Một cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu, xảy ra khi máu tích tụ hoặc đông lại hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu của cơ thể. Theo Mayo Clinic, cục máu đông là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì chúng có thể di chuyển khỏi các tĩnh mạch và đi theo dòng máu đến phổi. Khi ở trong phổi, cục máu đông có thể gây cản trở hoạt động chức năng của phổi. Cục máu đông có thể phát triển trong tĩnh mạch bất cứ nơi nào trong cơ thể, bao gồm cả cánh tay. Nhận biết sớm các dấu hiệu về cục máu đông ở cánh tay sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng này.
Sưng tấy
Khi cục máu đông hình thành ở cánh tay thì tình trạng sưng ở các phần bị ảnh hưởng hoặc toàn bộ cánh tay là rất phổ biến. Sưng tấy xảy ra là do tình trạng viêm của các tĩnh mạch có chứa cục máu đông. Dấu hiệu tay bị sưng tấy rất dễ nhận biết bằng cách so sánh với tay còn lại. Sưng ở cổ cũng có thể xảy ra khi cục máu đông phát triển trong cánh tay, theo MayoClinic.
Da bị đỏ hoặc ấm nóng
Nhiều bệnh nhân nhận thấy vùng da gần khu vực nơi có cục máu đông sẽ trở nên nóng. Khi chạm tay vào khu vực này sẽ nhận thấy da ấm nóng hơn so với làn da bình thường. Ngoài ra vùng da này cũng có thể xuất hiện màu đổ và sưng tấy.
Đau nhức
Khi cục máu đông máu nặng hơn, bệnh nhân có thể bị đau nhức. Ban đầu cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ nhưng cũng trở nên rất đau theo thời gian. Cơn đau có thể giống như đau nhức cơ bắp hoặc cảm thấy đau sâu hơn, như kiểu đau khớp.
Các biến chứng
Trong trường hợp nghiêm trọng nhất khi các cục máu đông đi vào phổi, bệnh nhân có thể có khó thở. Một số người bị ho và trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể ho ra máu. Tim đập nhanh, đau ngực cũng có thể xảy ra. Nhiều bệnh nhân lại bị sốt và cảm thấy mệt. Nếu nghi ngờ có cục máu đông ở cánh tay, nên nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị vì các triệu chứng phức tạp của cục máu đông có thể phát triển nhanh chóng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh