✴️ Điều trị polyp đại tràng có cần phải phẫu thuật?

Tổng quan về bệnh polyp đại tràng

Polyp đại tràng là sự tăng trưởng trên lớp lót bên trong của đại tràng (ruột già) và là căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Hầu hết polyp đại tràng đều là lành tính nhưng cũng có một số polyp tiến triển thành ác tính. Dựa vào kích thước, số lượng và sinh thiết mô học, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân nào có nhiều khả năng phát triển nhiều polyp cũng như nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Những thay đổi trong vật liệu di truyền của các tế bào lót đại tràng được xem là nguyên nhân chính hình thành nên polyp. Theo đó, có nhiều loại polyp đại tràng khác nhau với xu hướng khác nhau tiến triển thành ác tính. Điều quan trọng là cần theo dõi và phát hiện tại gia đình của bạn có thành viên nào đã từng mắc polyp đại tràng hay không, vì theo yếu tố di truyền rất có thể bản thân bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao và ung thư có thể được ngăn ngừa nếu phát hiện sớm.

Chỉ có  một tỷ lệ nhỏ polyp gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu cụ thể. Trong đó, có một vài triệu chứng sau:

  • Máu đỏ trộn lẫn với phân hay máu đỏ trên bề mặt phân;
  • Đại tiện phân lỏng hoặc táo bón kéo dài;
  • Đau đầu, chóng mặt, da nhợt nhạt;
  • Đau bụng.

Điều trị polyp đại tràng

Polyp đại tràng là bệnh thường gặp liên quan đến đường tiêu hóa

Các phương pháp điều trị polyp đại tràng

Polyp đại tràng thường được chẩn đoán bằng nội soi đại tràng hay thực hiện một số xét nghiệm, chụp CT …và thường được được điều trị bằng cách cắt bỏ nội soi hoặc đôi khi bằng phẫu thuật.

  • Cắt bỏ polyp (polypectomy) bằng kìm sinh thiết (forceps) hoặc bằng lọng (wire loop – snare ) qua nội soi EMR( Endoscopic mucosal resection )– ESD Endoscopic submucosal dissection)
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (Minimally invasive surgery): Các polyp quá lớn hoặc không thể loại bỏ an toàn qua nội soi đại tràng được thì phẫu thuật nội soi (laparoscope), được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ qua nội soi ổ bụng để cắt polyp.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ đại trực tràng (total proctocolectomy ): Nếu mắc hội chứng di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như FAP có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ đại trực tràng.

Phẫu thuật nội soi

Polyp đại tràng có tái phát không?

Thời gian nội soi đại tràng lại tùy thuộc vào số lượng, kích thước và bản chất của polyp. 

  • Nếu chỉ có 1 hay 2 khối polyp với kích thước nhỏ dưới 5mm, nguy cơ ung thư đại tràng là khá thấp. Có thể nội soi lại đại tràng sau 5 năm, hoặc thậm chí lâu hơn.
  • Nếu kích thước khối polyp từ 1cm trở lên hay có nhiều polyp và/hoặc có kết quả giải phẫu bệnh bất thường, nguy cơ ung thư đại tràng là trung bình. Cần quay lại nội soi kiểm tra sau 3 năm hoặc thậm chí ngắn hơn.
  • Với những khối polyp lớn và/hoặc có kết quả giải phẫu bệnh gợi ý ác tính, có thể yêu cầu nội soi đại tràng sau 1 năm.
  • Trường hợp cắt polyp mà chưa quan sát được khung đại tràng (phẫu thuật cấp cứu hay đại tràng chứa nhiều phân không quan sát được) hoặc cần nội soi đại tràng thì nên kiểm tra sau 3 – 6 tháng.

Những trường hợp đặc biệt hơn:

  • Những bệnh nhân có tiền căn polyp gia đình nên nội soi đại tràng mỗi 1 – 2 năm từ khi phát hiện.
  • Người có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng nên tầm soát sớm hơn 10 tuổi khi người đó được chẩn đoán ung thư.
  • Các bệnh viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn: Sau 8 năm chẩn đoán, mỗi năm nên làm nội soi đại tràng 1 lần.

Polyp đại tràng có thể được phòng ngừa?

Áp dụng các thói quen lành mạnh

Bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống và giảm lượng chất béo. Hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá. Duy trì hoạt động thể chất và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Hạn chế thuốc lá, rượu bia.

Tăng cường vận động bằng việc chơi các môn thể thao, chạy bộ, tập thể dục…

Hãy xem xét các lựa chọn có nguy cơ cao

Nếu có tiền sử gia đình bị polyp đại tràng, hãy cân nhắc đến việc tư vấn di truyền. Nếu BN được chẩn đoán mắc chứng rối loạn di truyền gây ra polyp đại tràng, BN sẽ cần soi ruột kết thường xuyên bắt đầu từ khi còn trẻ.

Theo các nghiên cứu, polyp đại trực tràng có thể được ngăn ngừa khi bổ sung các yếu tố chống oxy hóa như các vitamin A, C, E và canxi.
Các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) cũng có tác dụng phòng ngừa hình thành polyp như aspirin, ibuprofen, celecoxib (Celebrex)… Aspirin cho thấy tác dụng giảm tỷ lệ hình thành polyp từ 30 – 50%. Tuy nhiên, tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày – tá tràng là những vấn đề cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.

Giữ gìn cơ thể khỏe mạnh là biện pháp phòng ngừa bệnh đơn giản nhất

Phát hiện sớm bệnh chính là chìa khóa vàng giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn, nhất là đối với bệnh ung thư đại tràng. Chính vì thế, việc tiến hành tầm soát sớm ung thư đại tràng nói riêng hay ung thư đường tiêu hóa nói chung là lựa chọn thích hợp đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top