Rò trực tràng âm đạo là loại bệnh lý không mấy phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, mỗi cá nhân cần chủ động nhận biết bệnh sớm để tiến hành chẩn đoán và lựa chọn phương án điều trị phù hợp, hạn chế những rủi ro đáng tiếc.
1. Những điều cần biết về rò trực tràng – âm đạo
1.1. Rò trực tràng – âm đạo là gì?
Rò trực tràng – âm đạo là hiện tượng ít gặp với tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 5% trong các bệnh về nhiễm trùng mủ ở hậu môn. Đây là sự kết nối bất thường ở 2 ống niêm mạc của trực tràng và âm đạo. Khi đó, các chất trong ruột có thể bị rò rỉ qua các lỗ rò, cho phép khí hoặc phân đi tới âm đạo.
Có 2 loại rò trực tràng âm đạo thường gặp nhất là:
– Rò đơn giản (lỗ rò ở thấp, dưới 2,5cm, kích thước nhỏ)
– Rò phức tạp (lỗ rò ở cao, trên 2,5cm, kích thước lỗ rò lớn).
Kích thước lớn nhỏ, cao thấp của lỗ rò có thể ảnh hưởng đến độ nặng, nhẹ của triệu chứng bệnh gây ra.
1.2. Triệu chứng bệnh thường gặp
Tùy vào vị trí và kích thước của lỗ rò tại trực tràng, hậu môn, âm đạo, người bệnh có thể có các triệu chứng nặng nhẹ liên quan tới chức năng tiểu tiện và vệ sinh. Các triệu chứng của rò trực tràng âm đạo thường gặp bao gồm:
– Có khí, phân hoặc có mủ tiết ra từ âm đạo;
– Âm đạo thường có mùi hôi;
– Nhiễm trùng tái phát nhiều lần ở đường âm đạo hoặc đường tiểu;
– Gây ra những kích thích hoặc đau ở âm đạo, âm hộ hoặc giữa vùng âm đạo và hậu môn (tầng sinh môn);
– Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục.
1.3. Nguyên nhân dẫn đến rò trực tràng – hậu môn – âm đạo
– Bẩm sinh;
– Từ các chấn thương sản khoa: Chuyển dạ kéo dài, các thủ thuật sản khoa (kẹp forceps, cắt nới tầng sinh môn, hút thai,…);
– Sau quá trình cắt tử cung khó, các phẫu thuật liên quan tới thành sau âm đạo, tầng sinh môn, ở tử cung hoặc trực tràng;
– Các bệnh về viêm nhiễm đường ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn cũng gây ra rò trực tràng – âm đạo ở phụ nữ;
– Do viêm túi thừa đại tràng, ung thư âm đạo, ung thư đại tràng, ung thư ở cổ tử cung; lao ruột, kẹp phân, bệnh hoa liễu;
– Biến chứng từ các phẫu thuật trong điều trị các tạng chậu hông có sử dụng mảnh ghép được đưa qua đường âm đạo hoặc tầng sinh môn;
– Hậu quả của việc xạ trị vùng chậu hoặc sau xạ trị 6 – 24 tháng;
– Lạm dụng tình dục, nhiễm trùng do HIV.
2. Biến chứng nguy hiểm và cách đối phó với bệnh
2.1. Biến chứng nguy hiểm của bệnh
– Đại tiện không tự chủ;
– Gây ra nhiễm trùng âm đạo hoặc niệu đạo và tái phát lại nhiều lần;
– Viêm âm đạo, viêm tầng sinh môn và các vùng da quanh hậu môn;
– Lỗ rò có thể bị áp xe, thậm chí là đe dọa tới tính mạng người bệnh;
– Lỗ rò ở trực tràng – âm đạo tái phát lại nhiều lần.
2.2. Biện pháp đối phó với bệnh
Để đối phó với bệnh cần kiểm soát ngay từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày, việc này sẽ giúp tình trạng rò trực tràng – âm đạo được cải thiện đáng kể.
– Cần vệ sinh sạch sẽ bên ngoài bộ phận sinh dục bằng nước ấm mỗi khi thấy có dịch tiết ra âm đạo hoặc phân;
– Tránh việc sử dụng các chất dễ gây kích ứng như các loại xà phòng có mùi thơm hoặc băng vệ sinh có mùi thơm, nên sử dụng loại xà phòng dịu nhẹ không mùi;
– Lau khô vùng âm đạo bằng khăn khô, sạch sau mỗi lần đi vệ sinh;
– Tránh sử dụng loại giấy vệ sinh khô để lau chùi lên vùng trực tràng – âm đạo. Nên dùng khăn giấy hoặc bông gạc đã được làm ẩm, loại không mùi và không chứa cồn;
– Cũng có thể sử dụng kem dưỡng ẩm, phấn rôm hoặc bột bắp để bảo vệ da khỏi sự kích ứng do dịch tiết âm đạo hoặc phân theo hướng dẫn của bác sĩ;
– Nên lựa chọn đồ lót bằng vải cotton và mặc quần áo rộng thoáng và thay đồ lót bẩn liên tục;
– Có thể sử dụng thêm miếng đệm thấm, miếng lót một lần hoặc tã người lớn nếu thấy dịch lỏng hoặc phân ra nhiều.
3. Chỉ định điều trị rò trực tràng – hậu môn
Việc điều trị sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, kích thước, vị trí và tình trạng các mô xung quanh vùng trực tràng – âm đạo mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp.
3.1. Điều trị bằng thuốc
Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, chưa xuất hiện các triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho từng tình trạng bệnh cụ thế:
– Thuốc kháng sinh: Để giải quyết tình trạng nếu các mô xung quanh lỗ rò đã bị viêm nhiễm, bác sĩ sẽ kê một liệu trình kháng sinh trước khi phẫu thuật. Và thuốc kháng sinh cũng có thể được dùng trong trường hợp nữ giới mắc bệnh Crohn có phát triển một lỗ rò.
– Infliximab: Là loại thuốc có thể chữa lành một lỗ rò ở phụ nữ mắc bệnh Crohn và còn có tác dụng giảm viêm hiệu quả.
3.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ các lỗ rò sẽ dựa theo vị trí lỗ rò cùng mức độ tổn thương của người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định hình thức phẫu thuật phù hợp:
– May một nút tại lỗ rò hậu môn trực tràng hoặc tiến hành vá mô sinh học tại các lỗ rò để mô đó làm liền các lỗ rò.
– Sử dụng một mô ghép được lấy từ một bộ phận nào đó trên cơ thể.
– Phẫu thuật phức tạp hơn khi các cơ thắt hậu môn cũng bị ảnh hưởng, có sẹo hoặc các tổn thương mô từ bức xạ hoặc bệnh Crohn.
– Phẫu thuật thông ruột trước khi tiến hành làm lành một lỗ rò. Với trường hợp phức tạp hơn hoặc lỗ rò bị tái phát, đã có tổn thương mô hoặc để lại sẹo sau ca phẫu thuật trước đó hoặc do điều trị phóng xạ, bị nhiễm trùng liên tục hoặc có xuất hiện ổ phân, một khối u hoặc áp xe. Người bệnh sẽ được làm một hậu môn nhân tạo và từ 8 đến 12 tuần sau mới được tiến hành phẫu thuật điều trị các lỗ rò.
Tình trạng rò trực tràng – hậu môn – âm đạo gây ra những khó khăn trong sinh hoạt bình thường của người bệnh. Không chỉ vậy, đây còn là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ về nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi nhận thấy những biểu hiện bệnh, tốt nhất người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh