1. Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là một bệnh lý gan – mật thường gặp. Sỏi được hình thành từ sự lắng đọng bất thường của các thành phần trong dịch mật như cholesterol, acid mật, bilirubin… Sỏi mật có thể có một hoặc nhiều viên sỏi và có thể nằm trong túi mật (sỏi túi mật), ống mật chủ (sỏi ống mật chủ) hoặc trong các ống gan (sỏi đường mật trong gan).
2. Những triệu chứng điển hình của bệnh
Triệu chứng sỏi mật ở mỗi người bệnh là không giống nhau. Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí, kích thước của sỏi mà những dấu hiệu bệnh cũng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh sỏi mật thường gây ra các triệu chứng điển hình sau:
- Người bệnh luôn cảm thấy bị đầy bụng, buồn nôn, khó chịu.
- Nước tiểu có màu vàng đậm, sẫm hơn bình thường.
- Cơ đau vùng thượng vị xuất hiện thường xuyên. Đau đau âm ỉ, kéo dài nhiều giờ. Đặc biệt đau nhiều sau khi ăn, kể cả khi đi ngủ.
- Vàng da, vàng mắt: tùy theo mức độ tiến triển của bệnh.
- Người bệnh có thể sốt cao trên 38 độ kèm theo cảm giác ớn lạnh, vã mồ hôi nhiều. Bởi do viêm túi mật hoặc nhiễm trùng đường mật.
Những biểu hiện bất thường khi đi tiểu là triệu chứng ban đầu của bệnh sỏi mật
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh sỏi mật
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 20% sỏi phát triển triệu chứng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì sỏi mật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Gây tắc ống dẫn mật: Sự tồn tại của các viên sỏi sẽ chiếm diện tích lòng ống dẫn mật gây tình trạng tắc nghẽn. Từ đó cản trở quá trình lưu thông dịch mật từ gan tới túi mật, ống mật chủ, xuống tá tràng,…
- Gây thủng đường mật: Ở nhiều trường hợp, các viên sỏi với nhiều góc cạnh và kích thước lớn. Khi chúng được di chuyển theo dòng lưu thông của dịch mật sẽ gây ra những cọ sát vào thành đường mật gây thủng đường mật.
- Gây rối loạn tiêu hóa: Sỏi mật gây tắc nghẽn đường dẫn mật khiến dịch mật không thể lưu thông xuống tá tràng. Quá trình tiêu thụ thức ăn ở ruột già bị ảnh hưởng. Chính vì thế, người bệnh sẽ bị đầy bụng, táo bón, đau bụng,…
- Gây nhiễm trùng ổ bụng: Trường hợp này xảy ra khi đường mật bị thủng và dịch mật bị tràn ra ổ bụng, vào các tạng xung quanh. Điều này vô cùng nguy hiểm. Người bệnh có thể nguy kịch tới tính mạng, thậm chí dẫn tới tử vong.
4. Bệnh sỏi mật có chữa được không và các phương pháp điều trị bệnh?
4.1. Người mắc bệnh sỏi mật có chữa được không?
Theo ý kiến của bác sĩ, bệnh sỏi mật hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách.
4.2. Phương pháp điều trị bệnh:
Với sỏi mật không có triệu chứng có thể không cần can thiệp. Trong trường hợp sỏi mật gây đau đớn kéo dài hoặc gây những biến chứng nguy hiểm khác thì người bệnh cần được điều trị. Điều trị sỏi mật có nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào kích thước, vị trí của sỏi, các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Điều trị sỏi túi mật:
- Dùng thuốc: áp dụng với sỏi cholesterol kích thước dưới 1,5 cm; thời gian kéo dài từ 6 – 24 tháng. Các thuốc này thường có tác dụng phụ gây loét đường tiêu hóa và sỏi vẫn có thể tái phát sau một thời gian điều trị.
- Phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật: chỉ định khi sỏi túi mật kích thước lớn, gây đau nhiều và làm viêm túi mật. Hiện nay, phương pháp này đang được áp dụng rất phổ biến trong điều trị sỏi túi mật. Bởi có nhiều ưu điểm vượt trội như rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế được các biến chứng sau mổ, hạn chế đau đớn và người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau mổ.
- Phẫu thuật mổ mở cắt túi mật: được chỉ định trong trường hợp mổ nội soi thất bại. Người bệnh bị viêm mủ túi mật hoặc một số trường hợp đặc biệt không thể mổ nội soi.
Điều trị sỏi trong gan và sỏi ống mật chủ:
- Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở lấy sỏi: áp dụng khi sỏi quá lớn và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
- Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc để điều trị ổn định như thuốc kháng sinh, thuốc lợi mật, thuốc chống co thắt cơ trơn,… nhằm cải thiện triệu chứng trước khi có chỉ định điều trị tiếp theo.
5. Biện pháp ngăn ngừa sỏi mật
Sỏi mật có tính chất tái phát nên việc phòng bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để có thể ngăn ngừa rủi ro sau phẫu thuật, người bệnh cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tạo thành sỏi. Đồng thời xây dựng cho mình một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh giúp phòng sỏi mật tái phát.
Chế độ ăn uống khoa học kết hợp với lối sống lành mạnh giúp giảm tỷ lệ tái phát sỏi mật sau điều trị
5.1 . Kiểm soát các yếu tố nguy cơ:
Các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, mỡ máu, bệnh về gan mật… là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự hình thành sỏi. Vì thế, những người thuộc nhóm trên cần điều trị tốt các yếu tố nguy cơ và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để có sức khỏe tốt.
5.2. Xây dựng lối sống lành mạnh:
Một lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý rất cần thiết lúc này. Với người bị sỏi mật, dù trước hay sau điều trị cũng cần:
- Uống đủ từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày giúp hệ tiết niệu hoạt động hiệu quả đồng thời ngăn chặn nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh hòa hoa quả tươi, những loại thực phẩm giàu chất xơ.
- Hạn chế đồ ăn nhiều cholesterol, chất béo bão hòa. Thay thế bằng các loại chất béo thực vật có trong các loại quả và hạt.
- Ăn đúng bữa, đúng giờ. Tuyệt đối không bỏ bữa, đặc biệt là cần đảm bảo bữa sáng đủ chất.
- Giữ cân nặng ổn định trong giới hạn cho phép. Không giảm cân đột ngột bằng chế độ ăn uống khắc nghiệt.
- Giữ tâm lý thoải mái. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày kết hợp với chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chủ động đến bệnh viện kiểm tra khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn…. Bởi đây có thể là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh.
Như vậy, người đang mắc bệnh sỏi mật không nên quá lo lắng về vấn đề bệnh sỏi mật có chữa được không? Vì nếu bệnh được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp thì căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa được.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp