Phẫu thuật điều trị viêm đại tràng là quy trình can thiệp ngoại khoa nhằm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng khi đại tràng bị viêm nhiễm nặng, tổn thương nặng nề hoặc có nguy cơ/biểu hiện ác tính (ung thư hóa).
Trong đa số trường hợp, chỉ định phẫu thuật nhằm cắt bỏ một phần đại tràng chứa khối u hoặc vùng tổn thương. Phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng thường chỉ được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt như viêm loét đại tràng nặng, bệnh Crohn thể nặng, hoặc polyp đại tràng lan tỏa nguy cơ cao chuyển thành ung thư.
Trong phẫu thuật cắt đại tràng một phần, bác sĩ sẽ loại bỏ đoạn đại tràng tổn thương cùng với một phần đại tràng lành ở hai đầu nhằm đảm bảo an toàn mô học. Kích thước và vị trí cắt bỏ sẽ được quyết định dựa trên vị trí, kích thước và mức độ lan rộng của khối u hoặc vùng tổn thương.
Phẫu thuật cắt đại tràng là phương pháp điều trị chính đối với ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm.
Lựa chọn kỹ thuật phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ lan rộng tổn thương, vị trí khối u, tình trạng xâm lấn các cơ quan lân cận, cũng như tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Các phương pháp phổ biến bao gồm:
Bác sĩ thực hiện một đường rạch lớn qua thành bụng để tiếp cận đại tràng.
Đại tràng bị tổn thương sẽ được cắt bỏ, kèm theo cắt bỏ mô lân cận hoặc hạch bạch huyết nếu cần thiết.
Phương pháp này thường được chỉ định trong các trường hợp khối u lớn, xâm lấn hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện mổ nội soi.
Các dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng và ống nội soi gắn camera được đưa vào ổ bụng thông qua các vết rạch nhỏ (~1,5 cm).
Hình ảnh phóng đại từ camera giúp bác sĩ thao tác loại bỏ phần đại tràng bị tổn thương chính xác hơn.
Phẫu thuật nội soi có ưu điểm: vết mổ nhỏ hơn, giảm đau sau mổ, giảm nguy cơ nhiễm trùng và rút ngắn thời gian hồi phục.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phẫu thuật nội soi phải chuyển đổi sang mổ hở nếu phát hiện tổn thương quá rộng hoặc phức tạp.
Giống như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật đại tràng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, bao gồm:
Chảy máu: Có thể xảy ra trong hoặc sau phẫu thuật.
Nhiễm trùng: Tại vết mổ hoặc trong ổ bụng.
Rò miệng nối (xì dò chỗ khâu nối ruột): Xảy ra với tỷ lệ 3–5%, nguy cơ cao hơn ở bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng kém hoặc nhiễm trùng.
Tổn thương các cơ quan lân cận: Như ruột non, bàng quang, niệu quản hoặc mạch máu lớn.
Biến chứng tim mạch và hô hấp: Đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi hoặc có bệnh lý nền.
Một số biến chứng nghiêm trọng có thể đòi hỏi phẫu thuật lại để xử trí.
Người bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng sau sau phẫu thuật:
Đau bụng tăng dần và kéo dài không giảm.
Vết mổ đỏ, sưng nề lan rộng, kèm đau nhiều.
Bụng trướng căng, buồn nôn hoặc nôn ói nhiều.
Sốt cao > 38,5°C kèm lạnh run.
Dịch chảy ra từ vết mổ nhiều, có mùi hôi bất thường.
Việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới kết quả điều trị và tiên lượng lâu dài.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp