Bệnh trĩ là tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn – trực tràng. Bệnh được chia thành 3 thể chính: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp, trong đó người cao tuổi có nguy cơ mắc cao do thay đổi sinh lý theo tuổi.
Các triệu chứng thường gặp:
Chảy máu khi đại tiện: Máu có thể dính trên giấy vệ sinh, theo phân hoặc chảy thành tia. Triệu chứng thường không gây đau, xuất hiện từng đợt.
Sa búi trĩ: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn trong hoặc sau đại tiện. Giai đoạn đầu có thể tự co lại, nhưng về sau người bệnh phải dùng tay đẩy búi trĩ vào, hoặc búi trĩ sa thường trực.
Đau khi đại tiện, đặc biệt khi có táo bón hoặc nứt hậu môn kèm theo.
Ngứa rát quanh hậu môn, khó chịu vùng hậu môn kéo dài, đặc biệt khi vận động hoặc ngồi lâu.
Khi thấy đau khi đại tiện hoặc chảy máu, người bệnh cần đi khám bác sĩ để được tư vấn thêm
Người cao tuổi dễ mắc bệnh trĩ do nhiều yếu tố liên quan đến suy giảm chức năng sinh lý và lối sống sinh hoạt:
Suy giảm trương lực cơ: Cơ vòng hậu môn, cơ trơn đại tràng và hệ thống dây chằng bị suy yếu theo tuổi tác, làm giảm khả năng nâng đỡ tĩnh mạch vùng hậu môn – trực tràng.
Rối loạn đại tiện: Chức năng co bóp và hấp thu của ruột suy giảm khiến người cao tuổi dễ bị táo bón kéo dài – yếu tố nguy cơ chính của bệnh trĩ.
Chế độ ăn thiếu chất xơ: Ăn ít rau, nhiều chất béo, thực phẩm cay nóng hoặc uống ít nước gây cứng phân, làm tăng áp lực khi rặn.
Ít vận động: Người cao tuổi thường ngồi nhiều, nằm nhiều do các bệnh lý xương khớp (viêm khớp, loãng xương…), làm giảm nhu động ruột và tăng nguy cơ táo bón.
Chế độ ăn uống và tuổi tác là những nguyên nhân gây bệnh trĩ ở người cao tuổi
Bệnh trĩ hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng:
Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt: Giúp tăng lượng chất xơ, cải thiện nhu động ruột và làm mềm phân.
Uống đủ nước (1.5 – 2 lít/ngày): Hỗ trợ tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón.
Hạn chế chất kích thích như rượu, cà phê, trà đặc, thức ăn cay nóng.
Khuyến khích người cao tuổi đi bộ nhẹ nhàng, tập các bài thể dục đơn giản nhằm kích thích nhu động ruột và tăng tuần hoàn máu.
Tránh ngồi hoặc nằm quá lâu, đặc biệt không nên ngồi nhà vệ sinh kéo dài.
Thay đổi thói quen ăn uống, bổ sung nhiều nước và chất xơ giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ ở người cao tuổi
Giữ vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, nhất là sau mỗi lần đi đại tiện.
Chủ động điều trị các bệnh lý mạn tính liên quan như táo bón, ho mạn tính, rối loạn tiêu hóa.
Khám và điều trị sớm khi có biểu hiện nghi ngờ: ra máu khi đại tiện, sa búi trĩ, ngứa rát hậu môn...
Lưu ý: Bệnh trĩ nếu không điều trị sớm có thể tiến triển nặng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí biến chứng nặng như tắc mạch trĩ, nhiễm trùng hậu môn. Do đó, người cao tuổi nên đi khám chuyên khoa hậu môn – trực tràng khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh