói với bác sĩ của bạn nếu bạn có phản ứng với thuốc tê tại chỗ.

Bạn có thể cần ký vào một mẫu đơn chấp thuận về một số điểm trước quy trình này chứng tỏ rằng bạn hiểu về những vấn đề liên quan và nguy cơ nhỏ.

Sinh thiết tủy xương và chọc hút thì có những nguy cơ gì?

Các biến chứng là không phổ biến. Trong một số ít trường hợp, vị trí sinh thiết bị chảy máu. Trong những trường hợp này,chảy máu thường nhẹ và ngưng chảy máu nhanh chóng. Thỉnh thoảng, có trường hợp chảy máu nghiêm trọng hơn, và hiếm khi cần phải truyền máu để đối phó với tình trạng này. Có một nguy cơ nhỏ là vết thương nhỏ sẽ bị nhiễm trùng sau khi sinh thiết. Hiếm khi, kim sinh thiết gây tổn thương những cấu trúc lân cận.

Xem thêm: Xơ hoá tuỷ xương

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top