Đa số trường hợp polyp đại trực tràng là lành tính, tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không thể chủ quan. Các tổ chức này vẫn tiềm ẩn nguy cơ ung thư hóa trong một số trường hợp. Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về phân loại, các yếu tố nguy cơ, cách điều trị và phòng tránh polyp tại đường tiêu hóa dưới.
1. Thông tin chung về polyp
Polyp xuất hiện tại đại trực tràng ngày càng phổ biến và có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Chúng là các khối u lồi trong lòng đại trực tràng, khi niêm mạc ruột tăng sinh bất thường và phát triển quá mức. Các polyp có kích thước khác nhau, càng lớn càng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Chúng gây ra những tác động khác nhau với cơ thể người bệnh, có thể ở dạng có cuống hoặc không cuống.
Cần lưu ý rằng không phải tất cả các khối tăng sinh tại đại trực tràng đều tiến triển thành ung thư. Quá trình ung thư hóa thường diễn ra trong nhiều năm. Nếu polyp được phát hiện sớm và loại bỏ hoàn toàn thì nguy cơ ung thư sẽ được ngăn chặn. Phần lớn polyp là lành tính, nhưng một số khối u sinh trưởng nhanh đến mức không thể kiểm soát và chưa được biệt hóa sẽ có khả năng trở thành ác tính.
2. Phân loại polyp đại trực tràng
Hai dạng phổ biến nhất hiện nay của polyp đường tiêu hóa dưới là polyp tăng sản và polyp tuyến. Một số loại khác ít gặp hơn gồm: u cơ, u mỡ, u lympho, u mô thừa, u máu, u thần kinh nội tiết, u mô đệm,…
2.1. Polyp tăng sản
Các khối u ở dạng này thường có kích thước nhỏ, nằm ở vị trí cuối đại tràng. Thông thường polyp tăng sản không có gì đáng lo ngại vì chúng ít có khả năng trở thành ác tính.
Các polyp tăng sản lành tính có thể được phát hiện và chẩn đoán phân biệt thông qua nội soi đại tràng. Tuy nhiên để kết luận có độ chính xác cao hơn thì cần dựa trên kết quả kiểm tra mô bệnh học sau khi cắt polyp.
2.1. Polyp tuyến
Đây là dạng polyp chiếm hơn 2/3 số lượng polyp tại đường tiêu hóa dưới. Polyp tuyến có khả năng tiến triển thành ác tính, với kích thước lớn hơn so với polyp tăng sản. Chúng cần được theo dõi và loại bỏ sớm, đặc biệt là polyp có kích thước lớn hơn 5mm.
Polyp tuyến có thể chứa tế bào ung thư dù với tỷ lệ thấp. Chúng sẽ được kiểm tra và xác định dưới kính hiển vi. Các polyp ác tính sẽ được điều trị và can thiệp y khoa tùy thuộc vào sức khỏe và tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người.
2.3. Polyp đại trực tràng dễ tiến triển thành ung thư
Polyp tuyến có khả năng cao chuyển thành ung thư, đặc biệt những khối u có độ loạn sản cao hoặc có kích thước lớn hơn 1cm. Polyp tuyến nhung mao hoặc ống nhung mao cũng tiềm ẩn nguy cơ ác tính hóa.
Ngoài ra, một số loại polyp dễ tiến triển thành ung thư còn gồm: polyp răng cưa có kích thước trên 1cm, polyp xuất hiện với số lượng nhiều hơn 3, bệnh đa polyp di truyền và không di truyền.
3. Yếu tố nguy cơ hình thành polyp
Nguyên nhân chính khiến polyp đại tràng xuất hiện là do đột biến gen làm tế bào phát triển không bình thường. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao bởi các yếu tố dưới đây:
– Tuổi tác: Polyp thường gặp ở người cao tuổi với tỷ lệ cao hơn so với những người trẻ tuổi. Tình trạng polyp được ghi nhận ở những người trên 50 tuổi chiếm 90% tổng số ca mắc.
– Di truyền: Đây là yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bất thường của niêm mạc đại trực tràng. Nguy cơ mắc polyp tăng cao ở những người có người thân trong gia đình mắc bệnh.
– Lối sống thiếu lành mạnh: Nghiện rượu bia, thuốc lá; ít vận động; thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm ăn liền, giàu chất béo, nhiều chất bảo quản; ăn ít chất xơ;…
– Đang mắc các bệnh như: viêm đại tràng, viêm trực tràng, Crohn, béo phì, hội chứng Peutz – Jeghers, tiểu đường tuýp 2,…
4. Điều trị và phòng tránh polyp
4.1. Điều trị polyp đại trực tràng
Người bệnh sẽ được khuyến cáo cắt bỏ polyp được phát hiện để hạn chế tối đa các biến chứng về sau. Thủ thuật cắt bỏ polyp được tiến hành thông qua nội soi đại tràng. Phương pháp này được áp dụng phổ biến với hầu hết người bệnh nhờ độ an toàn và hiệu quả điều trị cao.
Thông thường các polyp có kích thước từ 0.2 – 2cm sẽ có thể được thực hiện cắt bỏ qua nội soi. Các trường hợp polyp số lượng nhiều và gây biến chứng, bác sĩ có thể thực hiện loại bỏ qua phẫu thuật. Polyp nghi ngờ và có nguy cơ lan rộng cần được sinh thiết để xét nghiệm mô bệnh học. Một số trường hợp polyp ác tính xâm lấn sâu có thể được chỉ định cắt bỏ ruột già và phẫu thuật ghép trực tràng với ruột non.
4.2. Giải pháp phòng bệnh
Sau đây là các biện pháp phòng ngừa polyp đường tiêu hóa mà bạn có thể áp dụng:
– Nội soi đại trực tràng định kỳ hàng năm, nhất là những người đã phát hiện polyp tuyến.
– Hạn chế lượng chất béo, tăng cường rau, củ, quả và ngũ cốc trong khẩu phần ăn hàng ngày.
– Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh: Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá; thường xuyên vận động, tập luyện thể dục, thể thao, kiểm soát hiệu quả cân nặng.
– Những người trên 50 tuổi cần khám sàng lọc polyp cũng như ung thư đại trực tràng, đặc biệt ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Như vậy, polyp đại trực tràng tồn tại 2 dạng phổ biến nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Trong đó, polyp tuyến có nguy cơ cao dẫn đến ung thư đường tiêu hóa dưới. Hy vọng bạn đọc đã có những hiểu biết về bệnh, từ đó có thể phòng tránh polyp và bảo vệ sức khỏe chính bản thân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh