✴️ Polyp trực tràng là gì? nguyên nhân và cách điều trị

Polyp trực tràng là gì?

Polyp trực tràng là tình trạng xuất hiện những khối u lồi nằm ở thành ruột hoặc trong lòng trực tràng.

Đa số các polyp trực tràng đều lành tính nếu có kích thước nhỏ, tuy nhiên nếu polyp phát triển có kích thước lớn sẽ chuyển sang ác tính, tăng khả năng bị ung thư cao.

Nguyên nhân hình thành polyp trực tràng

Các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể phát triển và phân chia một cách có trật tự. Tuy nhiên, tình trạng đột biến ở một số gen nhất định có thể khiến các tế bào tiếp tục phân chia các tế bào mới khi không cần thiết. Do đó sự tăng trưởng không được kiểm soát này có thể khiến polyp hình thành ở trực tràng.  

Các yếu tố làm tăng cao khả năng hình thành polyp trực tràng

Ngoài nguyên nhân chính hình thành polyp trực tràng, còn có các yếu tố nguy cơ làm tăng cao khả năng xuất hiện của bệnh. Cụ thể như sau:

  • Tuổi từ 50 trở lên

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh polyp hoặc ung thư ruột kết

  • Một gen di truyền hiếm gặp khiến con người có nhiều khả năng phát triển polyp

  • Mắc bệnh viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn

  • Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ

  • Sử dụng thuốc lá và rượu

  • Ít tập hoặc không tập thể dục

  • Cơ thể béo phì

Chế độ ăn nhiều chất béo không tốt là nguyên nhân hình thành polyp trực tràng

Triệu chứng của bệnh polyp trực tràng

  • Đi ngoài phân có máu tươi: Đây là dấu hiệu dễ phát hiện bệnh nhất, khi đi ngoài người bệnh sẽ thấy máu phủ ngoài mặt phân, phân có khuôn và không trộn lẫn với máu.

  • Cuống polyp sa ra ngoài (sa trực tràng): Trường hợp polyp trực tràng có cuống dài có thể sa ra ngoài hậu môn gây cảm giác khó chịu.

  • Soi kiểm tra trực tràng phát hiện: Khi đi kiểm tra trực tràng phát hiện thấy bề mặt niêm mạc của polyp tuyến tròn có màu , sáng bóng và có hình bông cải.

  • Đau buốt hậu môn: Nếu cảm giác đau buốt hậu môn xuất hiện, đi ngoài máu kèm dịch nhầy rất có thể polyp trực tràng đã bị viêm, cần đi soi kiểm tra trực tràng ngay.

Polyp trực tràng có nguy hiểm không?

  • Tiềm ẩn nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng: Polyp trực tràng đa phần đều lành tính, tuy nhiên nếu polyp tăng số lượng và kích thước lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.

  • Đau buốt khi đi ngoài, máu trong phân: Khi bị polyp trực tràng ở giai đoạn muộn, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng khó chịu, đau buốt ở hậu môn khi đi ngoài, thậm chí còn bị tiêu chảy, đau quặn bụng.

Ung thư trực tràng là biến chứng nguy hiểm nhất của polyp trực tràng

Cách điều trị polyp trực tràng

Phương pháp chẩn đoán

Để có thể chẩn đoán được polyp trực tràng, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm phân bằng cách tìm máu ẩn trong phân hoặc xét nghiệm ADN để tầm soát polyp và ung thư trực tràng.

Chụp X-quang có thuốc cản quang cũng được sử dụng để chẩn đoán polyp trực tràng, phương pháp này có thể phát hiện đươc polyp hay khối u trực tràng, nhược điểm là dễ bỏ sót những polyp nhỏ.

Ngoài ra còn có chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner) cũng được đưa vào để chẩn đoán bệnh.

Thế nhưng các phương pháp trên vẫn có những sai sót. Do đó, phương pháp chính xác nhất để phát hiện polyp, u trực tràng và có thể sinh thiết để xác định u lành tính hay u ác tính là áp dụng nội soi trực tràng.

Khi nội soi trực tràng phát hiện được polyp, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi toàn bộ bên trong ruột già để kiểm tra. Cách kiểm tra hoàn chỉnh sẽ giúp phát hiện thêm polyp bởi người bệnh thường sẽ có nhiều hơn một polyp và bất kì polyp nào cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Nội soi trực tràng cũng giúp bác sĩ thực hiện sinh thiết bằng cách lấy một mô mẫu để quan sát và kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm ra tế bào ung thư khi nghi ngờ người bệnh đang bị ung thư trực tràng.

Phương pháp điều trị

Cắt bỏ hết những polyp từ ruột già và cả trực tràng là phương pháp được khuyến khích nhất để điều trị vì những khối u này có thể dẫn tới ung thư.

  • Polyp có cuống sẽ được cắt bỏ trong quá trình nội soi trực tràng bằng cách dùng dao để cắt hoặc dao để đốt điện.

  • Nếu như polyp không hề có cuống hoặc không thể cắt đi khi nội soi thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ.

  • Trường hơp polyp phát triển thành ung thư thì việc điều trị ra sao sẽ phụ thuộc vào khả năng lan rộng của ung thư. Để xác định tình trạng lan rộng sẽ phải quan sát polyp ở dưới kính hiển vi. Nếu như ung thư đã xâm lấn vào các cuống polyp, những đoạn ruột già bị ảnh hưởng sẽ cần cắt bỏ polyp đã hóa ác, cắt bỏ đoạn ruột già có polyp có tế bào ung thư và ghép trực tràng vào cùng với ruột non. Đây là phương pháp rất phổ biến vì có thể cắt bỏ đi được polyp trực tràng.

  • Khi trực tràng đã được cắt bỏ, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật tạo một lỗ mở ở ruột non ra ngoài thành bung (mở thông hồi tràng hoặc tạo hậu môn nhân tạo) để giúp bệnh nhân có thể đi vệ sinh. Chất thải được đưa qua thông lỗ mở rồi thông vào trong túi dùng một lần.

  • Hiện nay có một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid đang trong quá trình kiểm chứng về khả năng tiêu diệt những khối u do polyp gia đình gây nên. Tuy nhiên tác động của thuốc chỉ là tạm thời, nếu như bệnh nhân ngừng thuốc thì polyp sẽ bắt đầu phát triển từ từ trở lại.

Cắt polyp là phương pháp được khuyến khích điều trị polyp trực tràng

Phòng ngừa polyp trực tràng

Có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh polyp trực tràng và ung thư đại trực tràng bằng cách kiểm tra y tế thường xuyên. Bên cạnh đó một số thay đổi lối sống cũng có thể giúp phòng ngừa polyp trực tràng:

  • Áp dụng thói quen lành mạnh vào lối sống: Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc trong chế độ ăn uống và giảm lượng chất béo dung nạp. Hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá. Duy trì hoạt động thể chất và trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

  • Bổ sung canxi và vitamin D: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp ngăn ngừa tái phát u tuyến đại tràng. Bạn có thể uống thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc bổ sung qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày.

  • Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh polyp trực tràng, hãy cân nhắc việc đi khám kiểm tra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top