✴️ Cắt búi trĩ có đau không? – Góc giải đáp

Hậu môn là khu vực nhạy cảm, khiến người bệnh e ngại trong việc điều trị – đặc biệt là khi phải mổ. Cắt búi trĩ có đau không là điều bệnh nhân nào cũng lo lắng và băn khoăn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết.

 

1. Giải đáp cắt búi trĩ có đau không?

1.1. Lý giải tình trạng đau sau khi mổ cắt trĩ

Thông thường, cắt búi trĩ thường bị đau sau khi mổ. Các phương pháp mổ truyền thống thường cắt gần mép hậu môn và lấy trĩ ra ngoài khiến bệnh nhân rất đau. Vết thương này cũng lâu lành. Hậu môn là khu vực khá nhạy cảm, thường phải chịu tác động do người bệnh vẫn phải đi đại tiện sau phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân dễ bị đau đớn bởi các yếu tố về nhiễm khuẩn do khuân và rối loạn đại tiểu tiện.

Tuy nhiên, cơn đau cắt trĩ hiện nay đã được khắc phục bằng các giải pháp hiện đại hơn. Tiêu biểu với phương pháp Longo – được coi là một bước tiến mới trong việc điều trị trĩ cấp độ nặng. Phương pháp này khắc phục được phần lớn các nhược điểm so với các phương pháp truyền thống.

1.2. Phương pháp cắt trĩ Longo ít đau

Cụ thể, phương pháp Longo sẽ phẫu thuật nội soi khâu vòng bằng máy bấm. Bác sĩ sẽ sử dụng súng tự động để cắt và khâu ở bên trong lỗ hậu môn, tại khu vực vô cảm. Điều này rất quan trọng vì bệnh nhân sẽ bớt đau rất nhiều khi thực hiện phẫu thuật ở vùng vô cảm. Mục đích của phương pháp là cắt khoanh niêm mạc trên đường lược nhằm cắt đi sự tiếp tế của máu đến các khối tĩnh mạch. Từ đó, các búi trĩ bị teo lại. Bác sĩ cũng tiến hành khâu treo hai đầu niêm mạc đã cắt. Quá trình này giúp búi trĩ sẽ không bị sa ra ngoài.

Ca phẫu thuật bằng Longo được thực hiện nhanh chóng hơn rất nhiều so với mổ truyền thống. Bệnh nhân chỉ mất tầm 30 phút ở trong phòng mổ và không phải nằm viện quá lâu. Vết thương sau khi về nhà cũng rất chóng hồi phục. Thường chưa đến 1 tuần là bệnh nhân đã trở lại sinh hoạt bình thường.

Đặc biệt, phẫu thuật Longo có thể áp dụng cho:

– Đa đối tượng, kể cả người bị huyết áp, tiểu đường…

– Đa búi trĩ, kể cả trĩ nội, trĩ ngoại và các búi trĩ hỗn hợp cấp độ nặng.

Như vậy, việc cắt búi trĩ có đau không phụ thuộc vào việc lựa chọn phương pháp và chuyên môn của bác sĩ. Ngày nay, việc sử dụng cắt trĩ bằng phương pháp Longo đang được ứng dụng khá phổ biến. Người bệnh lưu ý tìm đến các địa chỉ uy tín để được tư vấn và giải đáp. Đồng thời, để thực hiện phương pháp hiệu quả và an toàn nhất.

 

2. Làm gì sau cắt trĩ để bớt đau và chóng lành?

Bên cạnh việc phương pháp mổ trĩ ít đau như Longo, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp sau để giảm bớt sự khó chịu.

2.1. Dùng thuốc giảm đau

Sau khi xuất viện, người bệnh được chỉ định các loại thuốc như sau:

– Thuốc giảm đau được phép sử dụng trong y học.

– Thuốc mềm phân, nhuận tràng để giảm bớt đau đớn khi đi vệ sinh.

Các loại thuốc này được sử dụng đều đặn trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Hãy sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc về dùng khi chưa có chỉ định.

Cắt búi trĩ có đau không - có thể giảm đau bằng uống thuốc

Dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn để giảm bớt đau đớn sau cắt trĩ.

 

2.2. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật

Chế độ ăn uống cũng là yếu tố rất quan trọng giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và chóng hồi phục. Một chế độ hợp lý sẽ giúp giảm bớt áp lực lên vùng hậu môn, tránh tác động tới vết thương. Những ngày đầu sau phẫu thuật tốt nhất nên ăn lỏng như cháo với súp.

Các chất cần được bổ sung và tăng cường đó là rau củ quả nhiều chất xơ, chất khoáng, các vitamin cần thiết khác. Ngoài ăn, bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước để kích thích nhu động ruột, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn. Lượng nước cần nạp vào mỗi ngày là từ 1,5 – 2 lít tùy thuộc vào cơ thể mỗi bệnh nhân.

Cần áp dụng chế độ này ít nhất là một tuần sau phẫu thuật. Trong giai đoạn này, chế độ này giúp người bệnh dễ dàng tiêu hóa, giảm bớt đau đớn. Nếu người bệnh vẫn bị đau đớn quá mức khi đi đại tiện, phân rắn… thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Từ đó cải thiện chế độ phù hợp với bản thân để giải quyết vấn đề.

Cắt búi trĩ có đau không - lời khuyên

Cần chú ý chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt trĩ: bổ sung nhiều rau xanh.

 

2.3. Một số mẹo giảm đau khác

Tuy phương pháp hiện đại sẽ giúp giảm đau và chóng lành, tuy nhiên bệnh nhân không tránh khỏi cơn đau do di chuyển, sinh hoạt. Nhất là khi ngồi xổm, vận động quá mức. Để khắc phục các cơn đau này, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo nhỏ như:

– Lưu ý khi tắm bồn: Chỉ nên tắm bồn khi tình trạng vết thương đã đỡ hơn. Người bệnh không nên tắm bồn quá lâu. Có thể pha một ít muối trong bồn nước ấm sạch để ngâm cơ thể.  Có thể áp dụng lặp lại hằng ngày để giảm cơn đau ở vùng hậu môn.

– Chườm khăn ấm ở vùng hậu môn: Khi có cơn đau xảy ra, bệnh nhân có thể chườm khăn ấm sạch ở vùng vết thương để giảm đau.

– Ngâm mông: Bệnh nhân có thể ngâm mông trong nước ấm sau khi đi vệ sinh để giảm cơn đau tức thì. Lưu ý dùng nước ấm sạch và có thể pha thêm 1 ít muối. Không dùng các dung dịch hóa học khác.

Như vậy, cắt búi trĩ có đau không phụ thuộc vào các phương pháp cắt trĩ cụ thể. Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế đều chủ trương lựa chọn các phương pháp ít đau, chóng lành nên bệnh nhân không cần quá lo lắng. Nên chủ động thăm khám và điều trị trĩ cùng bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top