✴️ Viêm mào tinh hoàn: Tổng quan và cách điều trị

Nội dung

Viêm mào tinh hoàn là gì?

Ở mặt lưng của các tinh hoàn có một cấu trúc dạng ống cuộn lại được gọi là mào tinh hoàn. Ống này chứa và vận chuyển tinh trùng, ngoài ra nó còn được liên kết với ống xuất tinh thông qua một ống khác được gọi là ống dẫn tinh. 
Viêm mào tinh hoàn xảy ra khi ống này bị đau, sưng to hay viêm.

Có 2 dạng viêm mào tinh hoàn:

Viêm mào tinh hoàn cấp xảy ra rất bất chợt, cơn đau và viêm tiến triển rất nhanh. Dạng này kéo dài ngắn hơn 6 tuần.

Viêm mào tinh hoàn mạn thì tiến triển chậm hơn và đau nhẹ hơn. Đây là một vấn đề mạn tính, kéo dài hơn 6 tuần. Nam giới ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Trong trường hợp tinh hoàn cũng bị viêm và đau, thì tình trạng này được gọi là viêm mào tinh hoàn và tinh hoàn.

Nguyên nhân

Sự lan rộng của nhiễm trùng thường gây ra viêm mào tinh hoàn. Tình trạng nhiễm trùng thường bắt đầu tại niệu đạo, tiền liệt tuyến hoặc bằng quang.

Hai loại nhiễm trùng thường gây viêm mào tinh hoàn nhất:

Nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục (STI)

Viêm mào tinh hoàn do STI, ví dụ như lậu hay chlamydia, thường hay gặp nhất ở hững người nam trẻ và dị tính; đặc biệt là đối với những người có nhiều bạn tình và không sử dụng bao cao su.

Những trường hợp viêm mào tinh hoàn mà không do STI thì ít gặp hơn.

Nhiễm trùng đường niệu (UTI)

Viêm mào tinh hoàn do nhiễm trùng đường niệu thường gặp ở trẻ em, người lớn tuổi và những người có quan hệ tình dục đồng giới. Những yếu tố sau thường hay gây ra nhiễm trùng đường niệu ở nam giới:

  • Tiền liệt tuyến to đè ép vào bàng quang.
  • Đưa ống vào dương vật.
  • Phẫu thuật vùng bẹn, bàng quang hay tuyến tiền liệt.

Viêm mào tinh ở trẻ em

Mặc dù viêm mào tinh hoàn hiếm gặp ở trẻ em. Thường thì sự nhiễm trùng sẽ lây lan từ niệu đạo hay bàng quang.

Sự viêm nhiễm thường tiến triển từ các tình trạng sau:

  • Chấn thương trực tiếp
  • Xoắn mào tinh hoàn
  • Nước tiểu chảy ngược vào mào tinh hoàn.

viêm mào tinh hoàn

Những nguyên nhân khác

Vẫn có một vài nguyên nhân ít gặp khác của viêm mào tinh hoàn như:

  • Quai bị
  • Lao
  • Sử dụng amiodarone liều cao, thường dùng để điều trị các vấn đề của rối loạn nhịp tim.
  • Chấn thương vùng háng.
  • Bất thường cấu trúc đường tiết niệu.
  • Bệnh Behcet
  • Vấn đề bẩm sinh của thận và bàng quang.

Triệu chứng

Viêm mào tinh hoàn sẽ gây đau ở tại 1 hoặc cả 2 tinh hoàn. Vùng bị ảnh hưởng cũng sẽ sưng đỏ và có cảm giác ấm lúc chạm vào. Nếu không được điều trị, tình trạng sẽ trở nên càng lúc càng nặng.

Các triệu chứng khác:

  • Sốt.
  • Lạnh run
  • Cảm giác nặng vùng tinh hoàn bệnh
  • Tinh hoàn to
  • Tinh hoàn bệnh rất nhạy cảm
  • Đau vùng bụng hoặc chậu
  • Mắc tiểu liên tục
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Có dịch tiết ra ở đầu dương vật
  • Tiểu máu
  • Đau khi xuất tinh hay quan hệ tình dục.
  • Dịch tích tụ xung quanh tinh hoàn có thể trong giống u nhú.

Triệu chứng thường phụ thuộc vào nguyên nhân của viêm mào tinh hoàn. Ví dụ như, dịch tiết ra ở đầu dương vật có nhiều khả năng là do STI, còn mắc tiểu liên tục có thể là do hậu quả của nhiễm trùng đường niệu.

Triệu chứng của viêm mào tinh hoàn đôi khi giống với triệu chứng của xoắn tinh hoàn, tình trạng tinh hoàn bị vặn xoắn, máu nuôi bị gián đoạn và cần phải được cấp cứu ngay.

Do đó, nếu gặp phải những triệu chứng như trên thì nên gặp bác sĩ ngay lập tức.

Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm:

  • Cảm giác khó chịu ở vùng bụng dưới hay vùng chậu.
  • Bìu có vùng sưng, đỏ hoặc đau.
  • Có dịch tiết ra từ niệu đạo.
  • Sốt.

Chẩn đoán

Thường rất khó để phân biệt viêm mào tinh hoàn và xoắn tinh hoàn, nhất là ở nam giới trẻ tuổi.

Đôi cả viêm mào tinh hoàn và xoắn tinh hoàn có thể xảy ra cùng một lúc.

Bác sĩ sẽ thực hiện thêm một vài xét nghiệm và kiểm tra khác để xác định nguyên nhân, bao gồm:

  • Thăm khám hậu môn trực tràng, bác sĩ sẽ dùng một ngón tay đưa vào hậu môn của bệnh nhân để khám xem tuyến tiền liệt có to hay không.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Xét nghiệm lậu và chlamydia qua mẫu nước tiểu
  • Siêu âm, để xác định xem có xoắn tinh hoàn không.
  • Các tiền căn bệnh lý khác.

Điều trị

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm mào tinh hoàn. Nếu như là nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cho điều trị bằng kháng sinh.

Nếu như là do STI, bệnh nhân cũng cần phải kiêng quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thêm thuốc giảm đau và kháng viêm, ví dụ như ibuprofen, để giảm đau và sưng.

Thêm nữa, bệnh nhân còn có thể thực hiện thêm những việc sau để làm giảm sự khó chịu:

  • Nằm nghỉ với vùng bìu được nâng đỡ lên.
  • Chườm đá lên vùng đau.
  • Đeo dụng cụ nâng đỡ tinh hoàn

Nhìn chung, sau khi bắt đầu điều trị khoảng 1-3 ngày, cơn đau sẽ bắt đầu dịu đi. Tuy nhiên một vài triệu chứng khác có thể tiếp tục trong khoảng vài tháng.

Ở những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể sẽ phải nhập viện và cần được phẫu thuật.

Bệnh nhân cũng cần tái khám thường xuyên để chắc chắn rằng tình trạng nhiễm trùng đã hết.

điều trị viêm mào tinh hoàn

Hồi phục và tổng quan

Ở đại đa số trường hợp, viêm mào tinh hoàn sẽ được chữa khỏi hoàn toàn với kháng sinh và nghỉ ngơi, không có biến chứng mạn nào với tình dục và cơ quan sinh sản. Tuy nhiên bệnh có thể tái phát, và một vài biến chứng cũng có thể có như:

  • Áp xe vùng bìu
  • Viêm mào tinh hoàn mạn
  • Hở da bìu
  • Hoại tử mô tinh hoàn do thiếu máu.
  • Vô sinh

Viêm mào tinh hoàn mạn

Đối với trường hợp viêm mào tinh hoàn mạn, bác sĩ sĩ không điều trị bằng kháng sinh do viêm xảy ra không phải do nhiễm trùng.

Biện pháp điều trị bao gồm:

  • Thường xuyên tắm nước ấm.
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid.
  • Thuốc dãn cơ và gây nhiễu tính hiệu thần kinh.
  • Tiêm thuốc tê có steroid vào bìu
  • Phẫu thuật cắt mào tinh hoàn bệnh.
  • Các liệu pháp quản lý stress.

Có thể bạn quan tâm: Tinh hoàn ẩn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top