Có ba dây thần kinh vận động nhãn cầu (các dây III, IV, VI) trực tiếp chi phối các cơ vận động ngọai bộ của nhãn cầu và vận động nội bộ (đồng tử, cơ mi) của nhãn cầu.
Họat động của hai mắt luôn được phối hợp một cách nhịp nhàng, có hệ thống – do đó hai mắt có thể phối hợp cùng nhìn ngước lên trên hay nhìn xuống dưới, có thể cùng nhìn liếc qua phải hay qua trái. Tất cả những cử động đó được điều khiển của các trung tâm trung ương ở những vị trí khác nhau : trung điểm trên nhân ở thân não, ở não giữa và ở vỏ não. Đó là các trung điểm Perlia (chức năng quy tụ), Darchwitz (liếc dọc), Foville (liếc ngang), các trung tâm phản xạ (ở não giữa) với các củ sinh tư làm phản xạ thính thị giác (qua các bó mái-gai), với các nhân tiền đình (sự phối hợp giữa tư thế và vị trí của đầu với vị trí của đôi mắt (cắt nghĩa rung giật nhãn cầu), các trung điểm ở tiểu não ở vỏ não – trung tâm tâm thần quay mắt quay đầu ở diện 8, trung tâm thị giác quay mắt quay đầu ở gần nếp cong có liên hệ với diện 18, 19, trung tâm thính giác quay mắt quay đầu ở cạnh diện thính giác, diện 21, các trung tâm khác ở diện vận động…
Liệt chức năng của sự nhìn là liệt sự phối hợp vận động của cả hai nhãn cầu, trái lại với liệt đơn độc của các dây thần kinh sọ vận động nhãn cầu. Khi những trung điểm phối hợp vận nhãn bị tổn thương, chức năng liếc ngang, liếc dọc hoặc quy tụ bị liệt mặc dù cácdây thần kinh vận nhãn không bị tổn thương. Nếu ở vỏ não bị tổn thương thì những phản xạ liếc ngang liếc dọc còn tốt nhưng không còn động tác kết hợp hữu ý.
Hội chứng – Lâm sàng.
Thường có kèm theo hội chứng tháp.
Kích thích ở vùng quay mắt quay đầu gây hiện tượng quay mắt quay đầu về bên đối diện với ổ tổn thương – định luật Landouzy. Hiện tượng này thường xảy ra trong một cơn động kinh, có thể gây nên do một tổn thương mạn tính (di chứng viêm não..) do tổn thương tiến triển tăng dần (u màng não.. u não) hay do tổn thương cấp tính ( viêm màng não, viêm não, chảy máu màng não…)
Hủy hoại ở vùng quay mắt quay đầu gây hiện tượng ngược lại – người bệnh “nhìn” về bên tổn thương tránh nhìn bên liệt. Thường xảy ra trong trường hợp hôn mê tai biến mạch máu não (nhồi máu não…)
Tổn thương ở phần ba trên của cầu não gây hội chứng Foville chéo, tổn thương ở dưới cầu não gây hội chứng Foville thẳng.
Người ta không biết rõ đường đi của những bó này nhưng về mặt lâm sàng người ta nhận thấy có các trạng thái sau, các cơn quay mắt và các cơn quay mắt quay đầu. Các cơn này kéo dài từ vài phút cho tới vài ngày: cơn quay về một hướng nào đó, có thể nhìn chếch hướng lên trên, cũng có khi nhìn thẳng không chớp mắt…
Đó là các vị trí các củ sinh tư, các nhân tiền đình, có rối loạn chức năng nhìn hữu ý và mất các phản xạ nhìn theo, phản xạ định hướng và biểu hiện tiền đình (rung giật nhãn cầu)
Các hội chứng Foville ở một bên, có thể có Foville thẳng, Foville chéo và mất các phản xạ tự động hữu ý. Đó là các biểu hiện bệnh lý của tổn thương trung ương ở trong trục thần kinh, nhât là ở vùng cầu não ( u não, viêm nhiễm …)
Các hội chứng Foville hai bên : nhìn thường xuyên cố định, không nhúc nhích. Cần phân định với liệt vận động nhãn cầu hoàn toàn bởi vì ở đây vẫn còn chức năng quy tụ và liếc dọc.. Có thể gặp ở viêm nhiễm , ở tai biến mạch máu não, ở u não nhất là u thân não tùy theo trình tự xuất hiện có thể chẩn đoán và tiên lượng một cách chính xác.
Thực tế lâm sàng có trường hợp ban đầu có hội chứng Milliard-Gubber trái, sau đó có Foville phải, người bệnh ngày một nhức đầu và có phù gai mắt. Cuối cùng cho ta thấy U cầu não trái lan dần sang phải lồi ra não thất làm tác nghẽn lưu thông dịch não tủy, gây hội chưng Milliard-Gubber phải… và tử vong.
Có thể bạn quan tâm: Liệt chi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh