✴️ Điều trị gãy xẹp, lún đốt sống

Xem lại: Gãy xẹp, lún đốt sống

Điều trị không phẫu thuật gãy xẹp – lún đốt sống

Thông thường, bệnh nhân bị đau nhiều do gãy xẹp đốt sống được điều trị bằng nằm nghỉ tại giường, dùng thuốc, nẹp hoặc phẫu thuật cột sống có xâm lấn, thường có hiệu quả hạn chế. Đau sau gãy cột sống cấp tính một phần là do cột sống mất vững tại vị trí gãy. Đau liên quan đến gãy xẹp đốt sống có thể hồi phục tự nhiên sau 3 tháng. Tuy nhiên, cơn đau thường giảm đáng kể chỉ sau vài ngày hay vài tuần.

Bệnh nhân có thể được khuyên nghỉ ngơi tại giường trong một thời gian ngắn. Sau đó chỉ giới hạn một số hoạt động. Tuy nhiên, nên tránh bất động kéo dài.

Các thuốc giảm đau OTC (thuốc không cần kê toa) thường có hiệu quả giảm đau. Cả Acetaminophen và thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) đều được khuyên dùng. Thuốc giảm đau gây nghiện và các thuốc giãn cơ cũng thường được kê toa nhưng chỉ trong thời gian ngắn, do nguy cơ gây nghiện của nó.

Có thể dùng nẹp lưng để nâng đỡ bên ngoài nhằm hạn chế cử động tại chỗ gãy, tương tự như tác dụng bó bột cho chân gãy. Loại nẹp lưng cứng có thể hạn chế cử động cột sống khá tốt, nhờ đó giúp giảm đau.

Trong khi điều trị ngay lập tức rất cần thiết nhằm giảm đau và giảm nguy cơ gãy, việc phòng ngừa gãy sau đó cũng rất quan trọng. Bác sĩ có thể kê toa các thuốc hỗ trợ xương như Biphosphonates (ví dụ: Actonel, Boniva, và Fosamax) nhằm giúp ổn định và phục hồi xương gãy.

Nếu điều trị bảo tồn được chứng mình là không hiệu quả, có 2 phương pháp xâm lấn tối thiểu, gọi là tạo hình đốt sống (vertebroplasty) và tạo hình gù (kyphoplasty). Các tiến bộ hiện nay trong các kĩ thuật điều trị đã làm giảm sự cần thiết của phẫu thuật xâm lấn trong nhiều trường hợp.

Tạo hình đốt sống

Kĩ thuật này có thể được thực hiện với gây tê tại chỗ và thuốc an thần tiêm tĩnh mạch hoặc gây mê toàn thân. Với hướng dẫn của tia X, một kim nhỏ chứa xi-măng xương acrylic với công thức đặc biệt được tiêm vào đốt sống bị xẹp. Xi-măng sẽ cứng lại trong vòng vài phút, tạo độ vững chắc và ổn định cho đốt sống bị gãy. Hầu hết các chuyên gia cho rằng bệnh nhân có thể giảm đau nhờ tác dụng nâng đỡ cơ học và tính vững chắc của xi-măng xương.

Tạo hình vùng gù (hay Tạo hình đốt sống có bóng)

Một kĩ thuật mới hơn, gọi là tạo hình vùng gù, liên quan đến một kĩ thuật được thực hiện trước khi tiêm xi-măng vào đốt sống. Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch 2 vết nhỏ và đặt một đầu dò vào khoang đốt sống bị gãy. Xương được khoan và một bong bóng (gọi là đệm xương) được chèn vào mỗi bên. Sau đó, hai bong bóng được bơm phồng với chất cản quang (là chất có thể thấy được dưới tia X) cho đến khi nó giãn ra đến độ cao mong muốn và được lấy ra. Sau đó, khoảng trống tạo bởi bong bóng sẽ được lấp đầy bằng xi-măng. Tạo hình vùng gù có thêm lợi ích là phục hồi chiều cao cột sống.

Các bệnh nhân với các tiêu chuẩn sau có thể được xem xét tạo hình đốt sống hoặc tạo hình vùng gù:

  • Gãy xẹp đốt sống do loãng xương ở bất kỳ vùng nào của cột sống, đã gãy trên 2 tuần, gây đau vừa đến đau nặng, và không đáp ứng với điều trị bảo tồn.
  • Ung thư di căn gây đau và đa u tủy (multiple myelomas)
  • U máu đốt sống gây đau (lành tính, u dị dạng mạch máu tạo thành từ các mạch máutân tạo)
  • Hoại tử xương đốt sống (vertebral osteonecrosis) (một tình trạng do thiếu máu nuôi một vùng xương, làm xương chết)

Củng cố thân xương sống bị yếu do bệnh lý trước phẫu thuật ổn định xương

Không nên thực hiện các kĩ thuật này đối với các bệnh nhân với bất kỳ tiêu chuẩn nào dưới đây:

  • Gãy xẹp đốt sống lành hoàn toàn hoặc đáp ứng hiệu quả với điều trị bảo tồn
  • Gãy xẹp đốt sống đã trên 1 năm
  • Xẹp trên 80 – 90% thân đốt sống
  • Cong cột sống (như gù, vẹo) do các nguyên nhân khác loãng xương
  • Hẹp ống sống (spinal stenosis) hoặc thoát vị đĩa đệm có chèn ép thần kinh hoặc tủy sống và mất chức năng thần kinh không liên quan với gãy xẹp đốt sống
  • Bệnh rối loạn đông máu không được điều trị
  • Viêm xương – tủy xương (osteomyelitis) (thường do vi khuẩn)
  • Viêm đĩa điệm (là tình trạng viêm đĩa đệm hoặc khoang đĩa đệm không do vi khuẩn)
  • Ống sống bị chèn ép đáng kể do mảnh xương vỡ hoặc u

Tỉ lệ biến chứng của tạo hình đốt sống và tạo hình vùng gù ước tính dưới 2% đối với gãy xẹp đốt sống do loãng xương và 10% đối với gãy xẹp đốt sống do ung thư ác tính. Lợi ích của điều trị phẫu thuật cần luôn cân nhắc cẩn thận so với nguy cơ. Mặc dù một tỉ lệ lớn bệnh nhân ghi nhận giảm đau đáng kể sau 2 kĩ thuật này, nhưng không đảm bảo rằng phẫu thuật có ích cho tất cả mọi người.

Xem thêm: Hẹp ống sống thắt lưng

Tìm hiểu thêm: Thuốc và phương pháp điều trị loãng xương

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top