✴️ Khi nào cần xét nghiệm viêm gan C sau khi phơi nhiễm?

Nên kiểm tra bao lâu sau khi phơi nhiễm?

Khi tiếp xúc với HCV, cần có thời gian để cơ thể nhận diện và bắt đầu sản xuất các kháng thể để chống lại virus. Kháng thể là các hóa chất được cơ thể sản xuất để đáp ứng với virus. Cơ thể bắt đầu giải phóng kháng thể sau khi HCV RNA được phát hiện.

Nếu thực hiện xét nghiệm quá sớm trong giai đoạn cửa sổ, kết quả có thể âm tính. Do đó, xét nghiệm kiểm tra lại sau đó có thể cần thiết trong một số trường hợp.

Những người bị nhiễm HCV sẽ có khả năng lây nhiễm cho người khác ngay cả khi bản thân chưa phát triển các triệu chứng. Nếu nghi ngờ rằng bản thân có thể đã nhiễm virus, nên nói chuyện với bác sĩ để xác định và khoảng thời gian xét nghiệm phù hợp.

Virus HCV lây truyền qua tiếp xúc với máu của người bị nhiễm trùng có thể được lan truyền qua:

  • Sử dụng chung kim và ống tiêm;
  • Quan hệ tình dục không an toàn hoặc có tiếp xúc với máu, dịch từ người bị nhiễm virus;
  • Mang thai qua truyền từ mẹ sang con;
  • Sử dụng và tái sử dụng các thiết bị y tế chưa được tiệt trùng;
  • Tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của một người bị nhiễm virus thông qua vết thương hở;
  • Truyền máu có nhiễm virus do nguồn không được sàng lọc;
  • Sử dụng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như dao cạo râu và bàn chải đánh răng có chứa máu của người mang mầm bệnh;
  • Xăm trổ hoặc xỏ khuyên ở các trung tâm không đảm bảo an toàn.

Virus HCV không thể lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước, ôm, hôn hoặc thức ăn hay đồ uống với người nhiễm virut.

Đối tượng nào nên xét nghiệm viêm gan C?

Một số người có nguy cơ mắc viêm gan C cao hơn bao gồm:

  • Những người có tiền sử sử dụng ma túy;
  • Những người đang chạy thận nhân tạo;
  • Những người có bệnh lý về gan hoặc chỉ số xét nghiệm chức năng gan bất thường;
  • Nhân viên y tế từng tiếp xúc với bệnh nhân hoặc dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HCV;
  • Những người nhiễm HIV hoặc có quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm HIV;
  • Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HCV.

Xét nghiệm viêm gan C

Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu kháng thể viêm gan C. Xét nghiệm kháng thể viêm gan C cho biết liệu cơ thể đã tạo ra bất kỳ kháng thể nào với HCV hay chưa. Nếu có, điều đó cho thấy rằng một người đã bị nhiễm virus.

Nếu có kết quả xét nghiệm không phản ứng hoặc âm tính, tức là người đó chưa từng mắc HCV. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm được đưa ra trong khoảng thời gian cửa sổ, kết quả có thể không chính xác.

Nếu đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm HCV trong vòng 6 tuần trước đó, có thể cần xét nghiệm lại để kiểm tra.

          xét nghiệm phơi nhiễm viêm gan C

Kết quả phản ứng hoặc dương tính cho bác sĩ biết một người đã bị nhiễm HCV và cơ thể đã tạo ra các kháng thể để chống lại virus. Tuy nhiên điều này chỉ có nghĩa là một người đã từng bị nhiễm virus chứ không có nghĩa rằng HCV vẫn còn hoạt động. Xét nghiệm axit nucleic cho axit ribonucleic (RNA) HCV giúp đo lượng virus trong máu sẽ cho biết tình trạng hoạt động của HCV hiện tại. Các xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm máu và sinh thiết gan, có thể cần thiết để xác định mức độ tổn thương gan.

6 chủng HCV khác nhau và mỗi loại đáp ứng với các phác đồ điều trị khác nhau. Xét nghiệm giúp tìm ra chủng virus mà một người mắc phải từ đó có thể để giúp các bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Triệu chứng

Mặc dù nhiều người bị mắc HCV không biểu hiện triệu chứng, một số người có thể gặp phải những triệu chứng sau đây sau khi bắt đầu phơi nhiễm:

  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Ăn mất ngon;
  • Buồn nôn, nôn hoặc đau bụng;
  • Nước tiểu sẫm màu hơn bình thường;
  • Phân màu xám;
  • Đau khớp;
  • Vàng da hoặc vàng mắt.

Nhiều người bị nhiễm HCV mạn tính có thể không biểu hiện triệu chứng cho đến khi tổn thương gan diễn ra.

Thời gian giữa lúc phơi nhiễm với virus và sự xuất hiện đầu tiên của các triệu chứng được gọi là thời gian ủ bệnh. Đối với viêm gan C, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 tuần đến 6 tháng. Tuy nhiên, trung bình các triệu chứng xảy ra sau khoảng 6 đến 7 tuần.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ nhiễm HCV nên:

  • Cẩn trọng trong quá trình sử dụng thuốc tiêm;
  • Tránh dùng chung kim tiêm, ống tiêm, nước hoặc các dụng cụ khác nếu tiêm thuốc;
  • Tránh dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân như dao cạo râu và bàn chải đánh răng;
  • Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa về máu và dịch cơ thể trong môi trường y tế;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Đảm bảo an toàn trong các hoạt động như xỏ khuyên, xăm mình hoặc châm cứu…

Tổng kết

Một số trường hợp mắc HCV tự phát hồi phục mà không cần điều trị. Nhiễm HCV cấp tính thường xảy ra trong vòng 6 tháng đầu sau khi tiếp xúc và có thể dẫn đến mãn tính. Trong số những người tiếp xúc với vi-rút, 15 – 45% sẽ hồi phục mà không cần điều trị trong khoảng thời gian này.

Đối với những trường hợp khác, việc điều trị là cần thiết. Nhiễm HCV mạn tính vẫn diễn tiến trong một thời gian dài. Nhiều bệnh nhân sống chung với viêm gan C trong suốt quãng đời còn lại và có thể dẫn đến những tổn thương gan đáng kể, bao gồm cả ung thư gan. Khoảng 60 đến 80% những người nhiễm HCV sẽ dẫn đến HCV mạn tính.

Hiện tại, không có vắc-xin viêm gan C. Tuy nhiên, vẫn có một số loại thuốc mới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt có thể cho phép lựa chọn trong điều trị nâng cao.

Xem thêm: Sống chung với virus viêm gan C

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top