✴️ Đi ngoài ra máu là biểu hiện của bệnh gì? Khắc phục như thế nào?

Nội dung

Hiện tượng đi ngoài ra máu là gì?

Đi ngoài ra máu là hiện tượng  phân có lẫn máu hoặc đi ngoài ra máu cuối bãi. Đi ngoài ra máu đỏ thẫm, đỏ tươi hoặc thâm đen tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.

Đi ngoài ra máu do táo bón và tự khỏi, tuy nhiên đi ngoài ra máu cũng có thể do một vài nguyên nhân bệnh lý khác nguy hiểm hơn.

 

11 nguyên nhân gây đi ngoài ra máu cần lưu ý

Có nhiều nguyên nhân gây đi ngoài ra máu, cụ thể như:

Bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể gây chảy máu khi đi ngoài. Nguyên nhân gây bệnh trĩ là do: rặn mạnh khi đi vệ sinh, ngồi nhà vệ sinh quá lâu, táo bón mãn tính, stress, tiêu chảy mãn tính, béo phì, ăn ít chất xơ, phụ nữ có thai…

Để điều trị bệnh trĩ người bệnh cần ăn nhiều rau củ quả, ngâm nước ấm, điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật loại bỏ trĩ.

Rò ống tiêu hóa

Giữa hậu môn và da hoặc hậu môn và trực tràng có thể xuất hiện các lỗ rò, gọi là rò ống tiêu hóa. Tình trạng này khiến rò dịch tiêu hóa, rò rỉ mủ hoặc rò máu ra khỏi cơ thể khiến phân có lẫn máu.

Rò ống tiêu hóa phải điều trị bằng phẫu thuật và sử dụng liệu pháp kháng sinh.

Các vết nứt

Đi ngoài ra máu xảy ra khi có các vết nứt do các mô của hậu môn, trực tràng hay ruột kết bị rách dẫn đến chảy máu.

Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần ăn nhiều chất xơ. Nếu tình trạng nặng, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để điều trị.

Viêm túi thừa

Túi thừa là một túi nhỏ phồng lên từ thành ruột kết. Túi thừa thường gặp ở những người ăn ít rau củ quả. Khi túi thừa chảy máu khiến phân có lẫn máu. Tình trạng này có thể tự ngưng, bị gián đoạn hoặc kéo dài liên tục. Nếu bệnh nhân bị viêm túi thừa nặng cần phẫu thuật cắt bỏ túi thừa.

Viêm đại tràng trực tràng

Viêm đại tràng, viêm trực tràng là một trong những nguyên nhân gây đi ngoài ra máu. Nguyên nhân gây viêm trực tràng và viêm đại tràng gồm:

– Nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng

– Mắc hội chứng ruột kích thích

– Mắc bệnh Crohn

– Ảnh hưởng của điều trị xạ trị, hóa trị

– Quan hệ tình dục qua đường hậu môn

– Táo bón

– Uống nhiều rượu bia

Đi ngoài ra máu là biểu hiện của bệnh gì? Khắc phục như thế nào?

Đi ngoài ra máu có thể là biểu hiện của một số bệnh về đường tiêu hóa

 

Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột có thể khiến phân có lẫn máu và các chất nhầy. Viêm dạ dày ruột thường do nhiễm khuẩn.

Bệnh có thể điều trị bằng cách bù chất lỏng, dùng kháng sinh, thuốc kháng virus…

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)

Quan hệ tình dục qua hậu môn làm tăng nguy cơ viêm hậu môn, viêm trực tràng dẫn đến chảy máu khi đi ngoài.

Tùy nguyên nhân do vi khuẩn, nấm hay virus mà người bệnh cần phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, chống nấm tương ứng.

Sa trực tràng

Sa trực tràng có thể gây đi ngoài ra máu, đau bụng dưới. Bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật.

Polyp

Polyp hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc ruột kết hình thành, đây là những khối u lồi trong lòng ruột kết. Nếu polyp xuất hiện ở lớp lót của đại trực tràng sẽ gây kích ứng, viêm và chảy máu khi đi ngoài.

Ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng

Đi ngoài ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng. Bên cạnh đi ngoài ra máu, bệnh nhân ung thư đại trực tràng có có các biểu hiện như:

– Táo bón

– Đau bụng

– Đầy bụng

– Buồn nôn, nôn ói

– Thay đổi thói quen đại tiện

– Phân dẹt và lỏng

– Tiểu không tự chủ

– Tiểu buốt

– Giảm cân đột ngột

– Người mệt mỏi

Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài ra máu.

 

Đi ngoài ra máu khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Đi ngoài ra máu có thể là biểu hiện thông thường và không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài hoặc gây đau đớn thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Người bệnh đi ngoài ra máu cần đi khám khi có các dấu hiệu:

– Đi ngoài ra máu kéo dài hơn 2 tuần

– Trẻ nhỏ đi ngoài ra phân nhiều máu

– Người mệt mỏi

– Sức khỏe suy giảm

– Sụt cân không rõ nguyên nhân

– Đau bụng, sưng bụng

– Sốt cao

– Buồn nôn hoặc nôn

– Sờ thấy cục khối nổi lên trong bụng

– Hình dạng và kết cấu phân thay đổi bất thường

– Đi ngoài hoặc đi tiểu không kiểm soát.

 

Biện pháp điều trị và phòng ngừa đi ngoài ra máu

– Bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn theo phác đồ của bác sĩ sau khi thăm khám.

– Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt:

+ Áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ từ rau củ, trái cây, uống nhiều nước để giảm nguy cơ táo bón;

Đi ngoài ra máu là biểu hiện của bệnh gì? Khắc phục như thế nào?

Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ từ rau củ, trái cây để giảm nguy cơ táo bón đi ngoài ra máu

 

+ Tạo thói quen đi đại tiện hằng ngày vào một thời điểm nhất định, tránh rặn quá mạnh, không đi cầu quá lâu, vệ sinh hậu môn sạch sẽ sau mỗi lần đi đại tiện;

+ Hạn chế thực phẩm gây nóng trong như: thức ăn nhiều chất béo, chua, cay, đồ ngọt;

+ Ăn thực phẩm giàu chất sắt, ngăn ngừa thiếu máu như các loại hạt, gan động vật, lòng đỏ trứng, ngũ cốc…;

+ Ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc;

+ Tránh bưng bê vật nặng, không đứng lâu, ngồi lâu một chỗ;

+ Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để cải thiện sức khỏe, thúc đẩy nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt.

Đi ngoài ra máu nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, khi có biểu hiện này, bệnh nhân nên đi khám ngay chuyên khoa tiêu hóa để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để bệnh trở nặng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top