✴️ Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không?

Nội dung

“Thập nhân cửu trĩ” – không phải tự nhiên mà câu nói này xuất hiện, điều này cho thấy mức độ phổ biến của trĩ là rất lớn. Vì vậy, câu hỏi “Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không? Điều trị trĩ như thế nào?” luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm.

 

1. Nguy cơ gây bệnh và dấu hiệu nhận biết trĩ

Việc tìm hiểu về những nguy cơ gây mắc trĩ và các dấu hiệu nhận biết trĩ sẽ giúp mọi người chủ động biết cách đề phòng cũng như phát hiện bệnh một cách sớm nhất có thể, từ đó mang lại nhiều lợi ích trong việc điều trị dứt điểm trĩ.

1.1. Yếu tố nguy cơ gây mắc trĩ

– Táo bón hoặc tiêu chảy là nguyên nhân phổ biến làm tăng tần suất bệnh trĩ. Việc cố rặn khi đi đại tiện sẽ làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn, gây căng giãn và ứ máu.

– Chế độ ăn ít chất xơ.

– Thừa cân và béo phì.

– Các hoạt động làm gia tăng áp lực ổ bụng làm cản trở sự hồi lưu máu về tim dẫn đến giãn tĩnh mạch hậu môn và tăng nguy cơ trĩ. Đối tượng có nguy cơ cao xảy ra ở những người thường xuyên lao động nặng như vận động viên, người lao động chân tay hay phải khuân vác nặng,…, đứng lâu, ngồi nhiều như dân văn phòng, thư ký, thợ may,..

– U vùng tiểu khung bao gồm u ở tử cung, u đại trực tràng và mang thai nhiều tháng làm cản trở hồi lưu máu về tim gây giãn tĩnh mạch.

1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ

Bệnh trĩ rất phổ biến, nhất là ở người lớn tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa dần khi những người trẻ tuổi bị trĩ ngày một nhiều. Đôi khi, trĩ không gây ra triệu chứng rõ ràng nhưng có thể nhận biết nếu gặp tình trạng ngứa ngắn, khó chịu và chảy máu ở vùng hậu môn.

Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ có thể bao gồm:

– Chảy máu, gây đau khi đi tiêu. Có thể thấy một lượng nhỏ máu tươi trên khăn giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu sau mỗi lần đi vệ sinh

– Cảm giác ngứa hoặc kích thích da ở vùng hậu môn

– Đau nhiều, khó chịu và bị sưng quanh hậu môn

– Xuất hiện một khối u gần hậu môn, có thể sờ thấy và gây đau đớn.

Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không

Nhận biết các nguy cơ mắc trĩ cũng như dấu hiệu của trĩ sẽ giúp người bệnh sớm đề phòng và phát hiện bệnh tốt hơn

 

2. Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không?

Với trường hợp được phát hiện bệnh sớm, thì việc điều trị trở nên dễ dàng và khả năng chữa dứt điểm trĩ cũng sẽ cao hơn. Ngược lại, khi phát hiện muộn, bệnh đã trở nặng kèm theo các triệu chứng rõ ràng thì sẽ rất khó khăn để thoát trĩ hoàn toàn, trĩ có thể tái đi tái lại hoặc gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy nếu được tầm soát sớm, nhận biết trĩ sớm, điều trị kịp thời thì bệnh trĩ có thể được chữa dứt điểm hoàn toàn.

Bên cạnh đó sau khi điều trị thành công, người bệnh cũng phải duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý để ngăn chặn các nguy cơ trĩ tái lại. Đặc biệt là truy tìm căn nguyên gây ra trĩ để xử lý tận gốc. Chẳng hạn nếu trĩ do ăn ít chất xơ, lười vận động thì cần điều chỉnh cách ăn uống, vận động hàng ngày. Tương tự nếu trĩ là hậu quả của một bệnh lý nào đó như u đại trực tràng thì cần điều trị hiệu quả bệnh lý này.

Như vậy kết hợp giữa việc điều trị sớm, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và xử lý tận gốc nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp chúng ta có thể thành công thoát khỏi sự đeo bám của trĩ.

Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không? và giải đáp

Bệnh trĩ hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm nếu như phát hiện sớm, điều trị kịp thời kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp và xử lý tận gốc nguyên nhân gây bệnh

 

3. Các phương pháp điều trị

Hiện nay, với sự phát triển của y học tiên tiến, rất nhiều phương pháp chữa trĩ ra đời bao gồm điều trị nội khoa, điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật cắt trĩ,… Tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp để đem lại hiệu quả chữa trĩ cao nhất.

Các phương pháp điều trị phổ biến được lựa chọn bao gồm:

3.1. Phương pháp điều trị nội khoa

Người bệnh thường được hướng dẫn lựa chọn các loại thuốc mỡ hoặc thuốc đặt để bôi lên vùng da bị tổn thương ở khu vực hậu môn, thuốc sẽ có tác dụng tại chỗ giúp thuyên giảm các triệu chứng, giảm đau, giảm ngứa, chống viêm nhiễm,… Ngoài ra có thể kết hợp cùng thuốc uống tùy theo trường hợp cụ thể.  Tuy nhiên việc điều trị nội khoa chỉ giảm bớt các triệu chứng chứ không thể điều trị triệt để trĩ, nhất là khi trĩ đã ở mức độ nặng.

Phương pháp điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc chỉ làm giảm các triệu chứng chứ không có thể giúp thoát trĩ hoàn toàn

 

3.2. Điều trị trĩ can thiệp thủ thuật

Thắt búi trĩ bằng dây thun

Bác sĩ sẽ sử dụng vòng cao su rồi lồng vào cổ búi trĩ, sau đó thắt nghẹt lại để máu không thể tới nuôi búi trĩ. Khi đó, búi trĩ sẽ bắt đầu hoại tử, tự teo lại và rụng.

Chích xơ búi trĩ

Hiện nay, phương pháp chích xơ búi trĩ đang được nhiều cơ sở y tế trong cả nước áp dụng nhưng với những loại thuốc và kỹ thuật chích xơ khác nhau. Tuy nhiên, với các trường hợp bị trĩ nội nặng và sa niêm mạc, trĩ vòng, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp thì thủ thuật này thường không được chỉ định vì lo sợ người bệnh có thể bị đau đớn do tiêm hoặc gặp phải các biến chứng khác như trĩ sa, chảy máu sau tiêm,… khi đó cần xem xét tình trạng bệnh chi tiết mới có thể đưa ra kết luận chính xác.

Tiêm búi trĩ 

Đây là phương pháp đơn giản, an toàn và tỷ lệ tai biến thấp. Tiêm búi trĩ không gây ra nhiều đau đớn, không phải mất máu, không cần nằm viện và đặc biệt là không phải dùng các hoạt động trong thời gian điều trị.

Lưu ý: các phương pháp này hiện nay ít được áp dụng do nguy cơ tái phát cao, có trường hợp trĩ tái lại sau 3 – 6 tháng điều trị. Ngoài ra còn tiềm ẩn một số biến chứng như chảy máu hậu môn, nhiễm trùng…

3.3. Phẫu thuật cắt trĩ

Phẫu thuật được áp dụng đối với trĩ nặng độ III, độ IV. Điều trị bằng phẫu thuật được đánh giá là phương pháp điều trị trĩ triệt để nhất, mang lại hiệu quả cao và khả năng tái phát thấp. Phẫu thuật có thể được chỉ định với mọi loại trĩ. Trước đây mổ trĩ là nỗi ám ảnh với nhiều người bệnh bởi cơn đau sau mổ và cần rất nhiều thời gian để hồi phục.

Sự phát triển của y học hiện đại đã tạo ra nhiều phương pháp phẫu thuật ít xấm lấn, giúp xử lý búi trĩ hiệu quả đồng thời giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân. Phẫu thuật cắt trĩ theo phương pháp Longo là một ví dụ nổi bật. Với phương pháp này, người bệnh rất ít đau sau mổ do các thao tác phẫu thuật được thực hiện ở vùng không có cảm giác đau. Tốc độ phục hồi sức khỏe cũng nhanh hơn, bệnh nhân không cần phải nằm viện lâu, sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi: Bệnh trĩ có chữa dứt điểm được không? thì câu trả lời được đưa ra là có thể. Để nâng cao tỷ lệ điều trị trĩ thành công thì chúng ta cần chủ động thăm khám, điều trị sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ. Đừng quên xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý. Đặc biệt cần xác định nguyên nhân gây ra trĩ để có biện pháp điều trị tận gốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top